Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012


15:15

Thầy Khải của chúng tôi


Chúng tôi là học trò lớp I (i) chuyên toán cấp 3 Chu Văn An từ các năm 1970 - 1982. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi là Đào Thiện Khải. Khi đó, thầy mới hơn 30 tuổi và phụ trách khối chuyên toán. Sau này, Hà Nội thành lập trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, thầy về làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng của trường...

Còn bây giờ thầy đã ở vào tuổi 75. Nhưng những bài học của thầy truyền trao từ thuở ấy, bây giờ chúng tôi vẫn nhớ. Và càng trải nghiệm cuộc sống, chúng tôi càng thấy thật may mắn bởi có được một "người dẫn đường" như thế.
Thầy Đào Thiện Khải (thứ 5 từ trái sang) cùng các học sinh 
dưới tượng Chu Văn An tại trường Chu Văn An.

 Thầy luôn giỏi hơn tụi mình
3 năm học phổ thông thầy dạy cho học trò sự trong sáng, rõ ràng đến đơn giản của toán, giống như tính thầy vậy.
Thầy dạy cho trò hình dung bức tranh chung nhiều hơn là chi tiết kỹ thuật toán học, điều này về sau mình mới hiểu tại sao.
Năm tốt nghiệp phổ thông xong, các bạn người đi bộ đội, người đi học đại học hết, mình có hoàn cảnh bất thường, mãi không được gọi đại học nên hay đến nhà thầy ngồi. Mỗi lần đến, thầy hỏi thăm tình hình chờ đợi đến đâu, rồi thầy chỉ cho mình đọc sách thêm về toán. Về sau mình mới biết, hoàn cảnh thầy khi đi học đại học cũng khó khăn tương tự. Thầy hiểu và chấp nhận sự thực một cách đơn giản, tự nhiên, không bao giờ nghe thầy phàn nàn điều gì.
Hai năm đầu đại học, mình quen một anh bạn người Việt gốc Hoa cùng học khoa Toán Lý - Đại học Bách khoa Hà Nội, trên 2 khóa, tên là Lý Trung Nhân. Anh này học giỏi lắm, tự học gần hết chương trình toán đại học, được đặc cách vào học đại học không phải thi, rồi sau đó học nhảy lớp từ năm 1 lên năm 3, bỏ qua năm 2, và được Giáo sư Phan Đình Diệu nhận hướng dẫn nghiên cứu về logic toán học. Báo chí Việt Nam thời đó ca ngợi um sùm.
Mình đọc sách theo anh này về logic toán cũng khá sâu, đến kể chuyện với thầy mới biết thầy cũng đã tự nghiên cứu về món này rồi. Thầy lại chỉ lại cho mình những điểm cốt lõi và cho mượn cuốn "Vvedennie v Matemachicheskuiu Logiku" của Mendelson (được dịch ra tiếng Nga) cực hay (đến bây giờ vẫn là một cuốn sách nền tảng cho những nhà nghiên cứu về logic toán). Lúc học môn này trong chương trình đại học, thấy trình độ thầy hơn hẳn mấy tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô về giảng trong trường đại học khi đó.
Dần dà mới hiểu thầy ngoài việc dạy chuyên toán, thầy đọc rất nhiều về các ngành toán hiện đại: Hình vi phân, lý thuyết tai biến... và có nhiều kiến giải rất sâu sắc, vượt lên trên trình độ của thạc sĩ, tiến sĩ.
Mấy năm sau này, thầy còn học tiếng Hán bằng cách dịch lại "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh, làm cho các bạn lớp mình phục lăn. "Thầy luôn giỏi hơn tụi mình".
Đam mê
Mình vẫn còn ấn tượng đến giờ, một lần thầy trả bài kiểm tra 2 tiết toán. Kết quả điểm của cả lớp không cao. Vì thế, trước khi đưa ra các bài giải và trả kết quả chấm từng trò, thầy giảng về niềm tin, sự đam mê một hồi. Thầy nói rằng, nếu có em nào thấy mình học nhiều, mà điểm số vẫn thường xuyên không cao, thì cũng đừng lo lắng quá.

Thực ra, chỉ là mình vẫn suy nghĩ "chưa tới" mà thôi. Nếu mình vẫn có đam mê về toán và kiên trì theo đuổi thì đến lúc nào đó sẽ "vỡ ra" và mình sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn. Thầy nói, khả năng toán có khi lại tiềm ẩn lâu, đến lúc nào đó mới "bật ra"... Thầy nói, điểm không phải là quan trọng, mà kiến thức và tư duy mới là quan trọng. Rồi thầy lại xoay ngay sang hướng khác. Thầy nói, toán chỉ là một lĩnh vực của cuộc sống. Mình có thể giỏi toán và đam mê về toán, theo toán suốt đời. Nhưng ngoài toán thì còn rất nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác. Có em đến lúc nào đó nhận thấy mình không thật giỏi toán, thì cần biết mình giỏi gì khác và mình có đam mê gì khác ngoài toán. Và thầy khẳng định: Làm bất kỳ điều gì, hay theo đuổi bất kể lĩnh vực nào, muốn thành công thì phải thực sự có đam mê!
Mình vẫn nhớ mãi lần giảng bài ngoài lề về toán và sự đam mê của thầy hôm đó. Bởi vì từ cấp 2, mình đã tự nhủ là mình sẽ không theo đuổi sự nghiệp toán. Mình đã tự bằng lòng là luôn ở tốp 10 về toán trong lớp, chưa bao giờ đặt mục tiêu phải lên tốp 3, vì mình đã rất thích vật lý và đã muốn theo đuổi kỹ thuật vô tuyến điện từ hồi cấp 2. Lời giảng của thầy Khải đã giúp mình định hướng đam mê, giải tỏa sự băn khoăn lờ mờ rằng tại sao mình chưa hết mình với môn toán, như nhiều bạn khác.
“Thế nào là thêm???”
Ngày ấy, dù chưa được rầm rộ hay ầm ĩ như bây giờ, song cái việc học thêm và dạy thêm không phải là không có. Ở lớp, tuy chả nhiều, nhưng cũng có dăm ba chú, chị... ngoan ngoãn theo sự phân công của thầy u để đi học "thêm". Bữa 20.11 năm đó, một lũ học sinh đến thăm thầy, thầy mới rủ rỉ bảo rằng, chả biết các em học thêm được cái gì, chứ tôi thấy toàn đem những cái trong sách ra mà nhai đi nhai lại thôi chứ thêm nếm cái gì. Theo tôi, các em cứ học hết những gì trong sách là đủ để thi rồi. Các em làm thêm được 10 bài tập mới chưa chắc đã là tốt hơn làm 1 bài tập nhưng theo 10 cách khác nhau. Cái cần thêm là các cách nhìn nhận một vấn đề cho thấu đáo, chứ không phải là nhìn lắm vấn đề cho nó hoa mắt lên, rồi chả thấy được vấn đề gì cả...
Mình nhớ đến khoảng giữa năm lớp 8, có một số bạn tỏ ra không theo kịp giáo trình. Chú Vượng - bố bạn Nguyễn Chí Dũng, là trưởng ban phụ huynh - đặt vấn đề dạy thêm cho một số bạn hơi yếu hơn, thầy Khải trả lời thẳng trước lớp:
- Ban phụ huynh có đặt vấn đề tôi phụ đạo thêm cho các em học yếu, nhưng tôi từ chối. Vấn đề là ở chỗ, không phải các em thực sự học yếu mà các em chưa quen với cách học của lớp chuyên toán thôi. Một số em Trưng Vương lên đã quen với cách học này nên tỏ ra trội hơn, nhưng chưa chắc các em trường khác đã thua đâu. Rồi các em sẽ thấy qua năm lớp 9, lớp 10. Ở đây không phải tôi tiếc thời gian và lại càng không phải vì chuyện tiền bạc. Tôi sẵn sàng phụ đạo miễn phí cho cả lớp nếu các em yêu cầu, nhưng tôi không kèm từng em giải từng bài toán một. Rồi tôi cũng phải cho bài tập và các em phải tự giải ở nhà. Có như thế mới tiến bộ được. Việc học là phải tự học, chứ không phải bỏ tiền thuê ông thầy học hộ. Tôi làm sao ngồi cạnh các em trong các kỳ thi và giải hộ các em bài thi được?
Một cuộc thi dân chủ
Năm lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) thầy phải chọn học sinh đi thi toán quốc tế. Thầy cho cả lớp ôn luyện và làm 3 bài kiểm tra, để chọn người đi thi vào đội tuyển. Đến hôm trả bài kiểm tra, điểm phần nhiều dưới trung bình. Thầy tuyên bố trước lớp:
- Bài kiểm tra này không phản ánh đúng thực lực của các em. Nếu dựa vào bài kiểm tra sẽ không chọn đúng người giỏi để đi thi. Chúng ta được chọn 5 người đi thi vào đội tuyển Toán quốc tế. Trong lớp, qua mấy năm học các em cũng đã biết ai có năng lực, vậy chúng ta hãy làm cuộc bình bầu nhỏ. Các em mỗi người hãy ghi tên 5 người mà theo ý kiến của bản thân xứng đáng đi thi tuyển vào đội tuyển Toán quốc tế. Cuối cùng tổng kết, ai được nhiều phiếu hơn sẽ đi thi.
Kết quả của cuộc bình bầu dân chủ này là (theo thứ tự số phiếu bầu): Trần Quốc Bảo, Hà Huy Bảng, Nguyễn Hùng Sơn, Mai Tiến Hùng, Nguyễn Công Thành.
Thầy công bố 5 tên trước lớp và nói thêm: Vị trí thứ 5 và thứ 6 chênh nhau rất ít nên tôi chỉ chọn 4 em đi thi tuyển Toán quốc tế. Và rồi lớp chúng tôi có 2 người đậu vào tuyển Toán quốc tế là Hà Huy Bảng và Nguyễn Hùng Sơn. Năm 1976, Việt Nam đạt được 4 giải Toán quốc tế: Nguyễn Hùng Sơn - huy chương đồng.

(Theo Lao Động) Trần Duy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét