Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

15:30

 Cần đánh giá lại chính sách quản lý vàng

Cần đánh giá lại chính sách quản lý vàng

Vàng trong nước và quốc tế đang có sự chênh lệch lớn về giá.


Thị trường vàng đang có 2 “ngã rẽ”. Một bên là lối đi cho vàng miếng và một bên là của vàng trang sức. Tuy nhiên, dù là bên nào thì trong thời gian qua cũng đã có nhiều ý kiến không thỏa mãn về cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường vàng.

Vàng trang sức: Cửa không đóng nhưng then vẫn cài

Theo thông tin từ NHNN, đã có 2 DN là Cty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Cty TNHH MTV vàng bạc đá quý Agribank TPHCM đã được NHNN cấp giấy phép NK vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang. Về số lượng nhập thì các đơn vị mới chỉ xin nhập số lượng ít, mỗi đơn vị khoảng vài chục kilôgram vàng. 

Theo một lãnh đạo của NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, sau khi DN NK xong, cơ quan này cũng sẽ có nhiệm vụ kiểm tra xem DN có dùng vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang hay không. NHNN sẽ giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng bằng cách kiểm tra thực tế sản phẩm vàng nữ trang phải được DN sản xuất chính từ lô vàng NK, sau đó mới cấp phép cho DN NK lô vàng tiếp theo... 

Tuy nhiên, điều mà giới kinh doanh vàng trang sức băn khoăn là NHNN chỉ cho phép NK vàng nguyên liệu đối với DN đủ điều kiện (thường là DN lớn). Sau khi NK, các DN này lại không được phép bán lại vàng nguyên liệu cho DN khác. Như thế, các DN còn lại vẫn đang không biết sẽ mua vàng nguyên liệu từ đâu? 

Dù Nghị định 24 không “khóa” vàng trang sức, thậm chí còn khuyến khích, nhưng thực tế, không được NK vàng nguyên liệu, DN phải mua trôi nổi trên thị trường, chẳng khác gì cửa không đóng, nhưng then vẫn cài. 

Cái hại của việc mua trôi nổi là không ổn định nguồn nguyên liệu; không tính toán được hiệu quả vì giá vàng trôi nổi cao hơn nhiều giá quốc tế, hơn nữa, Việt Nam không phải chỉ vàng trôi nổi, mà vàng “chính thống” cũng cao hơn giá thế giới rất nhiều. Đấy là chưa kể rủi ro cao hơn là vàng thật, vàng giả. Chính từ tác hại của mua vàng trôi nổi nên khiến DN kinh doanh vàng trang sức gặp khó khăn. 

Lo ngại với chính sách quản lý

“Việc quản lý thị trường vàng còn chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá quốc tế. 

Sự chênh lệch này có thể kích hoạt các hoạt động nhập lậu vàng do giới đầu cơ có thể chuyển hóa vàng nhập lậu sang vàng nữ trang trong bối cảnh nhu cầu vàng còn lớn, một phần do nền kinh tế còn bất ổn và do vậy vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn để DN hay người dân bảo toàn vốn và cất giữ giá trị”, đây là một trong những ý kiến đánh giá của Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội về chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua vừa được công bố. 

Theo đánh giá của UBKT, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến kết quả thực hiện Nghị định 24 cũng như việc các NHTM đã tất toán trạng thái huy động vàng theo thời hạn đặt ra là ngày 30.6.2013, hay kết quả của việc thực sự bóc tách hoàn toàn vốn vàng cùng những xáo trộn, rủi ro của nó khỏi hệ thống NH, đồng thời giúp nâng cao hiệu lực của chính sách tiền tệ. 

Việc NHNN tiếp tục các phiên đấu thầu vàng ngay cả khi thời hạn tất toán cho các NHTM đã qua cũng đặt ra những câu hỏi về nhu cầu thực sự đối với vàng cũng như khả năng duy trì nguồn cung của NHNN trong trung và dài hạn. Với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc NHNN độc quyền NK vàng và cung ứng cho thị trường gây ra mối quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng, do phải sử dụng để NK vàng cùng các hệ lụy khác. 

Bên cạnh đó, UBKT của Quốc hội cũng lo ngại các chức năng quản lý, giám sát thị trường vàng và trực tiếp kinh doanh vàng còn chưa được tách bạch rõ ràng. Việc điều tiết thông qua những áp chế hành chính có thể đạt được một số mục tiêu nhất định trong ngắn hạn, song có thể có những hệ lụy trong trung đến dài hạn. 

Nếu chính sách độc quyền còn kéo dài, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được tuân thủ đầy đủ thì rủi ro sẽ bị dồn nén và có thể sẽ bùng phát khi vượt qua một ngưỡng nhất định. Ngoài ra, việc quản lý thị trường vàng còn chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá quốc tế. 

Bởi vậy, theo quan điểm của UBKT thì hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay cần được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá lại kỹ lưỡng hơn để có thể có những điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm hướng tới một thị trường vàng hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo đại diện Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM, việc Chính phủ ra Nghị định 24 siết chặt lại sản xuất vàng miếng là đúng đắn, nhưng nếu vậy, phải mở ra con đường sản xuất vàng trang sức cho DN. Muốn thắt bên này phải mở bên kia, mà phải mở ra đường lớn, một “đại lộ” chứ không phải “ngõ nhỏ”. 

Nếu không giải quyết sớm bài toán nguyên liệu, thì ngành sản xuất nữ trang chỉ có thể, hoặc là đành phải sản xuất bằng vàng không rõ nguồn gốc, hoặc là thu hẹp sản xuất, mất thị phần xuất khẩu, đồng thời nhường luôn thị trường trong nước cho vàng nữ trang từ Trung Quốc. Và một điều đáng báo động hiện nay là hàng Trung Quốc đang làm chủ thị trường về sản phẩm vàng trang sức, nữ trang.

(Theo Lao Động) Bảo Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét