Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

12:23

Có nhiều thứ còn 'xấu hơn nợ xấu'

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, còn nhiều thứ khác xấu hơn hoặc ít nhất cũng xấu bằng nợ xấu.

Từng thẳng thắn cho rằng “hiện nay có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu” tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013, đến mùa thu này Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tái khẳng định: nền kinh tế xuống đến đáy và nằm bẹp yên ở đó.

Điều mà ông Thiên cho là xấu hơn cả nợ xấu đó là quá nhiều doanh nghiệp - lực lượng chủ lực của tăng trưởng - đã “chết”. 

Hiện tượng số doanh nghiệp chết hàng loạt của quý I năm nay ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới không được coi là sự bù đắp bình thường và độ chênh lệch của hai số liệu này thường ở khoảng 10.000, nghiêng về số doanh nghiệp mới.

Cần phải lưu ý rằng, số doanh nghiệp chết và đang chết thuộc nhóm căn bản: đã dày dạn trên thương trường, có kinh nghiệm kinh doanh, có sản phẩm trên thị trường và có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế; ngược lại, nhóm các doanh nghiệp mới thành lập thực tế chỉ là con số trên giấy, mọi thứ đều ở vạch xuất phát.
 Bóc mẽ những thứ 'xấu hơn nợ xấu'
Bàn quá nhiều chuyện lỗ, lãi, Petrolimex dọa sẽ rút vốn (Ảnh minh họa internet) 

Còn nhiều thứ khác, theo Viện trưởng Thiên là xấu hơn hoặc ít nhất cũng xấu bằng nợ xấu, trong đó có tồn kho bất động sản.

Có lẽ cũng chính những ‘điểm xấu’ này đẩy doanh nghiệp tới cơn bĩ cực, để rồi các tập đoàn kinh tế tạo một ‘phong trào’ dỗi với Nhà nước, dọa ngừng kinh doanh!?

Mở đầu là Petrolimex. Nhắc đến xăng dầu Việt Nam tất nhiên phải nhắc đến Petrolimex, doanh nghiệp chiếm trên 50% thị phần xăng dầu cả nước. Mặc dù lợi nhuận lớn khi được hưởng chênh lệch từ giá xăng trong nước với thế giới, được thống lĩnh thị trường là vậy nhưng ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi.

Lý do cũng là vì câu chuyện lỗ, lãi được giới báo chí, chuyên gia quan tâm và phân tích nhiều. Chính vì thế ông Năm hờn dỗi: Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích.

Tiếp đến là ngành cafe. Vì chuyện chậm hoàn thuế VAT, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản Packsimex, TP.HCM bức xúc: “Nếu công ty chúng tôi không được giải quyết hoàn thuế thì ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ gửi công văn lên bộ Công thương, Thành uỷ, UBND TP.HCM, tổng cục Thuế xin ngưng xuất khẩu cafe, đồng thời thực hiện biện pháp giảm người, đẩy lao động ra đường”.

Còn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng ‘dằn mặt’ cả nhà nước lẫn người nông dân để hòng hạ giá thấp xuống. Rồi đến các doanh nghiệp khai thác vàng cũng dọa sẽ đóng cửa nếu Bộ Tài chính cứ đòi thu thuế tài nguyên mức cao.

Có lẽ cũng chính vì sự hờn dỗi của các doanh nghiệp nên nhận định “có những thứ xấu hơn cả nợ xấu” của TS Thiên từ mùa trước, đến mùa này vẫn không khá hơn.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu đang diễn ra, TS Trần Đình Thiên, nhận xét: “5 năm kể từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi.

Nhưng VN không nằm trong quỹ đạo đó: hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại”.

Nhìn nhận tình hình kinh tế năm 2013, ông Thiên cho rằng “các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn các năm trước”. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng chỉ 6,5%; thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy; đầu tư xã hội thấp (30% GDP); gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa (tương đương mức của năm trước, nhưng lại là những doanh nghiệp có thực lực bị chết).

TS Thiên cũng thẳng thắn: Cầu rất yếu (tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% cùng kỳ 2012)…

Trong khi đó, vẫn theo ông Thiên, những “điểm đen” của nền kinh tế như tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo ngân hàng “vẫn còn nguyên”, các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn nằm trên giấy và “y nguyên yếu kém”... “Vẫn chưa nhúc nhích tái cơ cấu thì triển vọng cho những năm sau cũng chưa thấy gì. Nền kinh tế xuống đáy và nằm bẹp ở đấy”, ông Thiên nói.

Theo Phương Nguyên/ Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét