Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

18:15
Sẽ có mặt bằng lãi suất huy động mới?

(Đất Việt) Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng cộng với tiền nhàn rỗi đang chảy đều đặn vào hệ thống là lý do nhiều chuyên gia nhận định không lâu nữa sẽ có mặt bằng lãi suất huy động mới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM cho biết, dòng tiền huy động từ người dân đang chảy mạnh vào ngân hàng. Chỉ riêng hội sở của 16 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có trụ sở trên địa bàn TP HCM, từ đầu năm 2012 đến nay đã huy động được 23.000 tỷ đồng, tăng ít nhất 3,6% so với cuối năm 2011.

Giảm thiểu “đi đêm” lãi suất

Bên cạnh đó, việc NHNN áp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng đã tạo tín hiệu tốt cho thị trường lãi suất huy động. “Việc NHNN phân nhóm và giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ lành mạnh hóa thị trường lãi suất. Bởi các ngân hàng thuộc nhóm 4 sẽ không đẩy mạnh huy động, ngân hàng nhóm 3 cũng có hạn mức ít hơn. Còn những ngân hàng nhóm 1, 2 thì mức cũng không cao như năm ngoái (20%) và vốn họ cũng đã kha khá, nên tôi tin rằng sẽ tránh được “đi đêm” lãi suất để đua huy động, không làm méo thị trường liên ngân hàng”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, nhận xét.
Nhiều ý kiến cho rằng sắp có một mặt bằng lãi suất huy động mới.
Mặt khác, lợi nhuận của ngành ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, nên theo một phó tổng giám đốc của Eximbank, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng đã  hạn chế được việc đua nhau tăng vốn của hàng loạt ngân hàng như năm 2010 và 2011. “Việc này không chỉ giúp kiểm soát được huy động và cho vay mà còn khiến các ngân hàng Việt Nam tìm ra các giải pháp mới cho kinh doanh. Khi không thể sống nhờ tín dụng, muốn tồn tại tất yếu họ phải chuyển sang sống bằng những hoạt động kinh doanh khác”, vị này nói.

Huy động sẽ giảm dần

Mặt bằng lãi suất huy động đối với kỳ hạn trên 1 tháng đang ở mức 14%/năm nhưng dưới 1 tháng chỉ có 6%/năm. Dòng tiền đi vào ngân hàng 2 tháng trở lại đây tăng lên là do lãi suất tiền đồng hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. “Vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ đều không mấy khả quan nên lúc này chỉ có những gửi tiết kiệm và sản xuất, kinh doanh là đáng chú ý. Trong tương quan với các kênh đầu tư khác thì tiền nhàn rỗi được gửi vào ngân hàng với lãi suất 12%/năm cũng đã có lợi rồi”, TS. Lê Đăng Doanh nhận xét.

Nhưng điều quan trọng nhất khiến lãi suất có thể giảm là  do lạm phát đã giảm. Trong khi đó, theo phân tích của một chuyên gia chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, lãi suất huy động có thể giảm dần vì hàng loạt ngân hàng không đói vốn đang muốn mở rộng cho vay. “Lãi suất cao thì ngân hàng khó cho vay. Nên đương nhiên họ phải giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay. Vì ngân hàng nào cũng muốn dùng hết mức tín dụng đã được NHNN cấp cho mình”, ông này nói.

Điều này cũng được một phó tổng giám đốc của Vietcombank xác nhận: “Huy động sẽ giảm nhưng phải chờ thời gian và giảm từ từ theo sự kỳ vọng lạm phát giảm đi của người gửi tiền. Các ngân hàng cũng mong lãi suất giảm để tăng trưởng tín dụng”. Với diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều dự báo cho rằng, lãi suất có thể giảm 2%/năm đối với huy động vào ngay cuối quý I/2012.
Phương Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét