Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012


12:01
 Nên giảm nguồn thu để hỗ trợ người dân

 

(Dân Việt) - “Chính phủ nên chấp nhận giảm nguồn thu của ngân sách để cùng chung vai hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh như vậy.

Thưa ông, chỉ số CPI tháng 9 của Hà Nội được công bố tăng 2,47%, đây là mức tăng rất cao; của TP.HCM là 1,21% mức cao nhất kể từ tháng 2.2012. Ông bình luận gì về mức tăng cao, đột biến như vậy?
- CPI tháng 9 của Hà Nội và TP.HCM tăng như vậy cũng không nằm ngoài dự báo bởi cả điện, nước, xăng dầu đều tăng giá, cộng thêm với áp lực cuối năm. Có thể nói, đây là hội tụ của việc tăng giá một loạt các mặt hàng đầu vào. Quan trọng hơn nữa là xu hướng nới rộng tín dụng những tháng cuối năm và cũng nằm trong chu kỳ dự báo. Mặc dù không bất ngờ về việc CPI tăng, tuy nhiên việc tăng với mức cao như vậy cũng gây sự bất ngờ.
 Lâu nay, các ý kiến cảnh báo nếu CPI 1 tháng tăng trên 2% thì sẽ rất nghiêm trọng, bởi mức độ ảnh hưởng của nó sẽ rộng và kéo dài tới 1-2 quý sau đó. Ông dự báo điều gì từ thực tế này?
-Trong năm 2011 đã có tháng CPI tăng tới 3% cho nên việc tăng với mức 2,47% như tháng 9 này cũng chưa phải hẳn đã gây sự “hoảng hốt”. Mức tăng này cũng tùy theo từng hoàn cảnh, tình hình mà có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng nếu đã tăng như tháng 9 thì các tháng sau sẽ chỉ có tăng tiếp. Đồng thời, CPI sẽ cộng hưởng nhiều yếu tố khiến thị trường phức tạp hơn, điều hành khó khăn hơn.
CPI tháng 9 của 2 thành phố lớn tăng cao được nhiều chuyên gia cho rằng do chúng ta chạy theo mục tiêu “thả” giá nhiều mặt hàng cho thị trường quá sớm (như điện, xăng dầu,…). Quan điểm của ông về nhận định này?
- Những tháng trước CPI chỉ tăng thấp 0,2- 0,3%, nên đa số chỉ dự báo tháng 9 này chắc khoảng 1-1,5%. Tuy nhiên, cuối cùng ghi nhận mức tăng 2,67% thực sự là một mức tăng cao. Thực ra các mặt hàng như điện, xăng dầu… đều đã nằm trong lộ trình của việc tăng giá và thực hiện theo cơ chế thị trường. Chỉ có việc “không hay” là chúng ta đã để nó tăng cùng thời điểm với nhau. Chẳng hạn việc xăng dầu tăng là do thế giới tăng đột biến, tuy nhiên cũng phải tính tới nhiều yếu tố khách quan khác nữa khiến cho việc tăng giá đó tác động mạnh mẽ lên CPI tháng này.
CPI tăng cao đột biến
Tháng 8.2012, CPI của Hà Nội là 0,57%, của TP.HCM là 0,66%. Tương tự, CPI của 2 thành phố này trong tháng 7 lần lượt là - 0,29% và - 0,57%; trong tháng 6 là - 0,17% và - 0,43%.
CPI tháng 9 của cả nước nhiều khả năng không giữ được mức tăng “nhẹ nhàng, thậm chí âm” như các tháng trước, mà tăng cao, như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đối với chỉ số lạm phát cả năm 2012?
- Nếu CPI của cả nước dự kiến tăng xấp xỉ 2% thì như vậy tổng cộng 9 tháng đầu năm 2012 này, CPI đã tăng xấp xỉ 7% trong khi mục tiêu năm 2012 chúng ta kiềm chế lạm phát ở mức 7,5-8,5%, dưới 1 con số. Do đó, trong 3 tháng cuối năm, nếu không giữ được mức tăng “nhẹ” thì rất nhiều khả năng lạm phát sẽ vọt lên 2 con số là khó tránh. Chính vì vậy, năm 2013 dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn 6 tháng đầu năm 2012, sẽ thách thức rất nhiều đến việc điều hành các chính sách tiền tệ, lãi suất.
Tại một cuộc hội thảo cuối tuần trước, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định nền kinh tế từ nay đến cuối năm rất khó dự báo, cần tới nhiều giải pháp vượt tầm kiểm soát, không chỉ là tăng giảm nhiệt độ, liều lượng? Theo ông, những khó khăn cụ thể ở đây cần được dự báo là gì?
- Đúng là năm 2012 này diễn biến nền kinh tế có nhiều động thái phức tạp và bất ngờ. Ngay như lạm phát âm của một vài tháng trước là diễn biến không ai ngờ được. Nếu được dùng từ ngữ để khái quát về nền kinh tế thì tôi xin dùng 2 từ “quay quắt”, rất khó dự báo.
CPI tăng cao là bằng chứng rõ nhất về khó khăn thực sự của người dân. Theo ông, Nhà nước có cần phải tính toán lại việc để nhiều mặt hàng theo giá thị trường và kiểm soát giá hay không?
- Tôi cho rằng những tháng cuối năm, Chính phủ cần can thiệp mạnh hơn nữa vào các chính sách điều hành của nền kinh tế, đặc biệt là chính sách lãi suất và tín dụng. Đồng thời, Chính phủ phải chấp nhận giảm nguồn thu của ngân sách để cùng chung vai hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét