Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

'Bệnh viện' của... tiền?
Cập nhật lúc 09:13 
Trong khoảng dăm năm trở lại đây, chuyện nợ xấu bao giờ cũng là vấn đề nóng ở trong các kỳ họp Quốc hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi sự việc có vẻ càng ngày càng nóng, khi mà hết vụ án cán bộ tín dụng của ngân hàng này, đến ngân hàng khác làm sai, rồi những vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng mà chưa từng có trong tiền lệ… Và người ta kêu gào lên rằng, nợ xấu sẽ làm sụp đổ các ngân hàng.
Nhưng rồi cách đây 3 năm, nghe rằng có thông tin thành lập một công ty quản lý tài sản, rồi được ít hôm lại nghe thấy thông tin rằng, công ty này thực chất là nơi nhốt tất cả các “con bệnh” vào, gạt chuyện nợ xấu sang một bên, để góp phần “làm đẹp sổ sách” và báo cáo tài chính cho ngân hàng.
Tôi và không ít người đã nghĩ như thế.
Đến giữa năm 2015, tôi lại thấy thông báo về quyết tâm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ giảm nợ xấu xuống dưới 3% và đến nay, năm hết tết đến, đã có thông báo chính thức nợ xấu còn 2,7%.
Thế là tôi đã tìm đến Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hay còn được người ta gọi là “bệnh viện của tiền”.
 benh vien cua tien
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC. Ảnh: Hiền Anh
Tôi gặp “bác sĩ trưởng khoa” - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng trong một chiều đông mưa sùi sụt.
Với vẻ không cần phải giấu gì cả, ông cũng thấy cái danh xưng thiên hạ đặt cho ông là “bác sĩ chữa bệnh nợ xấu” cũng đúng, nên ông bảo tôi: “Những con bệnh nợ xấu đã vào đến tay chúng tôi, thì quả thật toàn là những “doanh nghiệp 7 phần chết, 3 phần sống”, vô cùng khó khăn, muốn chữa khỏi bệnh cần phải có thời gian từ phân loại, đánh giá, xác định khả năng phục hồi hoặc khai tử cũng như con người bị bệnh như HIV thì còn tồn tại 15-20 năm mới chết, do vậy cần phải kiên trì”.
Nghe ông nói mà tôi cũng thấy khiếp. Nhưng rồi ông lại cười buồn và bảo: “Chúng tôi là những “bác sĩ” cho nền tài chính, nhưng chúng tôi chẳng được trang bị những thứ bảo hiểm nào cho mình. Người ta chữa bệnh cho bệnh nhân còn có găng tay, khẩu trang, thuốc sát trùng, nhưng chúng tôi ở đây hầu như không có gì”.
Tôi chưa hiểu ý của ông, nên hỏi lại: “Vậy dụng cụ cho các bác sĩ ở đây là gì?”. Ông nói ngay: “Đó phải là các khung về luật pháp, các quy định và các chế tài xử phạt đã được luật hóa. Và phải có các cơ quan đủ quyền lực, đủ mạnh để buộc các con bệnh phải uống thuốc, phải trả tiền, phải chữa trị”.
Trời ạ, hay thật! Giải quyết những món nợ xấu, nếu cộng lại bây giờ phải là hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Ấy thế mà lại thiếu các chế tài, thiếu các khung về luật pháp, thế này thì làm sao?
Buổi làm việc của ông với tôi diễn ra khá kỳ lạ. Sở dĩ tôi nói kỳ lạ là vì ông nói với tôi những câu chuyện về nợ nần, về tiền bạc với những con số dài dằng dặc nhưng không hề có sổ sách. Và tôi chợt giật mình nhớ ra rằng trong những buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, với bà Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng rồi với nhiều lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước… tôi chưa thấy ai giở sổ sách ra làm việc với tôi lần nào. Mà ngay cả Thống đốc Bình, ngay cả khi trình bày trước Quốc hội ông cũng không bao giờ giở sổ. Hình như, ngành ngân hàng là ngành đòi hỏi cán bộ phải có trí nhớ siêu phàm!
Bấy lâu nay, nói đến nợ xấu, thiên hạ ai cũng nghĩ rằng, gây ra nợ xấu là cái tội của ngành ngân hàng. Và người ta dẫn chứng ra không ít vụ cán bộ ngân hàng, những người thẩm định dự án đã móc ngoặc, “đi đêm” với chủ đầu tư, nâng khống trị giá tài sản, nâng khống mức cho vay. Nói nôm na, người ta cho rằng cán bộ ngành ngân hàng có phẩm chất tốt thì sẽ không có nợ xấu.
Nhưng, nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại, trút tội cho ngành ngân hàng thì dễ, bởi nó sờ sờ xảy ra nhiều vụ án thế. Thế nhưng, con số nợ xấu cả nước thì chả lẽ do cán bộ ngân hàng làm sai hết à? Hóa ra không phải.
Không thể phủ nhận, có một số rất ít cá nhân trong ngân hàng đã có việc làm sai, nhưng số đó không đáng kể. Mà cái chính gây ra nợ xấu đó là những ảnh hưởng khách quan đối với sự phát triển của nền kinh tế và bên cạnh đó là sự quản lý yếu kém, trình độ làm kinh tế “i, tờ” của nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp Nhà nước.
Nào là họ đổ tiền vào đầu tư ngoài ngành theo kiểu a dua “thấy thiên hạ ăn được, thì cũng đi làm”. Lĩnh vực chính thì không lo đầu tư phát triển bền vững, mà nặng về đi làm ăn chộp giật.
Nào là những ông chủ doanh nghiệp Việt Nam từ xưa đến nay, không biết cúi đầu xuống mà cứ vếch mặt lên trời, nghĩ lúc nào trời cũng nắng đẹp. Họ làm kinh tế nhưng ít nghĩ đến rủi ro, đặc biệt những người có khởi đầu làm ăn thuận lợi, lãi được một ít thì đã vếch mặt lên, tưởng ta là “bố thiên hạ”, không lo đến suy thoái, không lo cạnh tranh, không biết tính đường đi nước bước cho phù hợp, rồi đến lúc nguy ngập thì mắc cái bệnh báo cáo láo, làm đẹp sổ sách cho vừa lòng cấp trên. Cộng vào đó là ý chí của không hiếm nhà lãnh đạo là muốn “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, chỉ đạo che giấu khuyết điểm cho đơn vị và hay đưa ra khẩu hiệu “ổn định để phát triển”. Đầu tiên thì doanh nghiệp chỉ là “hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm” vớ vẩn nhưng không được chữa trị kịp thời, không biết kiêng khem nắng gió, thế là lâm vào bệnh “ung thư”, vô phương cứu chữa.
Rồi là không hiếm đại gia Việt Nam cũng mắc bệnh “bóc ngắn cắn dài”; “đếm cua trong lỗ”, rồi bệnh thích phô trương, hoành tráng, trong khi tầm nhìn thì ngắn không quá sống mũi. Khi làm ăn có lãi thì tiêu pha như tiền nhặt được.

benh vien cua tien 
Tôi - người viết bài này - đã từng được đi nhiều với các đại gia trong một số chuyến đi theo nguyên thủ ra nước ngoài. Và quả thật, tôi cực kỳ sợ hãi với tư duy, cách làm, cách nghĩ và cách tiêu tiền của không ít người.
Người ta hào hứng khoe với nhau rằng đã đến những chốn ăn chơi nào, hưởng lạc ra sao; khoe những chiếc đồng hồ trị giá cả trăm ngàn USD, khoe những món đồ trang sức trị giá cả triệu USD, rồi khoe ôtô, khoe quần áo. Đến các quốc gia, trong khi các nguyên thủ thì cố gắng bằng mọi cách giới thiệu về tiềm năng kinh tế, về chính sách đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp vào Việt Nam nhiều hơn nữa, thì các vị đại gia của chúng ta, hoặc là đến nghe cho phải phép, rồi sau đó lượn đi… mua sắm, đi chơi golf.
Có những chuyến chuyên cơ khi về nước, mà người ta dỡ hàng phải mất 3 tiếng đồng hồ mới hết hàng - đó là hàng của các đại gia mua sắm. Bảo rằng, họ lợi dụng chuyên cơ để đi buôn thì chả phải, bởi hàng hóa trong nước cũng có thiếu gì đâu, mà họ chủ yếu mua đồ lạ về làm quà hoặc mua về chơi.
Tôi rất hiếm thấy các đại gia khi ra nước ngoài chủ động tìm kiếm các đối tác, bám lấy họ, săn đón họ để tìm cách mở rộng quan hệ. Thế nên, với cách làm ăn đấy, tư duy đấy thì nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ xấu lâm vào tình trạng dở sống dở chết cũng là điều bình thường.
Rồi một hoàn cảnh khách quan khác cũng gây nên nợ xấu, đó là ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới vào Việt Nam. Một doanh nghiệp khi có một dự án nào đó, có thể ban đầu rất tốt, dự án mang đầy tính khả thi, ngân hàng sau khi kiểm tra mọi thứ rất hào hứng cho vay, bởi họ nhìn thấy làm ăn được. Nhưng rồi, có khi sau vài ba năm, thời thế thay đổi và cộng vào đó là những cơ chế chính sách của chúng ta không còn phù hợp, chưa kể còn có những chính sách “trói chân trói tay” doanh nghiệp, thế là doanh nghiệp chết, lại nợ xấu. Nhưng khi kiểm tra người ta lại chuyển sang quy cho ngân hàng cái tội cho vay tiền mà không lường trước được rủi ro.
Một vấn đề nữa, khi có nợ xấu, là người ta thường quy trách nhiệm cho ngân hàng, còn với doanh nghiệp thì lại hay được sự “thông cảm” với đủ loại lý do, như “lỗi cơ chế”; “hoàn cảnh khách quan”; bị “cạnh tranh không lành mạnh”; hay “chưa lường hết khó khăn”?
Thậm chí, người ta có thể thành lập doanh nghiệp, rồi bổ sung vốn điều lệ hàng ngàn tỉ, không biết có tiền thật hay không nhưng vẫn được cấp đăng ký kinh doanh với số vốn trên trời, ngân hàng thì tưởng thật, ai ngờ họ huy động cả ngàn tỉ vào ngân hàng, để chứng minh có tiền, rồi sau đó khi có giấy phép xong lập tức rút ra mang đi trả nợ hoặc làm việc khác. Thế mới thấy là có rất nhiều công ty “tay không bắt giặc”, “cò gỗ mổ cò thật”. Rồi lại chưa kể, các doanh nghiệp đi thu gom dự án, góp nhiều cái nhỏ thành một dự án lớn để vay tiền. Ấy vậy mà khi nợ xấu xảy ra lại bảo ngân hàng không thẩm định, không lường trước được rủi ro.

(Theo Năng lượng Mới)  Nguyễn Như Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét