Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012


11:16

 “Dân cứ an tâm sống… và hy sinh cho thuỷ điện”(?!)  


Lời cảnh báo từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) về những trận động đất với mật độ dày hơn và mạnh lên trong thời gian tới tại Bắc Trà My đã khiến người dân không dám ở trong những căn nhà đã rạn nứt vì hàng loạt trận động đất  trước đó.

Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, ông Trần Văn Hải - Trưởng ban QLDA thuỷ điện 3 - lại phát biểu: “Dân cứ an tâm sống, nên chia sẻ và hy sinh cho thuỷ điện”(?!)

Ai dám an tâm sống

Ông Trần Văn Hải - Trưởng ban QLDA thuỷ điện 3 - chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2 (TĐST) khuyên rằng “người dân an tâm, hãy tin vào thông số khoa học đã được nghiên cứu khi xây dựng TĐST2”. Ông Hải còn khẳng định: Đây là động đất kích thích tại TĐST2 có thể là quá trình động đất, giải phóng năng lượng này diễn ra nhanh hơn chứ không thể cao hơn động đất kiến tạo. Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - bức xúc khi đọc xong ý kiến của ông Trần Văn Hải. Ông nói: “Phải trấn an dân bằng hành động thiết thực chứ không thể trấn an bằng lời nói xuông, vô trách nhiệm với dân như thế được.
Dân nói với chúng tôi, lúc nào cũng ở trong tâm trạng lo lắng, bất an, ăn không ngon, ngủ không yên, không thể làm được việc vì, chỉ lo chạy... động đất. Phát biểu của ông Hải trái với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp ngày 21.9, yêu cầu chủ đầu tư thuỷ điện phải có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ người dân thiệt hại nhà cửa. Nói về hy sinh cho thuỷ điện, thì người dân đã hy sinh quá nhiều rồi, rời bỏ nhà cửa, vườn tược, để đổi lại là gì? Là chủ đầu tư đền bù nhà cửa tái định cư không phù hợp, nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, thiếu điện, nước, thiếu đất sản xuất...
Giờ thêm động đất liên miên, ngày càng mạnh, làm sao yên tâm được? Chủ đầu tư xưa nay đều thiếu trách nhiệm với người dân, giờ vẫn nói lý thuyết suông như vậy, thì làm sao bảo người dân yên tâm. Nếu thật sự muốn người dân yên tâm thì phải có hành động thiết thực, như hỗ trợ cho người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng do động đất. Nếu phía thuỷ điện không chịu hỗ trợ, thì huyện cũng sẽ kiến nghị tỉnh, kiến nghị trung ương yêu cầu phía thuỷ điện phải chịu trách nhiệm hỗ trợ”.

Báo cáo đánh giá động đất Thuỷ điện Sông Tranh 2 của EVN chỉ “vẻn vẹn” thế này.
Người dân Bắc Trà My vốn đã khốn khó trong cuộc sống vì chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp mà đất đai lại cằn cỗi, có đến 2/3 xã của huyện khó khăn. Người dân ở đây nói rằng, khổ đã quen, đói chịu được nhưng sợ vì động đất thì không thể đo đếm được.

Hồ chứa nước cũng không gây động đất

Báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình TĐST 2 của chủ đầu tư dài gần 200 trang (kể cả các phụ lục), chúng tôi tìm được mục IV.2.1.5: Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án (xin được trích nguyên văn): “Kết quả của báo cáo “Đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực CTTĐ Sông Tranh 2” do Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lập tháng 8.2005 - cho thấy: Gia tốc dao động nền cực đại với xác suất hiện vượt quá 10% trong vòng 20, 50, 100, 200 và 500 năm (hay chu kỳ lặp lại 190; 475; 950; 1.900; 4.750 năm) tại khu vực. Chấn động cực đại có thể xảy ra ở khu vực nhà máy là imax = 7 (thang MSK-64) và amax = 150cm/s2. Chấn động này do động đất cực đại M=5,5 có thể phát sinh trên đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và Trà Bồng gây ra.
Theo tác giả Lê Trần Chấn - Viện Địa lý thuộc TTKHTN&CN quốc gia trong “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường các dự án thuỷ điện” năm 2002 thì: Điều kiện để hồ chứa TĐST2 có khả năng gây động đất kích thích là: Dung tích của hồ chứa phải đạt trên 109m3; vùng hồ chứa có chiều cao cột nước tối thiểu là 100m và trong điều kiện đất đá vùng hồ và khu vực lân cận bị chia cắt bởi các đứt gãy kiến tạo và phân dị mạnh. Như vậy, trong điều kiện trên và so sánh với các thông số hồ chứa và đập dâng, điều kiện đứt gãy địa chất và hiện tượng khả năng cực đại xuất hiện động đất vùng dự án có thể đánh giá hồ TĐST2 khi tích nước sẽ không có khả năng gây động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường”(!).

Sự cố nứt thân đập TĐST2 đã xảy ra vào đầu tháng 2.2012 sau đó được gia cố và chủ đầu tư là EVN khẳng định về độ an toàn của công trình.
Tại cuộc họp báo cáo kết quả chống thấm và sự ổn định của đập TĐST2 vào ngày 4.9, Bộ trưởng Bộ XD đã kết luận về an toàn đập và cho phép tích nước trở lại, bảo đảm trên cơ sở có ý kiến của chủ đầu tư, nghiệm thu thiết kế, tư vấn thẩm định độc lập, tổ chuyên gia Hội đồng Nghiệm thu nhà nước và ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành. Nhưng để quá trình vận hành, khai thác công trình bảo đảm an toàn, đơn vị chủ quản công trình cần hoàn thành một số việc mà phía tư vấn độc lập yêu cầu như hoàn thiện hệ thống quan trắc và tần suất quan trắc.
Thực tế, khi hồ TĐST 2 đang ở mực nước chết thì khu vực Bắc Trà My đã liên tiếp xảy ra các trận động đất. Đến nay, một số nhà khoa học lại khẳng định rằng động đất ở Bắc Trà My do kích thích, vậy có mâu thuẫn với báo cáo “Sửa đổi bổ sung thẩm định dự án TĐST 2” của EVN? Dư luận và người dân Bắc Trà My chờ đợi câu trả lời cần có từ EVN.
Quyết định 137/QĐ-BTNMT ngày 2.2.2006 của Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 do Thứ trưởng Phạm Nguyên Khôi ký, cũng không hề nhắc đến động đất.

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Để an dân, trước mắt, UBND huyện trích nguồn kinh phí hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng nặng và tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên bằng hệ thống phát thanh, xây dựng các panô, ápphích cảnh báo tại vùng động đất, cử cán bộ tăng cường về các xã bám sát tình hình đời sống người dân, giúp đỡ người dân phòng tránh động đất.
(Theo LĐO) Linh Trần - Tâm Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét