Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

10:28
Sao mà... xấu? 

(HNM) - Hôm qua, có tin về một việc làm xã hội ê ẩm bao lâu nay, là đường bộ Việt Nam kém chất lượng.

Hóa ra là tin về một hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng công trình giao thông đường bộ năm 2011 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tin rằng: "Đáng quan ngại nhất là tư vấn giám sát khi chất lượng hoạt động đáng báo động cả về năng lực và trách nhiệm đối với công tác quản lý chất lượng… Cuối năm 2011, Bộ GTVT kiểm tra chất lượng sáu dự án thấy dự án nào cũng đóng dấu chứng nhận chất lượng tốt nhưng chất lượng thực tế vẫn có vấn đề, hỏi ra thì ban quản lý dự án thuê tư vấn kiểm định và tư vấn nói theo ý ông chủ".

Về chất lượng đường bộ Việt Nam thì có nhiều chuyện, chẳng cứ gì kiểm định chất lượng. Nhiều dự án đường bộ hoàn thành, nghe thì hoành tráng nhưng thực tế chỉ sau một thời gian ngắn là đường sá xuống cấp, phải "cấp cứu". Theo cơ quan quản lý, trong số công trình "chết trẻ" có dự án nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Cửa Ông - Mông Dương, dự án nâng cấp quốc lộ 4A đoạn Lũng Phầy - thị xã Cao Bằng, dự án nâng cấp quốc lộ 54… Cái sự xuống cấp, kém chất lượng xuất hiện nhiều ở đường lớn, những nơi chắc chắn có mật độ giao thông dày, ảnh hưởng tới cả sự thông thương và an toàn. Như năm ngoái đã có người khuyến cáo lái xe trên quốc lộ 1 phải chú ý đoạn từ nam đèo Ngang vào đến chân đèo Hải Vân, nhất là vào buổi tối, bởi nhiều đoạn đường như ruộng đánh luống, chạy không cẩn thận là xe như mất lái, cứ gọi là "đánh võng" trên đường, tai nạn như chơi!

Chuyện đường bộ Việt Nam kém chất lượng đã có lâu nay. Thời chiến tranh hay khi mới thống nhất, đất nước còn quá nghèo thì không nói làm gì, đằng này đổi mới, hội nhập đã mấy chục năm, trình độ ứng dụng thành tựu khoa học khác trước nhiều, ngân sách đổ vào xây dựng hạ tầng đâu phải ít, lại thêm vốn vay nước ngoài… mà sao vẫn phải "ca" vang điệp khúc kém chất lượng?

Người ta thường đưa nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, mật độ giao thông cao dẫn đến đường bộ quá tải khi phân tích sự xuống cấp nhanh chóng. Sự thực thì đó chỉ là một trong số nguyên nhân khiến nhiều dự án xây dựng, nâng cấp đường sá bị đánh giá là kém chất lượng. Làm đường, xây cầu cũng như nhiều việc khác, phải đặt ra tiêu chí, mục tiêu, yêu cầu cụ thể. Một con đường được xây dựng với nhiều loại vật liệu khác nhau, nhựa đường, sỏi, nước… và nếu nó chỉ có tuổi thọ vài ba năm thì người ta phải đặt vấn đề tìm nguyên nhân, thông thường là do vật liệu không "chuẩn", không được nén tốt, nền yếu, thi công dưới trời mưa. Những nguyên nhân ấy không thể được phát hiện chỉ bằng một lần nghiệm thu cuối cùng. Năm 2011, thông tin quản lý đường bộ cho thấy số tuyến đường đạt tiêu chuẩn tốt ở Việt Nam vào khoảng hơn 40%, hơn 1/3 đạt chất lượng trung bình và khoảng 20% là xấu và rất xấu. Có nhiều đường "xấu", nguyên nhân hẳn có ở khâu chọn thầu, giám sát thi công, kiểm soát chất lượng nguồn vật liệu, nghiệm thu - với cả dự án xây mới hoặc sửa chữa, bảo dưỡng.

Hạ tầng giao thông là việc lớn, lâu dài. Trong điều kiện hiện nay, có lẽ cần đặt mục tiêu làm tới đâu tốt tới đó. Ngoài việc chọn nhà thầu đủ năng lực, bảo đảm chất lượng thi công, kỹ lưỡng về tư vấn, giám sát… thì cần phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật cả khi bảo dưỡng định kỳ, đặc biệt là với những tuyến đường thường xuyên quá tải. Cần có cách công khai một số thông tin, như con đường này gắn với những nhà thầu, nhà thi công nào, "tuổi thọ" thiết kế là bao nhiêu… để nhân dân tham gia giám sát, "hậu kiểm". Với những công trình kém chất lượng, đã được kết luận nguyên nhân và rõ nơi phải chịu trách nhiệm, cần phải có hình thức xử lý dứt điểm, "đúng người, đúng tội".

Dục Tú
Đường sá Việt Nam được đầu tư chi phí xây dựng với giá thành ngang ngửa, thậm chí còn cao hơn các nước phát triển. Tuy nhiên, chất lượng các con đường, kể cả cao tốc thì lại ở tầm “chất lượng nội”. Chỉ sau một thời gian ngắn thông xe là đã phải sửa chữa, bảo trì, vá trám. Nhiều con đường đã được nhà thầu đưa ra sáng kiến cắm biển “Đường theo dõi lún”, và thực tế có đường được “theo dõi lún” đến cả chục năm vẫn chưa tháo biển theo dõi! Cùng với chi phí cao là mức thu phí cao. Khu vực Bình Dương, Đồng Nai nếu ai đã qua đây thì thấy một trận đồ bát quái của các trạm thu phí. Có chỗ hai trạm thu phí còn nhìn thấy mặt nhau! Còn đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thì vừa giành “giải quán quân” đường có mức phí cao nhất Việt Nam.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét