Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

10:00

Lộ trình nhanh nhất là cắt bỏ ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước 
Suốt trong năm 2011, cụm từ "tái cấu trúc” đã xuất hiện với mật độ dày đặc. Điều này đã chứng tỏ quyết tâm cao, sự đồng thuận của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội trong chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Sang đầu năm 2012, câu chuyện tái cấu trúc đã thực sự được khởi động mạnh mẽ, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Đâu là bước đi nhanh nhất và đạt hiệu quả cho lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với TS Vũ Tuấn Anh – chuyên gia nghiên cứu kinh tế của Viện Kinh tế Việt Nam.


Mức độ cắt giảm 5-10% so với chi phí lãng phí là chưa lớn

Thưa ông, những ngày qua, các tập đoàn kinh tế nhà nước liên tục tổ chức lễ ký kết cắt giảm 5%-10% chi phí, liệu đã có thể coi đây là hành động để "khởi động” quá trình tái cấu trúc chưa, thưa ông?

- Tôi hiểu "tái cấu trúc” là cải cách, là sự sắp xếp lại một cách đồng bộ cả về sứ mệnh, chức năng, tổ chức, công nghệ, con người, thị trường, thể chế của khu vực doanh nghiệp nhà nước, bằng cách đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm. Quá trình "tái cấu trúc” bao gồm cả sự cắt bỏ những cái lạc hậu, lãng phí, không hợp lý và tạo ra những cái mới có khả năng chuyển đổi cơ bản mô hình sản xuất kinh doanh. Quá trình này phải được thực hiện cả ở cấp chủ sở hữu, tức là Nhà nước, lẫn cấp đơn vị sản xuất kinh doanh, mà trong đó cấp đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động tiến hành.

Khi yêu cầu các tập đoàn kinh tế cắt giảm 5-10% chi phí, Bộ trưởng Tài chính có giải thích rằng đó là những chi phí quản lý doanh nghiệp có thể cắt giảm được ngay mà không ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa tạo ra. Có vẻ như các tập đoàn kinh tế đã đồng loạt hưởng ứng việc này một cách dễ dàng. Có thể suy luận rằng, đây là việc làm đúng mà lẽ ra phải làm từ lâu, tuy mức độ cắt giảm so với chi phí lãng phí chưa lớn, bởi nếu lớn thì các tập đoàn không hưởng ứng dễ dàng đến thế. Tôi cho rằng, có thể coi đây là một hành động "khởi động” tái cấu trúc của chủ sở hữu, theo kiểu mệnh lệnh hành chính từ trên xuống và bắt đầu từ một việc nhỏ dễ làm nhất.

Sắp xếp lại các tổng công ty không phải là việc đơn giản và dễ dàng

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, trong quý I-2012, cả nước sẽ phải hoàn thành kế hoạch sắp xếp 21 tổng công ty nhà nước. Nghĩa là từ nay đến hết tháng 3, bình quân 2 ngày phải "sắp xếp” xong một tổng công ty. Thưa ông, điều này dường như là một "nhiệm vụ bất khả thi”?

- Chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành cách đây hơn mười năm. Việc sắp xếp các tổng công ty cũng được đặt ra không phải chỉ từ mấy tháng gần đây. Vì thế nói rằng cứ hai ngày sẽ có một tổng công ty được sắp xếp xong chỉ là phản ánh điểm kết thúc của quá trình, chứ không phải quá trình sắp xếp ấy nhanh đến mức chỉ trong hai ngày hay thậm chí hai tháng.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng việc sắp xếp lại các tổng công ty lại đơn giản và dễ dàng đến thế. Ngay cả đối với những doanh nghiệp làm ăn tốt, thì việc soát xét lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh suy thoái kinh tế quốc tế và tình hình phức tạp trong nước cũng đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó đề ra và thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ. Còn đối với những doanh nghiệp lớn có nhiều vấn đề phức tạp thì ai cũng thấy rõ là không thể sắp xếp trong vòng vài tháng được.

Không phải cứ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đồng nghĩa với việc tái cơ cấu

Theo ông, đâu là bước đi nhanh nhất để tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Liệu có phải như ý kiến nhiều chuyên gia là đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, rút bớt tỉ lệ vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty?

- Nhiều người cho rằng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đồng nghĩa với việc tái cơ cấu. Hãy nhìn thẳng vào sự thật là mặc dù chúng ta đã cố gắng thúc đẩy cổ phần hóa hơn một chục năm nay, nhưng cho đến nay quá trình đó vẫn là quá chậm. Vậy có thể coi việc đẩy nhanh cổ phần hóa như "cây đũa thần” để thay đổi mô hình tăng trưởng được hay không?

Tôi nhìn vấn đề tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước khác hơn. Cổ phần hóa là thay đổi sở hữu của một bộ phận kinh tế nhà nước. Đó không phải là mục tiêu của cải cách để phát triển. Mục tiêu phải là làm sao cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong môi trường kinh tế thị trường. Biện pháp mà tôi thấy có thể có tác động nhanh và cũng có thể làm nhanh chóng là cắt bỏ các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước, như ưu đãi về tín dụng, vốn bổ sung, đất đai, giá độc quyền, thông tin... đặt các doanh nghiệp nhà nước bình đẳng với khu vực tư nhân, thì bản thân các doanh nghiệp này sẽ đứng trước thách thức "tồn tại hay không tồn tại” và sẽ phải tự cải tổ về cơ chế hoạt động, đổi mới công nghệ, cải cách tổ chức, nhân sự và kể cả đẩy nhanh cổ phần hóa. Có nghĩa là thay đổi cơ chế hoạt động để tạo sức ép, tạo động lực tái cấu trúc trong bản thân các doanh nghiệp.

Sẽ nảy sinh vấn đề là Nhà nước sẽ phải "che chắn” cho người tiêu dùng, chuyển từ "bao cấp” cho doanh nghiệp nhà nước sang bảo đảm an sinh cho người dân. Như vậy Nhà nước sẽ chuyển mạnh từ chức năng kinh doanh sang chức năng bảo đảm phúc lợi xã hội.

Lộ trình tái cấu trúc theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Thưa ông, theo ý kiến nhiều người, trong điều kiện cơ chế hiện nay, lộ trình để cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước cần khoảng thời gian một năm, vì thời gian kiểm toán một doanh nghiệp quy mô trên 500 tỉ đồng đã mất vài tháng. Theo kế hoạch đến năm 2015, cả nước còn 700 doanh nghiệp giữ lại 100% vốn nhà nước, cổ phần hóa 600 doanh nghiệp. Theo ông, cần có cơ chế và bước đi thế nào để lộ trình này diễn ra phù hợp?

- Tôi ít quan tâm tới số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa phải là bao nhiêu và còn lại bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, ví dụ như VNPT, Vietel, thì cổ phần hóa nhanh hay chậm không phải là vấn đề; còn nếu doanh nghiệp thua lỗ như EVN, Vinashin thì dù có cổ phần hóa nhanh thì món nợ lớn vẫn còn đó, không thể xóa ngay trong vài tháng hay vài năm.

Lộ trình mà tôi nghĩ rằng cần quan tâm hơn là bao giờ thì xóa bỏ được các loại ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp, đặt tất cả các doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh bình đẳng, từ đó có được hạch toán hiệu quả kinh tế thực sự. Nếu từ nay đến năm 2015, chúng ta tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp trong xã hội thì đó sẽ thực sự là một lộ trình tái cấu trúc theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vâng, thưa ông, như vậy vấn đề không phải ở chỉ tiêu đặt ra mà là mục đích cuối cùng đạt được khi đặt ra chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông, cần thêm những quy chế cụ thể nào về phần sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước?

Mọi ông chủ dù lớn hay nhỏ đều phải cân nhắc giao tài sản của mình cho những người quản lý đáng tin cậy, có cơ chế giám sát thường xuyên để đảm bảo tài sản ấy sinh sôi hay ít nhất là được bảo toàn, và có chế tài (cả thưởng và phạt) thích đáng đối với người quản lý tài sản. Có lẽ chúng ta còn yếu ở hai điều sau.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cẩm Thúy (thực hiện)

Hiện nay, theo nhiều người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho rằng mỗi công trình, số tiền thực chi phí chỉ đạt 60-70%, còn 30-40% là lãng phí, tiêu cực. Như vậy chỉ cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ với những biện pháp thiết thực thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước còn lớn hơn nhiều so với cam kết cắt giảm chi phí mà các doanh nghiệp NN đưa ra.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét