Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

08:03

 Khi lãnh đạo “không biết mình là ai”



Giáo sư Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản Kenichi Ohno, người có gần 20 năm tham gia tư vấn chính sách cho VN, từng nói đại ý rằng quy trình hoạch định chính sách của VN kỳ lạ, có một không hai. Ông giải thích về nhận định này như sau: VN có quá nhiều chiến lược ngành.

Mỗi chiến lược chỉ do vài người làm, trong thời gian ngắn, với chất lượng không cao. Chính phủ lựa chọn ưu tiên và quyết định kế hoạch. Cán bộ nhà nước phải xây dựng quá nhiều kế hoạch, chiến lược với nguồn lực hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Trong khi đó, ở các nước, chẳng hạn như Thái Lan, chính phủ không đưa ra chiến lược ngành nào cả. Đại diện doanh nghiệp là người đưa ra chiến lược, và chính phủ chỉ có nhiệm vụ nhận và chấp thuận những kiến nghị đó. 
Như thế, việc xây dựng chiến lược (bao gồm xác định sứ mệnh, thiết lập các mục tiêu và đề ra các chính sách) của một ngành, lĩnh vực nào đó được làm từ dưới lên, thông qua những đề xuất gắn liền thực tiễn của những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực đó (Giáo sư Ohno gọi là các doanh nghiệp), chứ không phải bắt đầu từ “vài người” thuộc cơ quan quản lý như VN đang làm.
Thế nên, khỏi nói cũng biết, dư luận đã lấy làm phiền lòng như thế nào giữa bối cảnh rất nhiều trường đại học VN còn đang hoang mang trong mục tiêu phát triển của chính mình, học sinh thi được 3-4 điểm cũng có thể đỗ, thì trong chiến lược của mình (được phê duyệt năm 2010), ngành giáo dục đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2 trường đại học của Việt Nam xếp trong top 200 thế giới. 
Hoặc, chính những nhà hoạt động điện ảnh lão luyện, các đạo diễn uy tín cũng không thể hiểu, căn cứ nào để dự thảo đề án Chiến lược phát triển điện ảnh đặt ra mục tiêu năm 2020, Việt Nam phấn đấu là nước có nền điện ảnh đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và 10 năm sau (2030) sẽ là một trong những nền điện ảnh mạnh của khu vực châu Á. 7 năm thị trường điện ảnh “phim ngoại là chủ yếu” trở thành nền điện ảnh dẫn đầu khu vực? 7 năm để cho một nền điện ảnh mà ngay cả việc làm chiến lược cho nó cũng bị đình hoãn lại tới gần 10 năm vì “thiếu kinh phí”, trở thành dẫn đầu? Không biết mình là ai, đó cũng là một cái tội vậy!
Những mục tiêu xa vời như thế sẽ chỉ chứng minh một điều rằng các bản chiến lược được làm một cách chiếu lệ, thiếu căn cứ và nó nhanh chóng đẩy các kế hoạch, chính sách tiếp sau trở thành không tưởng. Đã có quá nhiều bài học sai lầm trong quy hoạch các ngành như vật liệu xây dựng, công nghiệp ô tô, đóng tàu… đều xuất phát từ việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách dựa trên những đánh giá chủ quan hoặc số liệu “ảo”.
Chúng ta cần bắt đầu một quy trình hoạch định chính sách mới, với sự tham gia cả tất cả các bên liên quan (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia). Chính sách không nên đơn thuần chỉ là một văn bản hành chính của cơ quan quản lý nhà nước nào đó.
Đồng Nhân

Bạn hãy vào trang hệ thống văn bản của Cổng TTĐT Chính phủ mà xem có biết bao chiến lược phát triển của Trung ương, Bộ, ngành, địa phương cấp tỉnh, thậm chí có cả chiến lược cấp huyện (Phú Quốc chẳng hạn). Mỗi chiến lược ấy bao giờ cũng kèm theo một lượng ngân sách không nhỏ. Chỉ tính chi phí cho việc xây dựng (vẽ) các chiến lược đó cũng đã kha khá rồi. Có lẽ cũng do thực hiện chiến lược dài lâu mà huyện Hoài Đức HN vừa xây xong một SVĐ hàng chục triệu đô la để “mời dân nội thành ra chơi thể thao (lời một PCT huyện này)”. Với sự vung tay cao hơn trán cho chi tiêu công, Việt Nam ta đang xây dựng một thương hiệu “ăn chơi không sợ mưa rơi”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét