Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

18:57
Giới đầu tư chê vàng?

(Đất Việt) Dù cho giá vàng thế giới đang hướng mốc 1.800 USD/ounce, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn yên ắng. Nhà đầu tư trong nước dường như không mặn mà với kim loại quý này nữa.

Hôm qua, 24/2, giá vàng trong nước đã đạt giá cao nhất trong 1 tháng qua, cuối ngày mua vào – bán ra tương ứng từ 45,07 – 45,22 triệu đồng/lượng. Khác với trước dây, giới đầu tư hiện khá thờ ơ với thông tin giá vàng tăng trở lại, giao dịch trên thị trường diễn ra chậm chạp, buồn tẻ.

Không còn dễ ăn

Thị trường chậm nên giá vàng trong nước đã nhanh chóng dịch lại gần với giá thế giới. Từ mức cao hơn giá thế giới đến 2,5 triệu đồng/lượng trước Tết, đến chiều qua, khoảng cách này chỉ còn 300.000 đồng/lượng, nhưng vẫn không thúc đẩy người đến mua vàng. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư đã từ từ “thoát” khỏi kim loại quý này.
Giá vàng đang lên cao nhưng thị trường vẫn ảm đạm.
Hôm 23/2, khi giá vàng lên trên 45 triệu đồng/lượng, nhiều người đã bán ra. Tình hình cũng tương tự vào ngày 24/2 khi giá vàng theo đà thế giới tiếp tục tăng lên. Anh Minh (Q.Tân Bình), một nhà đầu tư vàng, giải thích, khi bán 5 lượng vàng hôm qua: “Tôi mua cũng mấy tháng rồi, cứ kỳ vọng giá lên để bán ra nhưng giờ không chờ được nữa. Vì càng đợi càng thấy mình lỗ. Hồi tôi mua, giá vàng đã 45,3 triệu đồng/lượng. Giờ bán ra chỉ được 45 triệu đồng/lượng. Như vậy, mỗi lượng ngoài mất 300.000 đồng, tôi còn bị mất gần 10 triệu đồng tiền lời mua vàng cất giữ 4 tháng qua”, anh Minh chia sẻ.

Ông Trương Công Ấn, Trưởng phòng bán lẻ vàng miếng (SJC), cho biết: “Khách mua rất ít, khách bán nhiều hơn”. Cũng vì thế, giá vàng trong nước khá chậm điều chỉnh lên khi giá thế giới tăng.

Nhìn nhận về việc giới đầu tư đang chê vàng, ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng Vina, nói: “Nếu mua để tích trữ, cất trong trung hạn, dài hạn, tôi nghĩ, giá vàng thế giới vẫn có thể tăng thêm 5% từ giờ đến cuối năm. Nhưng để coi đây là một kênh đầu tư thì tỷ suất sinh lợi của kênh này rõ ràng đang giảm xuống và không cao bằng một số kênh khác”. Theo ông Trung Anh, giới đầu tư đang dần chuyển tiền sang gửi ngân hàng hoặc chơi chứng khoán.

Ngân hàng tranh thủ “hút” vàng

Từ giữa tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động vàng. Hôm 23/2, Ngân hàng Á Châu (ACB), công bố nâng mức lãi suất huy động vàng lên 3%, sau hơn 1 tháng giữ mức huy động khoảng 2,5%/năm. Ở các kỳ hạn 1-3 tháng, ACB cũng tăng thêm ít nhất 1%/năm, lên khoảng 2,45%/năm.

Theo sau ACB, một số ngân hàng như Eximbank, NamAbank cũng điều chỉnh lãi suất huy động chứng chỉ vàng lên một mức mới. Tại Eximbank, mức lãi suất huy động vàng cao nhất là 3%/năm, còn tại NamAbank, mức lãi suất là 4%/năm với lượng huy động 1 lượng vàng.

Vì sao ngân hàng lại “hút” vàng vào lúc này? Theo ông Nguyễn Trung Anh: “Hiện nay, ngân hàng đang huy động lãi suất tiền đồng với giá 14%/năm. Thế nên, nếu họ có huy động vàng ở mức lãi suất 5%/năm, cộng với biến động giá vàng khoảng 5% trong năm nay nữa thì họ vẫn “hời” nếu huy động được. Số vàng này sau khi huy động được sẽ bán ra để lấy tiền đồng, tăng thanh khoản”.
Phương Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét