Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Crimea: Trả giá và cái giá phải trả
Cập nhật lúc 16:30                
(Quan hệ quốc tế) - Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều vùng trên Ukraine muốn tách ra khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga và vào Nga chứ không phải là phương Tây?
Đành rằng, trong tâm trí và trái tim của nhân dân, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của nước Nga, nhưng lịch sử thì không thể thay đổi. Xã hội, con người, có thể sửa chữa những sai lầm do lịch sử để lại khi chỉ khi phải hợp với quy luật, tiến trình lich sử.
Ukraine là một đất nước tươi đẹp, giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu lại có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng với Biển Đen, đặc biệt là bán đảo Crimea.
Bán đảo Crimea được Liên Xô cắt từ Nga sát nhập vào cộng hòa Ukraine (thuộc Liên bang Xô Viết). Khi đang còn trong một thực thể Liên bang Xô Viết thì không vấn đề gì, sáp nhập đón nhận quá dễ dàng đã đành, chia tách cũng chẳng mấy khó khăn…tất cả, bởi người ta không thể ngờ rằng Liên bang Xô Viết (Liên Xô) bị tan rã.
Việc Liên Xô tan rã khiến người Nga sững sờ không kịp phản ứng, khi chỉ sau một đêm bán đảo Crimea vốn của Nga đã thuộc về một quốc gia khác. Lịch sử đã sang trang.
Sau khi tan rã, Liên bang Nga vẫn coi Ukraine là anh em láng giềng “môi hở răng lạnh”. Bởi thế cho nên dù trong trái tim và tâm trí của Nga Crimea là lãnh thổ của Nga, Sevastopol là một thành phố của Nga, nhưng Nga phải bắt đầu từ thực tế sẵn có và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với quốc gia Ukraine độc lập trên một nền tảng mới với hy vọng Ukraine, những người dân Ukraine luôn là anh em, thủy chung bền vững.
Tuy nhiên giờ đây sự hy vọng vào Ukraine của Nga là không được như ý muốn. Ukraine đã “trở cờ” bài Nga, chống lại Nga.
Tại sao Ukraine?
Có thể nói suốt hơn 20 năm qua kể từ khi độc lập, tách ra khỏi Liên Xô thi Ukraine luôn khủng hoảng chính trị khiến quốc gia này không có một định hướng chiến lược phát triển đất nước.
Ukraine đã có đủ bộ máy nắm quyền lực trong suốt những năm tháng độc lập. Các Tổng thống, Thủ tướng và đại biểu quốc hội đã hơn 3 lần thay đổi, nhưng thái độ của họ đối với đất nước và người dân của mình thì vẫn vậy. Họ bòn rút quốc gia, đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lực, tài sản và dòng ngoại tệ mà chẳng mảy may quan tâm tới dân thường. 
Việc những người dân đổ ra quảng trường Maidan, mang theo các khẩu hiệu hoà bình, phản đối tham nhũng, quản lý đất nước không hiệu quả và đói nghèo là tất yếu của nền dân chủ vì một mục đích duy nhất là thay thế quan chức không làm hài lòng người dân.
Cuộc “cách mạng dân chủ” đã thu được thắng lợi bước đầu quan trọng bằng thỏa ước ký ngày 22/2 buộc chính phủ tổng thống Yanukovych phải “tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm, thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, quay lại với bản hiến pháp năm 2004, theo đó sẽ quay lại chế độ nghị viện ở Ukraina” . Một chính phủ mới này chắc chắn được cả Nga và phương Tây chấp nhận.
Tuy nhiên, đáng tiếc nhất cho nền dân chủ Ukraine là không có ngọn cờ lãnh đạo, nói cách khác là phe đối lập thích cướp quyền hơn là bầu cử, họ bất chấp thỏa thuận 22/2 đã ký, dùng bạo lực để cướp chính quyền theo mẫu mã “cách mạng màu” như đã xảy ra.
Những người lãnh đạo cuộc “cách mạng màu” đã không có nhạy bén về chính tri, thiếu nhãn quan chiến lược, không nắm rõ đặc điểm tình hình tôn giáo, phân bố dân cư, sự phân hóa vùng miền của đất nước… đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi bài Nga và chống Nga quyết liệt.
Hãy khoan nói đến Crimea, một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều vùng trên Ukraine muốn tách ra khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga và vào Nga chứ không phải là phương Tây? Chính hiện tượng này đã khiến cho những nhà lãnh đạo “cách mạng” đương kim nắm chính phủ tạm quyền đã nhận ra sai lầm.
Thủ tướng tạm quyền vội vàng tuyên bố trấn an các khu vực thân Nga rằng “sẽ không gia nhập NATO…” sau khi đã bỏ một quyết định cực đoan, quá khích là “không công nhận tiếng Nga trên toàn lãnh thổ”, nhưng đã muộn, tất cả đã quá muộn rồi!
Tại sao họ lại chống Nga, bài Nga khi trên đất nước của mình dân tộc Nga, các vùng thân Nga nhiều như thế mà không lường trước sự bất ổn? Họ chống Nga mà không tính đến là Nga sẽ chống lại?
Trả giá cho hành động ngu xuẩn, chỉ biết tranh giành quyền lực, chỉ biết dựa vào nước ngoài của những nhà lãnh đạo “cách mạng” Ukraine là Crimea đã rơi vào Nga. Nói theo nghĩa mưu kế nhà binh thì họ đã dâng Crimea bằng hai tay cho Nga mà Nga không tốn một viên đạn.
Mất Crimea, Ukraine trong con mắt của phương Tây chẳng có giá trị gì về chiến lược, Ukraine chỉ là gánh nặng mà phương Tây buộc phải mang theo nếu không muốn sẽ mất mặt. Một Ukraine mạnh, độc lập tự chủ…liệu Crimea có theo Nga hay không?
Nói rằng Nga xâm lược Crimea? Quả thật trên thế giới từ xưa tới nay chưa có một cuộc xâm lược nào, chống xâm lược nào hay phản công tự vệ nào mà không có tiếng bom gầm đạn rú, máu chảy xương tan. Chưa có cuộc xâm lược nào mà không một tiếng súng nổ trong khi chính phủ và gần như 100% người dân ủng hộ quân xâm lược, vui mừng được xâm lược như nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.
Vậy phải chăng sai lầm của lịch sử được sửa chữa theo cái cách mà phù hợp với quy luật tiến trình lịch sử?
 Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine bắn pháo hoa
Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine bắn pháo hoa "chào mừng quân xâm lược"
Crimea, giá phải trả
Crimea với Liên bang Nga là vô giá, cho nên, những thiệt hại về kinh tế khi cấm vận là quá nhỏ so với vấn đề Crimea. Crimea với Nga quan trọng hơn Ukraine, Nga chỉ cần Crimea là đủ mà không cần chia cắt Ukraine như ông Putin đã nói..
LB Nga đứng đầu là Tổng thống Putin đã có bảo hiểm lớn trong việc sáp nhập Crimea, đó là hơn 76% nhân dân Nga ủng hộ quyết định của Tổng thống và chỉ một nghị sỹ trong quốc hội Nga không tán thành sáp nhập Crimea.
Đây là sự bảo đảm, sự hậu thuẫn chắc chắn nhất cho ông Putin có đủ tự tin, bình tĩnh xử lý, phản đòn, mà không lo sự bất ổn chính trị trong nước.
Điều này khẳng định dân Nga sẵn sàng chịu “thắt lưng buộc bụng” để có Crimea và làm tắt nguồn hy vọng của Mỹ và phương Tây dùng đòn kinh tế để gây bất ổn chính trị tại Nga, gây áp lực buộc ông Putin lùi bước.
Không ai ngây thơ cổ vũ cho sự ly khai, kích động chia rẽ gây hận thù dân tộc nhưng ủng hộ sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ phù hợp với quy luật tiến trình lịch sử lại là điều đáng phải làm, nhất là khi chúng được tiến hành trong sự vui mừng của dân chúng, không một tiếng súng, không một giọt máu đổ.
Tiền lệ gì ở đây trong vấn đề Crimea?
Nhiều người thiếu khách quan lu loa lên rằng ủng hộ Nga là tạo tiền lệ xấu cho kẻ khác đối xử với mình, nào là Trung Quốc muốn Biển Đông thành Crimea như báo chí Philipines đã lên tiếng…
Vậy, khi một quốc gia có tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn, cậy mạnh thì họ sẽ không làm gì khi chưa có tiền lệ ư?
Tiền lệ nào khi Việt Nam buộc phải đối đầu không cân sức với một quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới là Pháp rồi Mỹ?
Tiền lệ nào khi Việt Nam vừa thoát ra khỏi cuộc chiến 21 năm lại buộc phải đương đầu với hàng chục sư đoàn độc ác, man rợ nhất mang tên Khơme đỏ ở biên giới Tây Nam?
Không có tiền lệ nào hết. Khi kẻ thù rắp tâm xâm lược thì mơ kẻ thù sẽ ngưng tay khi chưa có tiền lệ là tư tưởng cầu an, ngây thơ, hoang tưởng.
Thế giới sẽ có nhiều bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Ukraine, từ hệ lụy Crimea tùy theo vị trí, vị thế từng quốc gia.
Bài học từ Ukraine cực kỳ bổ ích. Nếu Ukraine có đường lối chiến lược đúng đắn, khôn khéo, sáng tạo, cộng với vị trí chiến lược quan trọng thì Ukraine sẽ rất được phe Nga hay phe Tây đều tôn trọng. Tiếc thay, cái gì cũng có giá của nó.
(Theo Đất Việt) Lê Ngọc Thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét