Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

 14:45

Một chiến thắng cần thiết
QĐND - Đúng như dự đoán, cuộc bầu cử tại Cam-pu-chia đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Đảng nhân dân Cam-pu-chia CPP với 68 ghế trong tổng số 123 ghế Quốc hội khóa V.
Trong tuyên bố đưa ra đêm 28-7, CPP khẳng định: "Theo kết quả sơ bộ, Đảng Nhân dân Cam-pu-chia đã giành đa số tuyệt đối, đủ số ghế để đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước 5 năm nữa". Tuyên bố cũng kêu gọi người dân duy trì ổn định, an ninh và trật tự sau bầu cử.
Kết quả này phản ánh một thực tế trong đời sống chính trị Cam-pu-chia: Đảng Nhân dân Cam-pu-chia vẫn là chính đảng giành được sự ủng hộ cao nhất của người dân. Đây là một chiến thắng cần thiết để bảo đảm Cam-pu-chia tiếp tục đi theo con đường ổn định chính trị, phát triển mạnh về kinh tế và tiếp tục hội nhập sâu vào đời sống chính trị khu vực cũng như quốc tế.
Sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị cả loài người lên án buộc phải chấm dứt sự cai trị tàn khốc trên đất nước Cam-pu-chia vào tháng giêng năm 1979, đất nước Chùa Tháp bước vào cuộc hồi sinh mạnh mẽ, trong khi tàn quân của Khơ-me Đỏ vẫn tiếp tục quấy rối đời sống hòa bình của người dân ở những vùng biên giới Cam-pu-chia.
Trải qua những năm tháng dài xung đột khắc nghiệt, đến tháng 10-1991, với sự trung gian của Liên hợp quốc (LHQ), Hội nghị quốc tế Pa-ri về Cam-pu-chia đã thông qua một thỏa thuận cho phép LHQ giám sát ngừng bắn, hồi hương người tị nạn dọc biên giới với Thái Lan, tiến tới một cuộc bầu cử dưới sự giám sát của LHQ.
Tháng 6-1993, cuộc bầu cử Quốc hội gồm 120 ghế đã diễn ra tại Cam-pu-chia. Ước chừng khoảng 4 triệu người, chiếm 90% số người trong độ tuổi đi bầu cử, đã tham gia bỏ phiếu. Đảng FUNCINPEC của Hoàng thân Ranariddh nhận được nhiều phiếu nhất; Đảng Nhân dân Cam-pu-chia CPP về thứ hai trong cuộc bầu cử. FUNCINPEC liên minh với CPP; Hoàng thân Ranariddh và ông Hun Xen trở thành Thủ tướng thứ nhất và Thủ tướng thứ hai trong Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia.
Kể từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên dưới sự giám sát của LHQ năm 1993 đó cho tới cuộc bầu cử thứ năm vừa diễn ra ngày 28-7 vừa qua, Đảng Nhân dân Cam-pu-chia CPP đã từng bước củng cố uy tín chính trị, giành được thiện cảm của đa số người dân Cam-pu-chia và xác lập một vị thế vững chắc trên chính trường Cam-pu-chia.
Cũng tương tự như khi người ta dự đoán được kết quả bầu cử sẽ nghiêng về phía Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, không khó để dự đoán rằng, đảng đối lập chính của CPP là Đảng Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia CNRP không dễ dàng chấp nhận kết quả bầu cử, cho dù họ đã giành được kết quả vượt mong đợi ban đầu.
Đảng Cứu nguy dân tộc CNRP ngày 29-7 đã bác tuyên bố thắng cử của CPP, cho rằng có “các vụ gian lận tràn lan trong cuộc bầu cử hôm 28-7. Trong một tuyên bố, CNRP khẳng định: "CNRP không thể chấp nhận kết quả cuộc bầu cử quốc hội lần thứ năm do CNRP đã phát hiện rất nhiều trường hợp gian lận nghiêm trọng".
Thế nhưng một ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 tại Cam-pu-chia kết thúc, một cuộc họp báo với sự tham dự của nhóm quan sát viên quốc tế (ICAPP), Hàn Quốc, A-déc-bai-gian, Hung-ga-ri và đại diện Ủy ban bầu cử quốc gia Cam-pu-chia (NEC), được tổ chức tại Phnôm Pênh sáng 29-7, đã đưa ra tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa 5 ở Cam-pu-chia ngày 28-7 đã diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.
Trong cuộc họp báo này, ông Jose Devenecia, Chủ tịch  Hiệp hội các đảng dân chủ châu Á - Thái Bình Dương (CAPDI) nhấn mạnh hoạt động giám sát bầu cử cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia khóa 5 đã thành công, kết quả bầu cử phản ánh ý nguyện của cử tri, cho thấy dân chủ ở Cam-pu-chia đã được củng cố.
Trước đó, chiều 28-7, nhóm quan sát viên ASEAN cũng tổ chức họp báo đánh giá cuộc bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia khóa 5 đã diễn ra tốt đẹp.
Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28-7, nhưng CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Xen đang đứng trước những thách thức to lớn. Cần phải nhớ rằng cách đây 5 năm, trong cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ tư năm 2008, CPP giành được tới 90 ghế trong Quốc hội, trong khi đảng SRP của thủ lĩnh Sam Rainsy giành 26 ghế, đảng Nhân quyền (HRP) giành 3 ghế, đảng FUNCINPEC giành 2 ghế và đảng Norodom Ranariddh (NRP) giành 2 ghế. Sau đó, đến năm 2012, hai đảng SRP và HRP sáp nhập lại thành đảng Cứu nguy dân tộc CNRP và tổng cộng có được 29 ghế trong Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng CPP giành được 68 ghế, đủ để có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước (vượt qua số ghế tối thiểu phải có là 63 ghế), nhưng CNRP đã giành được tới 55 ghế. Sự thu hẹp khoảng cách này là một thách thức đối với CPP, đòi hỏi đảng này phải nỗ lực rất nhiều trong việc củng cố uy tín trên chính trường Cam-pu-chia, mà trước mắt là cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế.
Không thể phủ nhận một thực tế hiển nhiên là dưới sự lãnh đạo của CPP trong những năm qua, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Cam-pu-chia đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh vào bậc nhất Đông Nam Á, trung bình 7%/năm (trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 là 10%/năm). Cam-pu-chia đã hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế, có quan hệ sâu rộng với các nước, các tổ chức khu vực cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra trước CPP là phải bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, giảm bớt khoảng cách phát triển giữa vùng thành thị và nông thôn, nơi tập trung đến 90% dân số.
Đó là những nhiệm vụ nặng nề mà CPP phải thực hiện trong thời gian tới. Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 28-7 vừa qua là thực sự cần thiết để đảng CPP có thể đáp ứng được những nguyện vọng cũng như mong mỏi mà cử tri Cam-pu-chia giao phó, thông qua sự lựa chọn bằng lá phiếu của mình.
(Theo QĐND) VĂN YÊN
Campuchia đã có bài học cay đắng trong quá khứ với thảm họa diệt chủng. Một trong những nguyên nhân của thảm họa này bị tác động từ nước ngoài. Một thể chế quái thai đã tự triệt hạ tàn khốc hàng triệu mạng người của dân tộc mình. Bài học đó chưa xa nhưng gần đây có vẻ yếu tố kinh tế từ nước ngoài đã tác động lên đường lối chính trị của CPC. Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc lại vươn lên hàng đầu về đầu tư nước ngoài tại CPC. Một trong những dấu hiệu tác động đó thể hiện trong Hội nghị ASEAN (về biển Đông) khi CPC làm chủ tịch, đó là sự không thống nhất của một tổ chức vốn coi nguyên tắc đồng thuận là hàng đầu. Nếu mất lòng dân, Đảng CPP sẽ mất dần vị trí lãnh đạo.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét