Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

20:16

 Chưa đọc sách tập 2 của “Huyền Chip" đã đề nghị dừng phát hành!  

Việc một độc giả gửi thư kiến nghị Cục Xuất bản tạm dừng phát hành cuốn nhật ký hành trình “Xách balô lên và đi” của Huyền Chip đang khiến dư luận dậy sóng. Xung quanh lá đơn kiến nghị này, có rất nhiều ý kiến trái chiều. PV Lao Động vừa có buổi trò chuyện với anh Trần Ngọc Thịnh – tác giả lá thư kiến nghị dài 21 trang, cũng là một chuyên gia tư vấn độc lập cho các dự án phát triển tại Việt Nam – để làm rõ hơn về mục đích của anh trong việc này.
<?> Anh đã đọc cả hai cuốn sách của tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) chưa?

- Sau khi đọc cuốn thứ nhất, tôi đã thấy xuất hiện nhiều nghi vấn về tính xác thực của nội dung. Vậy nên tới cuốn thứ hai, tôi không muốn mua nữa.

<?> Anh chưa đọc cuốn thứ hai, anh có nghĩ mình đủ lý lẽ để đề nghị Cục Xuất bản ngừng xuất bản cả hai cuốn sách này, hay anh lấy những căn cứ do độc giả khác đưa lên trên mạng làm dẫn chứng?

- Tôi có tham gia buổi họp báo ra mắt cuốn tập hai ở Hà Nội. Trước đó, Huyền Chip đã có một status nói rằng sẽ giải thích tất cả những gì độc giả thắc mắc kèm theo những minh chứng cụ thể. Tôi đã tham gia đặt câu hỏi và hy vọng Huyền Chip sẽ có những lời giải thích cùng với dẫn chứng cụ thể như đã hứa, nhưng hoàn toàn không có. Trong buổi họp báo, khi mọi người đặt câu hỏi thì Huyền Chip trả với thái độ thiếu tôn trọng, lập lờ, úp mở né tránh, thậm chí còn hùng hổ với khán giả.
 
Những thắc mắc của độc giả về cuốn sách đã không được Huyền Chip trả lời thỏa đáng trong 2 buổi họp báo tại Hà Nội và TPHCM.

Việc tranh luận xung quanh cuốn sách của HC là một chuyện hết sức bình thường và hoàn toàn chính đáng, nhất là khi độc giả mua sách của cô cũng như công chúng những người bỏ tiền ra mua sách và đọc sách có quyền đòi hỏi những giải đáp thắc mắc hợp lý, hợp tình, đầy đủ lý lẽ, dẫn chứng của họ.

Rất tiếc là một cô bé hiếu thắng, có lẽ do chưa được đi học đại học nên chưa được học về văn hóa tranh luận đã làm khán giả thất vọng khi sử dụng phương pháp 4 không kinh điển: Không nhớ, không biết, không thích cho xem và không có trách nhiệm trả lời để tranh luận.

Những người tranh luận với cô ngoài cảm giác bực bội thì họ cũng sẽ thấy rằng Huyền Chip là cô bé không hề có văn hóa tranh luận. Sau đó, Huyền Chíp còn đăng tải trên trang cá nhân những dòng rất thiếu tôn trọng độc giả khi cho rằng những chất vấn đó là “mưu hèn, kế bẩn”.

<?> Lý do và mục đích anh kiến nghị dừng xuất bản cuốn sách?

- Việc này mình làm hoàn toàn cá nhân, không có ai giật dây, hay thế lực nào đứng đằng sau gì hết và mình không có thù oán cá nhân gì với Huyền Chip, vì sau họp báo mới biết cô bé. Mình cũng không có thù oán với bất cứ một ai trong êkíp cuốn sách từ Công ty Quảng Văn, GS Nguyễn Lân Dũng, TS Nguyễn Hoàng Ánh, TS Lương Hoài Nam - những người bênh vực cô bé. 

Mình cũng không làm cho công ty PR, công ty sách hay nhà xuất bản nào, nên không có hiềm khích gì mà "dìm" nhau cả, cũng không phải nhà báo, phóng viên, hay CTV viết bài ăn theo chủ đề hot kiếm chút hư danh và tiền nhuận bút. Mình viết trên note, ai thích thì đọc. Cũng không có ai trả tiền thuê mình viết bài, mà mình làm điều này vì tính cách nổi bật của mình là thẳng thắn, thấy việc bất bình không thể ngồi yên.

Trước khi ra mắt sách của Huyền Chip, trang cá nhân của mình chia sẻ chủ yếu về du học và các cơ hội học bổng với mục đích chính là truyền cảm hứng, khích lệ tinh thần các bạn trẻ Việt Nam học tốt rồi tìm cơ hội ra nước ngoài học tập, tích lũy kinh nghiệm để trở về phục vụ đất nước.  Mình ủng hộ các bạn trẻ “Xách balô lên và đi”, nhưng là đi học chứ không phải đi phượt.

<?> Nhiều người nổi tiếng đã bênh vực cho Huyền Chip, ví dụ như GS-TS Nguyễn Lân Dũng đã rất khen ngợi cách viết và hành động của cô bé đáng để bạn trẻ noi gương. Anh nghĩ sao về việc này?

- Tôi nghĩ nhiều người, kể cả những người nổi tiếng như bác Nguyễn Lân Dũng đã đặt niềm tin sai lầm. Còn chuyện có người nghi ngờ bác khen ngợi là để  PR cho cuốn sách thì tôi không tán thành, tôi rất tôn trọng bác và tôi nghĩ GS-TS Nguyễn Lân Dũng không thiếu tiền để làm như vậy.

<?> Anh suy nghĩ như thế nào nếu như nhiều người cho rằng anh gửi thư khiếu nại là vì mục đích "tranh thủ" scandal của Huyền Chip ăn theo, để nổi tiếng và thuận lợi cho công việc làm ăn của mình?

- Tôi làm công khai, đàng hoàng, không có gì mờ ám mà phải sợ. Khi làm đơn kiến nghị, tôi nêu rõ danh tính, địa vị xã hội của mình. Việc viết thư kiến nghị chỉ là giọt nước tràn ly, vạn bất đắc dĩ mà thôi. Tôi biết sẽ có nhiều người đặt ra nghi ngờ về động cơ của tôi, chính vì thế tôi đã viết rõ những nghi vấn trong note (trên Facebook) của mình.

<?> Nhiều người cho rằng, Huyền Chip viết nhật ký mà đã là nhật ký thì có thể viết những gì đã làm, kể cả những cái người ta làm sai, quyền phán xét thuộc về độc giả. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

- Huyền Chip nói rõ đây là cuốn “nhật ký hành trình”. Đã là nhật ký hành trình thì phải chính xác, chân thực. Thêm nữa, khi độc giả thắc mắc về độ chân thực của cuốn sách, nếu Huyền Chip thừa nhận luôn rằng đây là truyện hư cấu thì cũng chả ai tranh luận nữa, tất cả sẽ dừng lại.

Tuy nhiên, Huyền Chip vẫn luôn khẳng định rằng mình đúng hoặc không trả lời rõ ràng. Tôi có đọc một bài trên báo Tuổi Trẻ, trong bài báo, Giám đốc NXB Văn hóa đã khẳng định những lời độc giả nói hoàn toàn đúng, đã là một cuốn sách thì đó là một sản phẩm, đã là sản phẩm có thể mua-bán thì phải có người chịu trách nhiệm về nội dung. Giám đốc NXB nói sẽ làm quyết liệt. Mình hy vọng ông ấy sẽ thực hiện đúng những gì ông đã nói.

<?> Chỉ vì không phản ánh đúng sự thật mà anh kiến nghị Cục Xuất bản đình chỉ việc phát hành cuốn sách liệu có hợp lý, trong khi điều này không thuộc một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản được ghi rõ trong Điều 10 Luật Xuất bản?

- Tôi không đề nghị hay yêu cầu Cục Xuất ngừng xuất bản cuốn sách, tôi chỉ nêu lên những kiến nghị của mình để Cục Xuất bản xem xét dựa vào những điều tôi đã nêu ra. Tôi cho rằng cuốn sách đang tuyên truyền một thứ văn hóa rất xấu cho cộng đồng, như vượt biên, cư trú bất hợp pháp, lao động trái phép, trốn vé, giả mạo giấy tờ.

<?> Việc dừng xuất bản hay thu hồi một cuốn sách không hề đơn giản, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Khi làm đơn kiến nghị, anh có nghĩ đến trường hợp kết quả sẽ không được như mình mong muốn?

- Mình tin vào công lý và sự thực, mình đã đưa ra những lập luận chặt chẽ. Mình đã làm gì, mình có niềm tin. Mình đang thấy nhiều báo ủng hộ, mình tin có dấu hiệu khả quan tích cực. Điều mình mong muốn hơn cả khi làm việc này đó là chấm dứt những lùm xùm xung quanh chuyện này. Mấy ngày nay, mình đã váng đầu vì những phát sinh từ việc này. Mình hy vọng công chúng sẽ sớm được biết đâu là sự thật. Nếu trong trường hợp kết quả không được như mình muốn, mình cũng không khẳng định mình sẽ theo đến cùng. Đầu tháng 10 mình có một dự án lớn và mình rất bận.

- Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!
Điều 10 Luật Xuất bản quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản là:

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.

4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
(Theo Lao động) BBH
Tựa của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét