Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Bauxite Tây Nguyên: Cứ lỗ mãi thì cho không còn hơn!
Cập nhật lúc 08:04
 (Tin tức thời sự) - “Dự án bauxite Tân Rai, nếu cứ làm kiểu lỗ mãi thì tốt nhất là gọi doanh nghiệp vào cho không đi để nhà nước đỡ phải mất thêm tiền”.
TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam bức xúc khi nghe câu chuyện Bộ Công Thương xin ưu đãi đối với 2 dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.
Ông tỏ ra đau xót và nuối tiếc bởi trước đó chính ông cùng nhiều chuyên gia đã lên tiếng góp ý chỉ nên tập trung vào xây dựng 1 nhà may thì điểm Tân Rai, chưa nên vội xây dựng Nhân Cơ vì không khả thi do thị trường alumi trên thế giới giai đoạn này chưa ổn định.
PV: - Thưa ông Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này khi từ trước tới nay đã có quá nhiều ý kiến lo ngại về sự an toàn hồ chứa?
TS Hồ Uy Liêm: - Tôi không hiểu Bộ Công Thương đưa ra tiêu chuẩn nào để nói hồ chứa bùn đỏ đang thiết kế với độ an toàn quá cao? Nói như vậy có nghĩa trước đó Bộ phê duyệt với tiêu chuẩn không đúng chuẩn? Liệu có uẩn khúc gì ở đây chăng?
Tôi thấy có quá nhiều câu hỏi cần được lý giải sau đề xuất này của Bộ Công Thương. Bởi đối với hồ chứa bùn đỏ từ trước vốn đã khiến dư luận hết sức e ngại về mức độ an toàn, nay lại xin giảm xuống nữa thì xã hội khó mà an lòng được.
 TS Liêm băn khoăn về tiêu chí đánh giá hồ bùn đỏ dự án khi phê duyệt đến nay
TS Liêm băn khoăn về tiêu chí đánh giá hồ bùn đỏ dự án khi phê duyệt đến nay
PV: - Không những thế Bộ Công Thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Ông có đồng tình với ý kiến này?
TS Hồ Uy Liêm: - Mục tiêu của dự án là nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phục vụ cho vùng đất Tây Nguyên. Đây là mục tiêu rất đẹp. Thế nhưng để dự án có thể tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội thì yêu cầu đầu tiên là hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi. Lãi này thể hiện qua việc nộp thuế càng nhiều càng tốt và đồng tiền này sẽ tái đầu tư trở lại cho nhà ở, trường học, bệnh viện, đường xá cho vùng Tây Nguyên.
Thế nhưng hiện nay Bộ Công Thương cái gì cũng xin rút thì thực sự tính hiệu quả là đáng ngờ. Mà nói thẳng sự đáng ngờ này có từ lúc các nhà khoa học đặt vấn đề chứ không phải bây giờ.
Như trước đó Liên hiệp hội Việt Nam từng đưa ra 8 bất cập trong bản kiến nghị của mình trong đó có đề cập: “nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề ở các dự án đang bước đầu được triển khai và sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia về sau này”. Nay qua những hoạt động từ dự án lại càng thấy những e ngại trước đây là có cơ sở.
Rồi chuyện không đền bù đất cho dân nữa. Tôi không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở gì Bộ lại có kiến nghị chỉ trả tiền thuê đất có thời hạn chứ không đền bù? Đất của người dân vốn đã thuần với việc canh tác, trồng trọt cây lâm nghiệp. Khi dự án đào bới lên khu đất sẽ trở thành một vùng sinh thái mới liệu có thích hợp với các cây vốn trước đây đã trồng hay lại phải nghiên cứu, thích nghi môi trường sinh thái?
Thế mà Bộ lại tính chuyện chỉ trả tiền thuê đất thay vì đền bù cho dân thì thiệt cho dân quá.
PV: - Việc dự án móc tài nguyên quốc gia lên đi bán nhưng lại đòi xin ưu đãi đủ thứ như vậy đang thể hiện điều gì thưa ông?
TS Hồ Uy Liêm: - Dù không thể túm tận tay, day tận mặt nhưng cá nhân tôi nghi ngờ về tính lợi ích nhóm rất lớn trong dự án này.
Nhà nước đã đầu tư vốn vào dự án này rất nhiều rồi sau lại điều chỉnh tăng hơn 8.208 tỉ đồng (giá trị trước thuế) so với dự toán ban đầu. Trong đó, dự án alumin Tân Rai tăng 3.890 tỉ đồng, dự án Nhân Cơ tăng 4.318 tỉ đồng. Trong khi đó Bộ lại xin hạ tiêu chuẩn thì thực sự nguy hiểm.
Nếu cứ làm kiểu thế này tốt nhất là cho doanh nghiệp vào tự đào rồi bán đi, hay với doanh nghiệp nước ngoài thì cho không đi để nhà nước đỡ phải mất thêm tiền. Làm không có lãi rồi lại hứa đến năm 2020 mới có lãi thì đã rõ tính hiệu quả của nó rồi.
Ai dám đảm bảo rằng lúc ấy mấy ông lãnh đạo chịu trách nhiệm về việc này còn làm việc?.
PV:- Theo ông các cơ quan chức năng nên ứng xử như thế nào cho phù hợp với dự án này để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp? Ông có kiến nghị gì?
TS Hồ Uy Liêm: - Quan điểm của Bộ Chính trị nói thí điểm, nhưng nay Nhân Cơ và Tân Rai cả công nghệ và quy mô như nhau thì không gọi là thí điểm nữa. Nếu Tân Rai dùng công nghệ Trung Quốc, Nhân Cơ dùng công nghệ Mỹ, Nhật rồi sau đó đưa ra so sánh và nhân rộng cái tốt thì mới là thí điểm.
Còn nếu cứ cho việc này là thí điểm, thì qua dự án Tân Rai thì đã rút ra kết luận gì? Việc đó chưa ai làm.
Do vậy tôi cho rằng lỡ đầu tư rồi thì nên tập trung vào một dự án thôi. Đảng và Nhà nước muốn xem xét lại dự án này thì nên tổ chức một hội đồng khoa học nghiêm chỉnh, độc lập và quyết tâm sửa sai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện
Họ đâu muốn chỉ là “cho không”? Họ đang muốn hơn thế cơ mà, thưa bác Liêm. Ngoài cho không họ đang đòi xin thêm đủ thứ. Có lẽ 15 năm sau con cháu chúng ta sẽ trả giúp nợ nần do hậu thế "gửi lại". Cứ yên tâm vì chắc chắn đời con cháu sẽ tài giỏi hơn chúng ta, nợ nần chẳng là gì!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét