Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012


16:10
 Kiến tạo lịch sử mâu thuẫn với sự thực lịch sử


Sự kiện Tiến sĩ Mai Hồng giới thiệu tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc ấn hành năm 1904 đã cho thấy rõ hơn về tính chính đáng trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam cũng như các bằng chứng lịch sử được tô vẽ sai lệch về phía Trung Quốc.


Nó cũng cho thấy nếu các học giả Trung Quốc thông qua nhiều kênh cố gắng lồng “đường lưỡi bò” hay tên gọi “Nam Trung Hoa” vào các sản phẩm khoa học để “chính đáng hóa” những yêu sách lãnh thổ - lãnh hải, thì nhiệm vụ từ phía Việt Nam bằng bài viết, bằng lập luận, bằng những thông số phải “phi chính đáng hóa” lại những thông tin sai lệch này.Hiện diện của sức mạnh trong văn cảnh này là góp phần xây dựng lại kiến thức chung về vấn đề tranh cãi hay phủ định lại những áp đặt đi ngược lại các chuẩn mực khoa học.

Dòng chữ: “Nam thiên nhất trụ” (Một trụ đá ở góc trời Nam)


Trên khối đá ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) có hai dòng chữ: Thiên nhai hải giác (Chân trời góc biển) và Hải khoát thiên không (Trời biển mênh mông không bờ bến)

(Cả hai ghi chú này cho thấy người Trung Quốc lâu nay xem Hải Nam là điểm tận cùng của đất nước họ)
Xuất phát từ sự khác biệt về quan niệm có thể dẫn đến sự chấp nhận cùng một lúc nhiều mô thức khác nhau về cảm nhận, cách diễn dịch, thậm chí hành vi ứng xử của các nước tham gia và những nước quan sát bên ngoài. Với những dữ kiện lịch sử mơ hồ và không được kiểm chứng chắc chắn, nhưng lại có liên quan bằng cách này hay cách khác tới Biển Đông, Trung Quốc đang “kiến tạo” lại lịch sử cho có lợi cho họ.
Hay nói cách khác họ cố gắng xây dựng ra những cột mốc lịch sử không có thật nhằm bảo vệ các lợi ích của mình. Một mặt, Bắc Kinh tuyên truyền mạnh mẽ nhằm định hướng dư luận ngay ở trong nước về một Nam Hải “của Trung Quốc” bằng những dữ liệu lịch sử sai lệch đó, mặt khác đưa những “bằng chứng” đã được tô vẽ ra nước ngoài thông qua kênh học giả nhằm định hướng dư luận.
Ai cũng biết một trong những cơ sở pháp lý quan trọng mà Trung Quốc sử dụng để khẳng định chủ quyền của mình chính là “vùng nước lịch sử”. Những khẳng định này được Trung Quốc góp nhặt được từ những nguồn tài liệu khác nhau.
Xét về mặt địa lý, Trung Quốc trích dẫn từ các sách địa lý cổ xưa của họ có những ghi nhận và mô tả về các đảo mà họ nói đó là Hoàng Sa và Trường Sa để cho rằng họ phát hiện và xác lập chủ quyền tại hai quần đảo này từ hàng ngàn năm qua.
Tuy nhiên về mặt thực tế, sự đề cập đến các đảo hay nhóm đảo này lại thiên về miêu tả địa danh và sự thật không ai có thể xác định chính xác được những đảo đó có liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa hay không. Tên gọi của những đảo này theo các tài liệu của Trung Quốc được chép rất khác nhau. Vì vậy khó có thể chấp nhận được quan điểm của Bắc Kinh khi họ cứ khăng khăng cho đó là Hoàng Sa hay có lẽ là Trường Sa.
Tuy nhiên, các sử gia Bắc Kinh đã “khéo léo” biến tấu, thêm thắt, sắp đặt hay “kiến tạo lại”, sau đó tiến hành tuyên truyền rộng khắp. Ngay cả các sách giáo khoa lịch sử tại Trung Quốc cũng cho rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc “từ hàng ngàn năm nay”, qua đó gieo vào đầu các công dân của họ ngay từ nhỏ những khái niệm hoàn toàn sai lầm về chủ quyền thật sự.
Quá trình “kiến tạo lại lịch sử này” đã được thực hiện trong một khoảng thời gian dài và bằng nhiều hình thức. Nhưng cách chủ yếu nhất, tác dụng mạnh nhất chính là tạo ra và truyền bá ồ ạt về lượng. Không cần biết những sử liệu đó đúng hay sai, miễn chúng phù hợp với các lợi ích về chủ quyền thì sẽ được tiến hành in ấn hay truyền bá với một số lượng ấn phẩm lớn, và dễ dàng tiếp cận được ngay từ trong nước.
Thông qua các trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, các nhà khoa học Trung Quốc sau đó phát tán các tài liệu này thông qua mạng internet tới thế giới.
Thêm vào đó, các nghiên cứu sinh Trung Quốc thông qua việc du học nước ngoài, cũng mang theo những sử liệu như vậy đến các trường đại học lớn trên thế giới, góp phần truyền bá những tư liệu lịch sử “đã được kiến tạo lại này” ra khắp giới học thuật tại nhiều quốc gia khác nhau.
Những tài liệu của Trung Quốc có thể được dùng để tham khảo, để tra cứu hay lưu trữ vì suy cho cùng, không còn một tài liệu nào trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông từ những nguồn khác ngoài Trung Quốc.
Sự truyền bá ồ ạt về lượng như thế, không phủ nhận, Mang lại một số lợi thế bước đầu cho Trung Quốc, song không tránh khỏi những nhược điểm lớn. Khoa học là một công cụ để nhận thức thế giới. Dựa trên thông tin, bằng chứng chuẩn xác sẽ dẫn đến một nhận định khách quan, đúng đắn.
Ngược lại lồng vào khoa học những mục đích chính trị tuyên truyền sẽ đưa đến những lệch lạc về góc nhìn. Trong bài toán tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay, khoa học và các nhà khoa học dường như đang đứng trước một sứ mạng nặng nề.
Trong khi vừa phải “đi tìm chân lý” thông qua các khảo sát về lịch sử, địa lý, quan hệ quốc tế,… một cách nghiêm túc, vừa phải chịu sức ép để chọn lọc ra những điều không ảnh hưởng đến lợi ích lãnh thổ quốc gia.
Sứ mạng này không là mặc định, và cũng đi ngược lại phần nào nguyên tắc “tôn trọng và chỉ đi tìm sự thật” của công việc nghiên cứu, nhưng là “nguyên tắc ngầm” tự hiểu, nhất là đối với những phe tranh chấp với bằng chứng và lập luận còn kém thuyết phục hơn.
Thứ nhất, các “kiến tạo lịch sử” về mặt bản chất mâu thuẫn rất lớn so với sự thật lịch sử. Các “tư liệu nhân tạo” không những có độ vênh với các bằng chứng đã lưu truyền trong sử sách, bản đồ và dã sử, mà còn tạo nên tình trạng “tiền hậu bất nhất” ngay cả trong nội bộ khi phải đi tìm một biện pháp thương thuyết đàng hoàng với các đối tác khác.
Khi các tài liệu được công bố và trình bày công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng lưới toàn cầu, sẽ biến tất cả bằng chứng thành kệch cỡm. Người ta có câu tự thuyết phục được mình rồi mới có thể thuyết phục người.
Rõ ràng, các mâu thuẫn này khiến cho tồn tại pháp lý của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, nếu đem so sánh với Việt Nam hoàn toàn bị lép vế, không có giá trị và mục đích hàng đầu của nó hiện tại chỉ là để cổ vũ cho một “chủ nghĩa dân tộc nước lớn” trỗi dậy mạnh mẽ từ bên trong.
Thứ hai, các “kiến tạo lịch sử” này xét về lâu dài hoàn toàn không bền vững; lịch sử được chắp vá và thêm thắt không phải là lịch sử đúng nghĩa. Trung Quốc chỉ có thể “che đậy” sự thật ở một chừng mực nhất định nào đó. Công việc của một nhà nghiên cứu lịch sử chân chính chính là tìm ra sự thật khách quan nhất thông qua một sự tiếp cận nghiêm túc và khách quan.

Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam TQ là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa

Các nhà lịch sử nước ngoài hay Việt Nam hoàn toàn có thể chỉ ra được những điểm mâu thuẫn trong các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên các “sai lệch lịch sử” đó, nếu tìm hiểu đúng phương pháp. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm rằng các lập luận lịch sử về đường lưỡi bò là hết sức vô lý.
Lịch sử cho dù vô tình hay cố ý “bị” sửa chữa chắc chắn không bao giờ chạm đến bản chất của sự thật. Các cố gắng kiến tạo lịch sử và xây dựng mặt trận dư luận quốc tế cần tìm đường tiệm cận gần nhất đến sự thật.
Các nhà chiến lược và chính phủ trung ương chắc chắn đã nhận ra được việc bất khả thi đó và các bước đi tiếp theo của Bắc Kinh tập trung vào về hành chính, kinh tế và quân sự như trong khoảng thời gian gần đây, khi Trung Quốc tăng cường tiến hành gây hấn và hiện đại hóa quân đội, hành chính - quân sự hóa Tam Sa hay đưa mấy ngàn tàu cá ra biển.
Chưa bao giờ như lúc này Việt Nam cần chỉ rõ cho thế giới thấy lý lẽ của chúng ta. Cũng chưa bao giờ như lúc này Việt Nam cần cho thế giới thấy cách tiếp cận của ta là khác Trung Quốc, theo nghĩa ta tìm giải pháp hòa bình, công bằng dựa trên những bằng chứng xác đáng của lịch sử chứng minh. Lẽ phải chỉ trở thành nhận thức khi nó được truyền đạt qua những kênh thông tin hiệu quả. Trên hết, nên tránh chỉ đề cập những điểm chung chung, chiến lược tuyên truyền hay “phản tuyên truyền”.
Trước những quan điểm hay bằng chứng sai lệch của Trung Quốc, cần đi vào những điểm hết sức cụ thể, dựa trên hệ thống lập luận và dẫn chứng chuẩn xác, phù hợp với chuẩn mực và tập quán chung của cộng đồng thế giới. Điều này cần sự hợp sức giữa Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các học giả tâm huyết trong lẫn ngoài nước.
Tấn công vào sự không chính đáng của Bắc Kinh đồng thời thách thức họ trên các mặt pháp lý và dư luận quốc tế, mặt trận mà dường như Việt Nam có ưu thế hơn cả. Những bước đi này sẽ có tác dụng cô lập Trung Quốc hơn nữa và khiến cho thế giới thấy được tính “không chính nghĩa” của Bắc Kinh.
Có thể Trung Quốc bằng cách này hay cách khác vẫn tiếp tục cố gắng tìm cách tạo ra các chứng cứ lịch sử có lợi cho mình. Tuy nhiên Bắc Kinh nên nhận ra nằng lịch sử vốn luôn có giá trị riêng của nó, phủ nhận lịch sử bao giờ cũng phải trả giá đắt. Nhà thơ Rasul Gamzatov từng phát biểu rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”.
Một Bắc Kinh trỗi dậy  Mạnh mẽ bằng sức mạnh thủy lôi, tàu chiến, tên lửa hạng nặng đang ngày càng bị cô lập về mặt công luận và lòng người, các lý lẽ của họ bị phản bác ngày càng nhiều ngay cả trong chính từ các học giả của mình. Có lẽ đã đến lúc các nhà chính trị cũng như các phe cổ động cho việc “kiến tạo lịch sử” Trung Quốc nên nhìn nhận lại vấn đề để không phải tổn thương thêm bởi những “viên đại bác” của tương lai.

NGUYỄN CHÍNH TÂM/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét