Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Phản đối Trung Quốc xâm phạm biển Đông chưa 'đủ liều'

Cập nhật lúc 07:56  

(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng tình với những phàn nàn của cử tri trước việc lên tiếng phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của TQ.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 3 (TPHCM) chiều 29/6, nhiều ý kiến bức xúc đã được chuyển tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ĐBQH Trần Du Lịch phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Theo đó vấn đề  chủ quyền biển đảo được cử tri quan tâm, theo dõi trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9 và cả những thời gian trước đó.
Cử tri Hoàng Xuân Dương (P.5, Q.3) nêu: trong hai năm 2014 và 2015, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam với mức độ quyết liệt, dồn dập, rất nghiêm trọng. Thế giới lên tiếng phản đối Trung Quốc, Quốc hội Mỹ cũng có những động thái mạnh mẽ…
Những nước ít liên quan hoặc không liên quan đã lên tiếng phản đối, còn ra hẳn Nghị quyết. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của dân mà vẫn chần chừ. Tại sao như vậy?", ông Dương đặt câu hỏi.
Cũng chung quan điểm này, cử tri Nguyễn Hoài Nam (quận 1) cho rằng hành vi san lấp và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc hết sức nguy hiểm, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết về Biển Đông vào kỳ họp tới.
Chia sẻ với những băn khoăn của cử tri, Chủ tịch nước cho rằng bà con chưa hài lòng trước việc Quốc hội phản ứng chưa đủ liều là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng cho biết, Việt Nam không phải chỉ phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.
"Song phương, đa phương cũng làm rất dữ. Lãnh đạo cấp cao cũng tham gia, không phải đơn giản chỉ là anh phát ngôn hàm vụ trưởng phát biểu thôi đâu, mà cả hệ thống chính trị cùng làm việc", Chủ tịch nước nói.

Phan doi Trung Quoc xam pham bien Dong chua 'du lieu' 
Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc cử tri 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định các tổ chức và các nước, ai ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông thì Việt Nam hoàn toàn hoan nghênh. Qua các hoạt động ngoại giao đã có sự lan tỏa và nhiều nước đã ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Trung Quốc và ASEAN ký kết DOC, giữ nguyên trạng, không thay đổi hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình… nhưng “anh” làm thay đổi hiện trạng thì bị phản đối là đúng.
Mặc dù vậy Chủ tịch nước khẳng định đây là câu chuyện đấu tranh hết sức lâu dài, bền bỉ và kiên quyết, kiên trì.
Chủ tịch nước ghi nhận những lời phàn nàn của cử tri cho rằng Quốc hội lên tiếng (phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam) như vậy là không “đủ liều”.
Không riêng gì cử tri có cảm nhận này mà ngay cả đại biểu Quốc hội cũng vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ngay tại kỳ họp thứ 9, sau khi nghe Chính phủ báo cáo riêng về tình hình Biển Đông ĐBQH Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết dù hài lòng với báo cáo của Chính phủ nhưng vẫn mong muốn hơn thế.
“Trong thâm tâm tôi rất muốn Quốc hội phải có tiếng nói chính thức. Nếu không, đó là một tiền lệ rất xấu. Chúng ta đã có bài học lịch sử rồi”, ông Sơn trăn trở.
Còn đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông đã gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan lập pháp tối cao bày tỏ thái độ rõ ràng khi Trung Quốc ráo riết xây đảo ở Trường Sa.
Ông đề nghị Quốc hội có tuyên bố thể hiện quan điểm bởi đại biểu Quốc hội là đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
(Theo Đất Việt) Phương Nguyên tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét