Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012


16:01

Lạm phát có “vỡ trận”?

 

(Dân Việt) - Lạm phát đã quay trở lại sau nhiều tháng nền kinh tế rơi vào giảm phát. Lạm phát giờ đây có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trong nền kinh tế vĩ mô những tháng tới và trong cả năm 2013.

Các kịch bản đều lạc hậu
Tháng 5.2012, Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đã đưa ra 2 kịch bản kinh tế: Kịch bản thấp nhất là CPI cả năm 4,6% với GDP 4,4%, kịch bản lạc quan là CPI 6,2% và GDP 5,1%.
Đầu tháng 8, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ nên kiểm soát lạm phát mục tiêu trong vòng 6%. Trung bình mỗi tháng trong quý IV, CPI chỉ nên tăng 0,5- 0,8%/tháng. Mới đây nhất, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cũng đã đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 - 8% vào cuối năm nay. Ông ước tính, lạm phát sẽ xấp xỉ khoảng 1%/tháng trong thời gian còn lại của năm nay.
Nếu tính theo kịch bản lạc quan của Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế, sau mức tăng đột biến tới 2,2% của tháng 9 này, cộng với 2,68% của 8 tháng đầu năm 2012, lạm phát 9 tháng đã lên 4,88%. Nghĩa là dư địa tăng CPI chỉ còn rất thấp, hơn 1% cho 3 tháng cuối năm. Đây thực sự là điều “không thể” bởi 3 tháng cuối năm đặt trong bối cảnh với quy luật tiêu dùng nóng, cộng với nhiều yếu tố biến động giá khác như tác động trễ của chính sách nới lỏng tín dụng… thì nhiều ý kiến e ngại CPI cả nước “vỡ trận”. Như vậy, đến thời điểm này, có thể nói các kịch bản lạm phát như trên đã gần như trở nên “lạc hậu”, không còn nhiều ý nghĩa.
Lý giải về mức tăng CPI đột biến của tháng 9, làm “đảo ngược” hoàn toàn các dự báo trước đó, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích: Bốn nhóm hàng tăng giá vừa qua đã có tổng mức tăng tới 2,1%, đều mang tính thời vụ, hoặc xuất phát từ chủ trương, chính sách thị trường hóa ngành hàng hay từ các quyết định hành chính của Chính phủ.
Ông Thức cho biết: "Các cơ quan quản lý cũng không lường được tác động mạnh đến như vậy của việc tăng giá viện phí, học phí thời gian qua”. Ví dụ, thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 17,02% và riêng dịch vụ y tế tăng tới 23,87%. Không ai có thể hình dung được mức tăng kỷ lục này. Việc tăng học phí cũng tác động “ghê gớm” đến CPI. Trong khi mùa khai giảng những năm trước, CPI nhóm này thường chỉ 5-6% chứ không đến mức hơn 10%. Bên cạnh đó, giá xăng, gas, giá điện tăng liên tiếp đã “ngấm” sâu vào giá vận tải, giá hàng hóa nói chung, khiến CPI các nhóm này đều tăng 2-3%.
Ít kỳ vọng lãi suất giảm
Phân tích của một chuyên gia về thị trường tài chính, ngân hàng cho biết: Kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất hơn nữa càng trở nên khó khả thi khi lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh. Mấy ngày gần đây đang rộ lên hiện tượng nhiều ngân hàng tham gia làn sóng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài ngày. Hơn nữa, diễn biến CPI tăng cao sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang trì trệ như hiện nay.
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng: Việc CPI giảm trong những tháng trước tháng 8 cho thấy “cơ thể lạnh đi của nền kinh tế”. Và ngay khi có dấu hiệu nới lỏng tín dụng, nền kinh tế đã “rùng mình” khiến CPI tháng 8 - 9 đã tăng trở lại. Điều này cho thấy mức độ nhạy cảm cao của nền kinh tế, bắt nguồn từ tình trạng yếu kém kéo dài.
TS Nguyễn Trọng Tài - Học viện Ngân hàng cho rằng: Khả năng hạ tiếp lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trong những tháng cuối năm là khó xảy ra. Bởi dư địa để tiếp tục hạ lãi suất hiện không còn. Theo lý thuyết, điều hành lãi suất liên quan đến lạm phát. CPI mấy tháng qua tăng thấp nhưng lạm phát kỳ vọng vẫn cao. Bởi vậy, nếu chỉ nhìn vào CPI để đánh giá lạm phát và khả năng hạ lãi suất huy động là không chính xác.
TS Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng: Lãi suất khó có thể hạ bởi lãi suất huy động phải luôn đảm bảo thực dương cho người gửi tiền, nếu không người dân sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác như mua vàng, USD. Bên cạnh đó, hạ lãi suất huy động còn có thể tạo áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm...
Phương Hà (Theo Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét