08:05
“Đổi đất lấy công trình”: Rằng hay thì
thật là hay...
TT - Đổi? Không đổi? Đó là hai câu hỏi
xoay quanh câu chuyện “đổi đất lấy công trình” trong lĩnh vực thể thao được
bàn tán xôn xao mấy ngày nay...
Bài trả
lời phỏng vấn Tuổi Trẻ trên số báo ngày 6-9 của ông Nguyễn Thành Rum -
giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM - đã tạm khép lại chuyện
gây xôn xao mấy ngày nay quanh văn bản của chính sở này nhưng do phó giám đốc
Nguyễn Hùng (người được giao phụ trách dự án Khu liên hợp thể thao Rạch
Chiếc) ký. Theo lời ông Rum, chuyện này chưa được bàn bạc, nhưng ông Hùng đã
ký và chuyển công văn đến lãnh đạo UBND TP.HCM.
Không
mới
Tuy
nhiên, không thể phủ nhận việc “đổi đất lấy công trình” như đề xuất của ông
Hùng là một chuyện đáng bàn. Bởi hiện tại ngành thể thao đang quản lý khá
nhiều vị trí “đất vàng” nhưng ngày càng xuống cấp và không hiệu quả. Cũng cần
phải nói rõ hơn là đề xuất “đổi đất lấy công trình” của ông Hùng không mới.
Sáng kiến này xuất phát từ ông Hoàng
Vĩnh Giang khi làm giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Sau đó ông Nguyễn Hoàng Năng lúc
đứng đầu ngành thể thao TP.HCM đã học tập theo. Hiện mô hình này đã được thực
thi với CLB Phan Đình Phùng và CLB Trần Hưng Đạo. Nếu không có gì thay đổi,
vào cuối năm nay sân Phan Đình Phùng sẽ được đập bỏ và xây mới hoàn toàn với
tổng chi phí khoảng 790 tỉ đồng. Tiền này của một đơn vị tư nhân, đổi lại nhà
đầu tư được nhận lấy CLB Trần Hưng Đạo - nơi đào tạo VĐV thể dục dụng cụ của TP.HCM
- vốn đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay nhưng ngành thể thao không có
kinh phí sửa chữa.
Cũng từ chuyển đổi CLB Trần Hưng Đạo để
lấy một CLB Phan Đình Phùng to lớn hơn, mới hơn đã nảy sinh nhiều cuộc tranh
luận. Ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - là người phản đối nhiều
nhất dự án này khi cho rằng CLB Phan Đình Phùng hiện tại còn quá tốt, chưa
cần phải đập bỏ để xây mới. Chưa kể, bao quanh bốn mặt CLB Phan Đình Phùng là
những con đường không đủ lớn, rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc một khi “nén”
vị trí này nhiều tầng, phục vụ nhiều người. Và ông Bửu cho rằng điểm yếu lớn
nhất của hạ tầng thể thao TP.HCM là thiếu quy hoạch.
Sắp
xếp lại, thừa sức xây Rạch Chiếc
Từ đây mới thấy được một điều là chủ
trương “đổi đất lấy công trình” tuy hay nhưng không thể nhắm mắt làm bừa.
Những người làm quản lý thể thao chỉ biết làm sao cho ngành mình được lợi khi
có được một khu Rạch Chiếc hoành tráng. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả mà quên
rằng nếu bán sạch sẽ thì nội thành chẳng còn chỗ thở! Vì vậy, cần có một sự
bắt tay giữa thể thao với quy hoạch - kiến trúc để rà soát toàn bộ những cơ
sở vật chất mà ngành thể thao đang quản lý, từ đó mới biết sự lãng phí lớn
như thế nào. Dựa trên cơ sở đó để đề xuất bán nơi nào, giữ nơi nào. Và những
nơi không hiệu quả, ví dụ CLB Thanh Đa, trụ sở Công ty trang thiết bị, vật tư
TDTT trước đây (ở mặt tiền đường Đồng Khởi), nhà khách thể thao, trụ sở cũ
của Sở TDTT, Trường năng khiếu TDTT... có lẽ quá đủ để đổi lấy một Rạch Chiếc
hoành tráng!
Chính vì thiếu một cuộc tổng điều tra
cơ sở vật chất mới nhất mà ngành thể thao đang quản lý, nên ngay cả quyết
định giữ sân Hoa Lư để nâng cấp thành trung tâm đào tạo thể thao thành tích
cao cũng đem đến những tranh cãi. Những người làm thể thao cho rằng thành phố
đã quy hoạch Rạch Chiếc thành khu liên hợp thể thao hiện đại, sẽ di dời tất cả
cơ sở huấn luyện đỉnh cao ra đây thì việc đổ tiền đầu tư cho sân Hoa Lư là
phi lý. Thay vào đó, hãy biến sân Hoa Lư thành sân thể thao phục vụ học sinh
các quận 1, 3...
Vì vậy, cần lắm một cuộc rà soát toàn
bộ cơ sở vật chất, sân bãi để quy hoạch lại bộ mặt thể thao TP.HCM.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét