14:15
Đề xuất
đánh giá lại Phạm Quỳnh
Tối 30.8 vừa qua, tại TP.Huế
(Thừa Thiên-Huế), các nhà nghiên cứu văn hóa cùng Hội đồng họ Phạm VN
đã có buổi tọa đàm về những đóng góp của Phạm Quỳnh đối với văn hóa dân
tộc.
Người của lịch sử
Buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ ra mắt tập sách
Phạm Quỳnh - Một góc nhìn (tập 2) do TS sử học Nguyễn Văn Khoan biên
soạn vừa được NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2012.
Ngay trong Lời nói đầu của tập sách, Giáo sư Đinh
Xuân Lâm, đã dẫn lại câu nói của Bác Hồ, vào tháng 9.1945, khi hay tin Phạm
Quỳnh bị xử tử ở Huế: “Cụ Phạm (tức Phạm Quỳnh) là người của
lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”.
Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm, tập sách đã thực hiện đúng
tinh thần câu nói trên của Bác Hồ. Trước đó, cuốn Phạm Quỳnh - một góc
nhìn (tập 1) ra mắt bạn đọc vào năm 2011. Nay TS Nguyễn Văn Khoan tiếp
tục biên soạn và cho ra đời tập 2. Các bài trong tập sách được chọn lọc phong
phú từ các bài viết của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà báo, nhà
giáo dục. Những người có bài đưa vào tập sách đều là những trí thức yêu nước,
những nhà văn hóa tiêu biểu như Giáo sư Dương Quảng Hàm, Vương Trí Nhàn…
Sách dày 300 trang, tập hợp 20 bài viết của các nhà sử
học, văn học có tiếng trong nước đều thống nhất đánh giá Phạm Quỳnh là một
nhà văn hóa lớn trong buổi giao thời. Ông có đóng góp quan trọng trong các
lĩnh vực văn học, báo chí, bảo tồn và làm trong sáng tiếng Việt, khơi dậy
truyền thống dân tộc, chấn hưng dân trí, tiếp nhận và giao lưu văn hóa Đông -
Tây...
Cần tiếp tục nghiên cứu
Tham dự buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử
và văn học ở Huế đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới về Phạm Quỳnh, đồng thời
kêu gọi sớm chính thức ghi nhận đóng góp của ông đối với văn hóa của đất
nước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (TP.Huế) cho rằng: Nói đến
Phạm Quỳnh là nói đến một hiện tượng cần phải tiếp tục được soi sáng. Đặc
biệt là những năm tháng Phạm Quỳnh sống ở Huế từ 1932 - 1945, về những điều
Phạm Quỳnh đã viết về Huế (như đọc lại tập du ký Mười ngày ở Huế, tập
Pháp du hành trình nhật ký), về những bài viết liên quan đến Phạm Quỳnh
và triều đình Huế (như hồi ký của Trần Thanh Cảnh, người đã tổ chức để Phạm
Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh gặp gỡ Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến ở
Paris...), về những di tích, di vật Phạm Quỳnh đã để lại tại Huế đang được
gìn giữ tại chùa Vạn Phước, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế... Và ông Hoa
đề xuất TS Nguyễn Văn Khoan có thể phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu Huế để
tiến tới chuẩn bị cho Phạm Quỳnh - Một góc nhìn tập 3, những góc
nhìn riêng, nhìn từ Huế.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng: “Với tầm nhìn đổi mới ấy,
trong những năm qua, mặt bằng dân trí cũng như lãnh đạo đã có những thay đổi
lớn trong việc thẩm định nhiều giá trị văn hóa. Chúng ta đã trả lại đúng giá
trị cho Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, một số tác giả nhóm Nhân văn giai
phẩm, cho Leopold Cadiere… Với Phạm Quỳnh, tôi nghĩ, với nhiều lý do chính
xác, đã đến lúc Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du
lịch, cần có kết luận và vinh danh chính thức đối với sự đóng góp lớn lao của
Phạm Quỳnh cho văn hóa dân tộc”.
(Theo Thanh Niên) Bùi Ngọc Long
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét