Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012


23:51

“Nhấp nhổm” với vàng


Ai cũng nói nguồn lực vàng trong dân rất lớn, nhưng huy động vàng trong dân sẽ như thế nào sau khi NHNN độc quyền thì vẫn chưa có. Bên cạnh đó, những quy định, giải pháp mang tính đối phó, chắp vá của NHNN đang làm cho người dân “đứng ngồi không yên”.

Thị trường vàng đã dịu cơn nóng sau khi giá vàng thế giới hạ nhiệt và nguồn cung tăng sau khi NHNN có quyết định về việc cho phép Cty SJC dập lại 350.000 lượng vàng móp méo và vàng phi SJC thành vàng SJC để cung ra thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách giữa vàng trong nước và vàng thế giới vẫn còn neo ở mức cao trên 2 triệu đồng/lượng.

Đã có nhiều nguyên nhân được đem ra mổ xẻ cho tình trạng này. Nhưng điều mà người dân tự hỏi vậy thì đến ngày 25.11 tới đây, vàng của họ sẽ cất ở đâu?

Sự chênh lệch giá vàng lớn bởi giá trong nước không phản ánh đúng biến động giá thế giới. Điều này đang cho thấy NHNN chưa có công cụ thích hợp để quản lý giá vàng trên thị trường. Cùng với đó, tuy đã ban hành nghị định quản lý vàng, nhưng NHNN lại quản lý thị trường vàng thiếu nhất quán. Ban hành thời hạn cấm, rồi lại gia hạn, chính điều này khiến cho thị trường không còn tin vào chính sách.

Và với các diễn biến mới về tình trạng căng thẳng thanh khoản vàng ở các NHTM, người dân cũng đang đặt câu hỏi có lẽ thời hạn chót này sẽ tiếp tục được dời lại. Ngoài ra, một lộ trình dứt khoát trong việc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC cũng đang là một điểm khuyết của chính sách trong việc huy động nguồn lực vàng, bởi vì thực tế lượng vàng phi SJC đang tồn tại trong dân cũng không phải là nhỏ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính vì đã không nhất quán ngay từ chính sách thì rõ ràng thị trường làm sao có thể quản lý được. Việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là ví dụ rõ ràng cho việc không có sự liên thông về giá. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là ai khiến cho giá không liên thông? Liệu chăng, có phải việc Nhà nước độc quyền sở hữu thương hiệu vàng SJC phần nào đã khiến giá vàng không liên thông được?

Các chuyên gia cho rằng, chính sách quản lý cần phải sớm được điều chỉnh thì mới có thể bình ổn được thị trường vàng, đưa giá trong nước tiệm cận với giá thế giới. Giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới, vì vậy “quản lý” ở đây nghĩa là tạo được một sân chơi vàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có thể tham gia, đồng thời có những hành lang pháp lý, công cụ để kiểm soát nó. Không có giải pháp nào giải quyết được sự chênh lệch nếu không nối kết thực sự với thế giới.

Không chỉ có vậy, sự mâu thuẫn về chính sách đã làm cho các giải pháp bình ổn thị trường không những không phát huy hiệu quả, mà trong nhiều trường hợp thậm chí có thể trở thành "con dao hai lưỡi" làm cho thị trường thêm bất ổn. Đã có lúc NHNN cho biết đề án huy động vàng đã có, nhưng mãi tới bây giờ mọi việc vẫn im lặng, điều này càng làm cho người dân thấp thỏm.

Khi không cho phép các ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng, NHNN cũng cần nhanh chóng có các chính sách và biện pháp dài hạn và đồng bộ để chuyển hóa nguồn lực này vào phát triển kinh tế. Và dù là chính sách, biện pháp và cách thức nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là niềm tin của người dân. Chỉ khi người dân hoàn toàn an tâm, khi ấy các chính sách mới có thể phát huy tác dụng để đem lại những lợi ích kinh tế.
Vàng có tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp

Dù có thời điểm tăng mạnh trên mức 47 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC chốt tuần qua ở mức 46,64 - 46,99 triệu đồng/lượng và chỉ tăng khoảng 40.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, đây cũng là tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp của vàng miếng SJC. Giá vàng trong tuần qua có thời điểm lên mức 47,27 triệu đồng/lượng và bắt đầu giảm mạnh sau khi SJC được gia công ngay 350.000 lượng. Trên thực tế, từ chiều hôm 19.9, sau khi NHNN thông báo cho phép SJC dập lại lượng vàng tương đương 13 tấn nói trên, giá vàng đã ngay lập tức giảm tới gần 400 nghìn đồng/lượng trong ngày 20.9 và lượng người đi bán vàng tăng mạnh, trong khi vàng thế giới không giảm.
Ngọc Tú - Bảo Chương 
(Theo LĐO) Gia Miêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét