Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Mất Crimea không phải là vấn đề duy nhất với Ukraine

Cập nhật lúc 10:25
VOV.VN -Việc Crimea tách khỏi Ukraine có thể chỉ là điểm khởi đầu cho những khó khăn mà nước này sẽ phải đối mặt.
Ngày đầu tiên khi các nhà lãnh đạo mới của Ukraine bắt đầu tiếp quản công việc tại Kiev, những người đàn ông có vũ trang đã chiếm giữ tòa nhà Quốc hội trên bán đảo Crimea. Cho đến cuối tuần trước, nước Cộng hòa tự trị này chính thức trở thành một phần của Nga.
 
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy gặp gỡ ở Brussels  (Ảnh: Reuters)
Nhiều người Ukraine lo sợ rằng, đây chưa phải là dấu chấm hết cho làn sóng ly khai, đặc biệt là ở khu vực phía Đông của đất nước này. Châu Âu và Mỹ vẫn đang theo sát từng diễn biến mới tại Ukraine đồng thời cố gắng đặt ra những biện pháp trừng phạt với hy vọng hạn chế các hành động của Nga.
Giới phân tích cho rằng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang hiện hữu mà trong đó, tâm điểm sẽ là Crimea. Chiến tranh thế giới thứ ba cho đến nay đã có thể tránh được, nhưng những gì sẽ diễn ra tiếp theo vẫn chưa thể nói trước.
Giáo sư Igor Burakovsky, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và tham vấn chính sách tại Kiev nói: “Chúng tôi (Ukraine) có những người sẵn sàng để quản lý một quốc gia bình thường, nhưng hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay là bất thường”.
Ông Viktor Yanukovych đã bị phế truất, một chính phủ lâm thời được thành lập để điều hành đất nước cho đến trước khi cuộc bầu cử Tổng thống của Ukraine diễn ra vào ngày 25/5 tới.
Ở thời điểm chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra sự kiện quan trọng đối với đất nước Ukraine, vẫn chưa có một ứng cử viên nào nổi lên như là một người có thể đoàn kết dân tộc, truyền cảm hứng cho cử tri – những người đang kỳ vọng về bước ngoặt lịch sử cho Ukraine nhưng vốn đã mất niềm tin với các chính trị gia.
Bất đồng ngay trong nội bộ
Thách thức trước mắt mà các nhà lãnh đạo lâm thời Ukraine đang phải nỗ lực để giải quyết là giữ vững toàn vẹn lãnh thổ.
Mới đây nhất, ngày 23/3, hơn 4.000 người ở thành phố Kharkov của Ukraine đã xuống đường biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 27/4 về việc đưa Ukraine trở thành nhà nước liên bang. 
 
Người UkraineKharkov xuống đường biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý (Ảnh: Reuters)
Những người biểu tình coi việc chính quyền lâm thời Kiev ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) là bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức tại Kharkov.
Tại thành phố Donesk thuộc khu vực Donbas, hơn 2.000 người cũng đã tham gia biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của khu vực này. Một số người biểu tình thậm chí còn yêu cầu đưa Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych trở lại nắm quyền. 
Tại tỉnh Lugansk cũng thuộc Donbas, hơn 100.000 chữ ký đã được thu thập để yêu cầu sát nhập vùng này với Nga.
Ngân khố trống rỗng, quân đội yếu kém
Ngày 27/2, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho hay, toàn bộ 37 tỷ USD trong ngân khố quốc gia đã “bốc hơi” dưới thời Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. “Ngân khố quốc gia đã bị đánh cắp và hiện giờ hoàn toàn trống rỗng”, ông nói.
Theo tờ Washington Post, ngân khố của Ukraine chỉ còn lại vỏn vẹn 500.000 USD trong khi đó, các khoản nợ của nước này lại lên đến hàng tỷ USD. Ngoài việc cạn tiền, quân đội nước này lại quá yếu kém, không được xây dựng để có thể đáp ứng kế hoạch phòng thủ lâu dài.
Ihor Smeshko, một cựu Giám đốc Cơ quan An ninh của Ukraine nói: “Phe đối lập đã không có bước chuẩn bị cần thiết để tiếp quản quyền lực. Nếu lính dù và lực lượng đặc nhiệm Ukraine có thể ngay lập tức lấy lại toà nhà Quốc hội ở Simferopol thì giờ đây Crimea vẫn sẽ là một phần của Ukraine. Đó thực sự là điều đáng hổ thẹn”.
Quân đội Ukraine đã bị thu hẹp đáng kể từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer, hiện quân đội nước này có khoảng 130.000 binh sĩ thường trực so với con số 700.000 người trước đây.
 
Quốc kỳ Nga tung bay ở một quân cảng tại Crimea (Ảnh: RIA Novosti)
Trong khi đó, vũ khí trang bị lại ít được nâng cấp và hiện đại hóa, nên có một khoảng cách khá xa so với quân đội Nga hiện đại. "Ukraine cũng đã mua thêm một số loại vũ khí mới, nhưng chủ yếu vẫn là sự kế thừa những loại vũ khí từ thời Liên Xô cũ”, ông Pifer nói.
Ông James Stavridis, cựu Đô đốc của NATO cho biết, quân đội Ukraine cũng đã có sự hợp tác với quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác trong những năm qua khi gửi quân tới Afghanistan, khu vực Balkan và thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển. Tuy nhiên, ông Stavridis cho rằng, quân đội Ukraine vẫn chưa chuyên nghiệp, trang bị kém và yếu về mặt hậu cần.
Về lực lượng hải quân, Theo Đô đốc Vladimir Komoyedov – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Hải quân Ukraine có trong tay khoảng 40 tàu thuyền, nhưng có đến 1/2 trong số này hiện đang đóng tại các căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea, tại Sevastopol và Vịnh Donuzlav. Số tàu thuyền này có nguy cơ mất trắng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Ukraine cũng có một binh chủng xe tăng khoảng 1.100 chiếc, nhưng hàng trăm chiếc trong số đó hiện đang bị rỉ sét tại kho chứa ở thị trấn Kharkov, cách biên giới Nga hơn 30 km. Những chiếc xe tăng tốt nhất của Ukraine hiện nay là loại T- 84, một phiên bản nâng cấp của xe tăng T- 80 thời Xô Viết.
Tương quan lực lượng của Ukraine nếu so sánh với Nga có vẻ “quá khập khiễng”. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự yếu kém của quân đội chỉ là một mặt của vấn đề. Chuyên gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định: “Vấn đề chính không phải là cán cân quân sự mà nằm ở chỗ Ukraine có thể đoàn kết các lực lượng quân đội của họ hay không”. 
Đối phó với tham nhũng
Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất viện trợ ít nhất 15 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng của Ukraine. Trong đó,  khoảng 2 tỷ USD sẽ được chuyển cho Kiev ngay trong tháng 4 hoặc tháng 5 tới.
Đại sứ Pháp tại Ukraine, Alain Remy nói: “Chúng tôi đang cố gắng để đưa Ukraine xích lại gần hơn với châu Âu. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó cần phải được chia sẻ”.
 
Người dân Simferopol xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Nga (Ảnh: RT)
Theo ông Remy, các nhà lãnh đạo địa phương cần phải được lựa chọn thông qua bầu cử thay vì bổ nhiệm như trước đó. Ông Remy cũng cho rằng, Ukraine cần phải phát động một cuộc chiến “kiên quyết, triệt để và bền bỉ” để chống tham nhũng.
Giáo sư Igor Burakovsky, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và tham vấn chính sách tại Kiev cho biết, có hai vấn đề lớn trong Chính phủ dưới thời của ông Yanukovych đó là tình trạng chuyên quyền và tham nhũng. Doanh thu của Chính phủ được chia đôi, phần lớn chảy vào túi một số ít cá nhân, phần còn lại ít hơn được đóng góp cho ngân sách.
Trong một động thái chứng minh quyết tâm bài trừ tham nhũng, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov sau đó đưa ra tuyên bố về việc bắt giữ Yevgeny Bakulin, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Ukraine, Naftogaz.
Vụ bắt giữ này là một phần trong cuộc điều tra về hành vi thamh nhũng của ngành năng lượng khiến Ukraine thiệt hại tới 4 tỷ USD.
Naftogaz chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối khí đốt của Nga trên toàn Ukraine. Tập đoàn này cũng độc quyền việc vận chuyển khí đốt của Tập đoàn Gazprom của Nga sang châu Âu qua Ukraine.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Ukraine phụ trách việc giám sát các hoạt động của Chính phủ, ông Ostap Semerak nói: “Tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay là hành động càng nhanh và quyết liệt càng tốt”.
Theo ông Semerak, với những gì diễn ra, tăng trưởng kinh tế của Ukraine có thể sẽ sụt giảm khoảng 3% trong năm nay. Chính vì thế Ukraine buộc phải cắt giảm chi tiêu công, và có những biện pháp thắt lưng buộc bụng khác trong khi vẫn cần tăng cường tìm kiếm nguồn tài chính để xây dựng lại quân đội.
Hiện có luồng ý kiến cho rằng, người Ukraine có thể bắt đầu hối hận và có cảm giác mình đã mắc bẫy phương Tây. Sau những rối ren, căng thẳng và hàng loạt hoạt động ngoại giao, rốt cuộc, người Ukraine phát hiện họ không được hưởng lợi gì cả trong khi đất nước bị chia cắt. 
Có thể nói, trong sự kiện này, Ukraine phải trả giá đắt cho cái gọi là “đấu tranh tự do dân chủ”. Nhưng đó vẫn chưa phải là dấu chấm hết bởi những bất ổn của Ukraine vẫn còn đang tiếp diễn. Việc Crimea tách khỏi Ukraine rất có thể chỉ là điểm khởi đầu bởi những khó khăn mà Ukraine sẽ phải đối mặt vẫn còn đang ở phía trước./.
Hùng Cường/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét