Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Quảng Ngãi san lấp di tích quốc gia để phân lô bán nền

Cập nhật lúc 08:44                  
VOV.VN - Thành cổ Châu Sa vốn là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam của người Chăm trước kia, nay đang đứng trước nguy cơ biến dạng.
Sở dĩ có tên như vậy vì di tích  này nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm thị xã khoảng 7km về hướng đông bắc. Năm 1994, Bộ Văn hoá Thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận thành cổ Châu Sa là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện di tích này đang bị xâm lấn và có nguy cơ bị “xóa sổ”.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, thứ X thì Châu Sa, tỉnh Quảng Ngãi là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam của người Chăm. Thành lũy này được đắp bằng đất nay chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, cao 6m, chu vi chừng 4km. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nối với Cổ Lũy, vốn là tiền đồn của người Chăm.
 
Di tích thành cổ Châu Sa. (ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Người có công phát hiện ra thành cổ này  vào năm 1924 là nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư người Pháp H.Parmentier. Năm 1988, qua một đợt khảo sát, PTS Lê Ðình Phụng ở Viện Khảo cổ phát hiện thêm gọng phía tây của thành. Và Châu Sa không chỉ có thành nội mà còn có thành ngoại với phạm vi rất rộng. Bây giờ, thành Châu Sa lại bị san lấp để "phân lô bán nền”. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên trên nền di tích Quốc gia khiến người dân hết sức bất bình.
Ông Đặng Sách, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phản đối: "Bây giờ lấp thành không còn ý nghĩa gì nữa. Sau này bỏ ra một trăm lần để tôn tạo lại thì rất tốn kém của nhân dân.”
Thành cổ Châu Sa đang bị biến dạng và xâm hại trầm trọng. Người dân xót xa mà chính quyền địa phương thì phớt lờ. Nhiều người dân ở khu vực thành Châu Sa không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc để di tích thành cổ Châu Sa bị xâm hại như ngày hôm nay, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh.
Ông Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Theo đúng Quyết định của UBND tỉnh ban hành, trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ có Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu di tích Sơn Mỹ, các bảo tàng chuyên đề. Ngoài ra, các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trên địa phương nào thì thuộc về quản lý và bảo vệ của địa phương đó."
Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra tình trạng thành cổ Châu Sa, một di tích quốc gia bị xâm hại và đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Trước mắt, Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nên khẩn trương vào cuộc để bảo vệ di tích này./.
Anh Vinh/VOV - Miền Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét