Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

14:04

Cái tôi nghệ sĩ và trách nhiệm xã hội

 (HNM) - Cuối tuần trước, Hà Nội mới nhận được bài viết của bà Phạm Hồng Thắm (con gái nhà viết kịch Lộng Chương). Tác giả đặt cho nó tựa đề "Chốn đam mê của những người lãng mạn".

Đó là một bài viết nhỏ về đời sống văn nghệ cách nay bốn - năm chục năm, thông qua câu chuyện giản dị thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ, tình yêu nghệ thuật và thái độ làm nghề đúng đắn. Tiếc là, vì lý do khách quan mà chúng tôi chưa thể sớm giới thiệu bài viết của bà Phạm Hồng Thắm. Nói tiếc là bởi câu chuyện ấy, dù không to tát nhưng xứng đáng được giới thiệu rộng rãi trong bối cảnh nghệ thuật đích thực đang có sự chậm lại, đúng hơn là "kín tiếng", và bởi vậy, sức phản kháng đã yếu đi phần nào dù đang bị bủa vây bởi vô số yếu tố phi nghệ thuật nhưng được coi là hiện thân của nghệ thuật.

Mới ít ngày trước, trong bài viết đăng trên một trang điện tử, một tác giả đã sử dụng hình ảnh chiếc kiềng ba chân (Chân - Thiện - Mỹ), giờ chỉ còn một. Nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, liệu có thể diễn dịch ý tứ của người viết một chút, rằng, lúc này, trong bối cảnh một phần (chỉ là một phần thôi) của nghệ thuật đã được "đưa ra chợ" (từ dùng của nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về "hiện tượng" Đàm Vĩnh Hưng khi anh này có lời khó nghe với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9), cái phần ấy đã không còn là nghệ thuật đúng nghĩa như ta vẫn hiểu và hằng mong muốn?


Nghệ thuật và giải trí giờ không còn chịu khó song hành nữa. Người làm nghệ thuật có lương tâm, đứng đắn, rõ trách nhiệm xã hội có vẻ như không muốn cùng hàng với một phần của giải trí - địa hạt đang ngày một rõ sự nhiễu nhương. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, như người ta nói là không muốn một số ca sĩ thể hiện ca khúc của ông. Đó là sự thể hiện cái tôi cá nhân nhưng cũng là thể hiện trách nhiệm của người làm nghệ thuật - trách nhiệm với mình và với xã hội - khi có người hát sai nhạc của ông hay đơn giản chỉ là không đủ tầm chuyển tải tinh thần của tác phẩm.

Nhiều người lo ngại trước thực trạng của làng giải trí hiện nay, không chỉ vì nơi ấy có quá nhiều người tự tin khoác áo nghệ thuật dù hầu như không giúp gì cho nghệ thuật, thậm chí còn ra tay phá, mà còn vì ở đó có quá nhiều sự ồn ào, xô bồ gây hại cho cộng đồng. Tuy thế, ít người trong nghề đối mặt trực diện với hệ lụy từ mặt trái của cái gọi là "nghệ thuật giải trí" như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một số giữ cho riêng mình thái độ lo ngại, tỏ ra không chấp, xa lánh hoặc thờ ơ. Sự phản kháng ít mạnh mẽ là một phần nguyên nhân khiến cho sự xâm lấn của những yếu tố phi nghệ thuật đối với nghệ thuật ngày một dữ dội hơn. Chỉ vài năm trở lại đây, cái phổ biến trong dòng thời sự liên quan đến "khu vực giáp ranh nghệ thuật" là làn sóng cởi đồ, khoe thân của nhóm người thích nhân danh nghệ thuật, là sự ồn ào quá mức từ một số tác giả - tác phẩm - nghệ sĩ như muốn lái nghệ thuật và giải trí sang hướng "rẻ tiền hóa", sử dụng nó cho mục tiêu duy nhất là kiếm thật nhiều tiền và được nhiều người biết đến, bất chấp hậu quả xấu. Ngọc Trinh được phong mỹ từ "nữ hoàng" nhờ giỏi khoe thân trong bộ đồ lót. Phương Trinh nổi tiếng không vì lý do nào khác ngoài tài khoe thân thể. Điện ảnh thiếu đề tài lớn lao, sa đà trong những bi, hài, ma mãnh, tình - tiền ngay cả khi được sản xuất riêng cho dịp tết cổ truyền, cốt sao có doanh thu khá. Nhiều người mong ước một vai nhỏ trong phim truyền hình, tìm nhiều cách để có được một danh hiệu hoa khôi nào đó, bất kể là từ cuộc thi sắc đẹp thuộc dạng "ao làng", lấy đó làm điểm tựa cho "hành trang nghệ thuật" mà đích đến sặc mùi tiền bạc và "đại gia".

Tài cán có bấy nhiêu mà nay khoe xe tiền tỷ, mai khoe nhà triệu đô, như chiếc đầu tàu kéo theo làn sóng xâm nhập lãnh địa nghệ thuật của những mẫu hình kiểu "bà Tưng" - thứ thảm họa tiềm tàng trong đời sống văn hóa nghệ thuật…

Cái tôi cá nhân đang được thể hiện rõ ràng trong văn học nghệ thuật và đời sống xã hội hiện nay, không có nhiều rào cản, như cái cách mà lớp văn sĩ 8X và trẻ hơn nữa đang thể hiện trong truyện ngắn, tác phẩm điện ảnh - truyền hình... Thể hiện cái tôi trong nghệ thuật là chuyện bình thường, nhưng cái tôi bản thể được giải phóng, sự sáng tạo đa dạng phải đi liền với câu hỏi về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghệ thuật, như nhận xét của M.Bakhtin - nhà nghiên cứu khoa học xã hội dưới thời Liên Xô cũ, nổi tiếng với những tác phẩm về mỹ học, triết học, thì "khi cá nhân dấn thân vào nghệ thuật thì nó vắng mặt trong đời sống, và ngược lại". Tuy thế, M.Bakhtin cũng viết: "Đời sống và nghệ thuật, không chỉ nên chịu trách nhiệm với nhau mà còn phải gánh chịu trách nhiệm về lỗi lầm. Nhà thơ phải biết, đời sống tầm thường, nhạt nhẽo là do lỗi của thơ của anh ta; mà con người của đời sống cũng phải biết, nghệ thuật vô tích sự là do lỗi ở chỗ anh ta thiếu đòi hỏi nghiêm khắc và thái độ nhận chân đối với các vấn đề của đời sống".

Cái lỗi lầm ở đây, lúc này, trước sự nhiễu nhương, phải chăng còn là sự thờ ơ, ngộ nhận về giá trị chân - thiện - mỹ từ phía đối tượng thụ hưởng văn hóa nghệ thuật, là sự vào hùa, vô tình hay hữu ý cổ xúy cho xu hướng "thương mại hóa" cùng những hành vi phản nghệ thuật, như đã thấy qua các diễn đàn trên mạng xã hội gần đây?

Tuần trước, ở Hà Nội diễn ra liên hoan tác phẩm của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Đó là một sự kiện sân khấu có giá trị dẫn dắt, không chỉ đối với sự đón nhận của người xem mà còn đối với giới nghề trong việc làm nghề và trách nhiệm đối với nghệ thuật. Từ liên hoan ấy và hiệu ứng từ nó, có thể bác bỏ quan điểm rằng khán giả thờ ơ với sân khấu, chính kịch không còn đất sống. Cũng có thể đặt câu hỏi rằng, vì sao những tác phẩm ra đời đã lâu, đã được công diễn rất nhiều lần mà nay vẫn còn sức hút lớn đến thế? Có phải là do những tác phẩm ấy đến đúng vào lúc người xem đã bội thực với những màn diễn nhạt nhẽo, "cười là chính", xem xong là quên, bắt đầu thấy nhớ những tác phẩm có tính khái quát vấn đề xã hội đặt ra, những vở diễn nghiêm túc mà vẫn cuốn hút?

Câu chuyện của chính kịch chỉ là một phần nhỏ trong những điều đáng quan tâm của văn hóa nghệ thuật hiện nay. Đã 70 năm trôi qua kể từ khi Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, ra đời. Cũng đã qua 15 năm kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đó là những văn bản có ý nghĩa chiến lược về đường hướng phát triển văn hóa của Đảng mà ở đó, ba phương châm "Dân tộc, khoa học và đại chúng", năm quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay, qua thời gian, về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Hơn nửa thế kỷ qua, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có bước phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, có đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giờ đây, trước tình hình mới, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, quan điểm chiến lược về xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc càng rõ ý nghĩa đúng đắn hơn bao giờ hết. Định hướng đúng cần có giải pháp đúng, cần có những người biết đề cao trách nhiệm thực hiện phần việc được giao, cần có vai trò hỗ trợ tương xứng của truyền thông, và cần sự hưởng ứng đúng mực của cộng đồng. Bài toán không dễ giải nếu mỗi người, dù là giỏi đến đâu, không xác định rõ quyền cá nhân và trách nhiệm xã hội.

Vì vậy nói cho cùng, dù là nghệ thuật với những chân trời tự do của cái tôi bản ngã thì mỗi nghệ sĩ, hay chỉ là nhân danh nghệ sĩ, phải hiểu rằng trước hết mình là con người xã hội, mình là công dân của một quốc gia. Ngay cả khi họ là công dân toàn cầu cũng vậy. Mà là một công dân thì họ phải có trách nhiệm xã hội, và đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm trước những sản phẩm mà họ sinh ra gây tác động xấu cho xã hội.
(Theo Hà Nội mới) Lê Trần Vân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét