Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

07:20

Tầm vóc như… hạt thóc

 

Mỗi kilogram thóc hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long có giá chỉ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, tuy nhiên trên mỗi hạt thóc tính ra có từ 20-50 loại phí khác nhau để làm ra được một hạt thóc. 
Theo thống kê sơ bộ, các loại phí trên một kilogram thóc gồm: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tiền công làm đất, cấy, gặt, tuốt lúa, vận chuyển từ ruộng về nhà, thủy lợi phí, tiền điện, tiền bơm nước, tiền công tổ thủy nông, công bảo vệ đồng, điều hành phòng chống bão lụt, nạo vét kênh mương, công điều hành của trưởng thôn, sửa chữa trạm bơm, cống đập, đại hội xã viên (tham gia Hợp tác xã), kiểm kê, quản lý, khoa học kỹ thuật, quỹ diệt chuột, lãi suất vốn vay...

Chưa kể, người nông dân còn phải chịu một số lại quỹ, phí khác như: Quỹ công ích, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ trẻ thơ, quỹ người cao tuổi, quỹ an ninh, quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, quỹ xây dựng nghĩa trang, xây dựng cống rãnh thoát nước vệ sinh, quỹ công điền, quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ xóa nhà tạm... Rồi các loại phí như: phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, tổ chức lễ hội, trại hè, quỹ xây dựng nhà trường...


Một hạt thóc gánh hàng chục lại phí, thuế

Hay như chỉ với một quả trứng gà, ở Sóc Trăng, theo chủ các cơ sở kinh doanh trứng ở đây, để đưa được quả trứng tới TP. HCM tiêu thụ, chỉ riêng kiểm dịch, một quả trứng phải chịu 3 đầu phí. Phí kiểm dịch lần thứ nhất là khi thương lái chuyển số trứng về cơ sở; Sau khi phân loại, đóng thành cây (1 cây 300 quả trứng) để xuất đi TP.HCM, phải đóng phí kiểm dịch lần 2; Nhập vào TP.HCM phải đóng phí thêm lần thứ 3 mới có thể tiêu thụ được. Đấy là chưa kể các chi phí bỏ ra trong quá trình nuôi con gà đẻ ra một quả trứng.

Chưa kể, theo một điều tra của Bộ NN&PTNT tiến hành năm 2009, tại 135 xã và 117 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của 46 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả cho thấy, người nông dân ngoài phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước còn phải nộp 30 đến 50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương tự đặt ra.

Trên đây chỉ là những liệt kê theo sự hiểu biết nông cạn của người viết, còn thực tế có thể một hạt thóc (chưa tính công đoạn thóc thành gạo và tới niêu cơm mỗi nhà) còn phải gánh nhiều hơn nữa các lại phí, thuế.

Thật đáng khen thay cho tầm vóc hạt thóc Việt Nam. Hẳn hạt thóc kia có điển hình cho tính cách người nông dân Việt hay không, can trường, chịu thương chịu khó, luôn vượt qua mọi khổ ải, chướng ngại để tiếp tục sống và lao động. Mà cứ thế suy ra tiếp, tinh thần hạt thóc hay tinh thần của người nông dân Việt thời nay phải là "oằn lưng cõng phí". Quý vị có đồng ý không ạ?
Theo Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét