Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

10:07

Ném đá ao bèo
(PetroTimes) - Tìm ao bèo tấm ở Hà Nội không khó, khi mà Hà Nội mở rộng tới nhiều vùng thôn quê. Nhưng hiện tượng “mở chiến dịch” phát động nhiều đợt “ra quân” dẹp trật tự ở ngay nội thành, sau đó tình hình đâu lại vào đấy đã khiến nhiều người nhận ra, thủ đô to thứ 9 thế giới “ra quân” chẳng khác gì hình ảnh ném đá ao bèo tấm. Đúng thế! Đâu lại đóng đấy.
Đơn cử như đường Hoàng Hoa Thám, phố Hòe Nhai, đường ven Hồ Tây, đường 32… Nào quận, nào phường mở hết đợt này đến đợt khác… vẫn mất trật tự, vẫn nhốn nháo. Đến nỗi các chủ quán, chủ nhà hàng, dân chợ cóc thấy nhàm.
Một ông cụ ở làng Trích Sài, quận Tây Hồ nói, khi chưa có đường ven Hồ Tây, nhìn quanh hồ chỉ thấy cọc tre, chuồng lợn, tưởng thế là nhếch nhác. Nhưng hóa ra hồ sạch, bởi chất thải chăn nuôi đổ ra là chất hữu cơ, có khi cá còn ăn tốt. Bây giờ hàng trăm tỉ của Nhà nước đổ ra, người dân trông đường sá thoáng đãng nhưng Hồ Tây vẫn đang bị bức tử.
Hàng chục quán bia, quán rửa xe máy, quán hải sản ở ven hồ song song đường Thụy Khuê, hằng ngày thải dầu mỡ, chất tẩy rửa bát đĩa, lau sàn, rác rưởi, tất cả được tuôn xuống nước… chất vô cơ độc hại ấy đang làm hồ bẩn mà chết dần.
Đường ven hồ bây giờ đã bong tróc, khấp khểnh, hầu hết nắp cống đều tạo ra các cú vấp nảy người. 70% nắp cống ở đây làm qua loa đại khái. Đường thì làm được mà cái nắp cống không làm được, ngành giao thông Hà Nội có thấy không?
 
Hồ Tây sắp thành hồ… bẩn nhất HN
Hai bên vỉa hè đường ven Hồ Tây dành cho người đi bộ và dạo chơi nhưng đã bị chiếm dụng hết để bán hàng và làm các loại dịch vụ. Tối đến, các chủ hàng ăn uống hải sản, giải khát còn phân tranh lãnh địa, trải chiếu và kê bàn ghế nhựa kín hết lối đi. Lại còn nạn câu và đánh bắt cá trộm. Xung quanh hồ lúc nào cũng có dăm bảy chục người câu và đánh lưới, mặc dù có mấy chiếc xuồng máy vẫn lượn suốt ngày đêm trên mặt hồ để giữ cá. Từ con cá rô, cá diếc bằng 2 ngón tay đến những con cá chép, cá trắm cỡ 2-3kg được câu và bắt bằng lưới, bày bán công khai ở ven hồ. Xuồng máy lượn vào cách bờ chừng vài ba chục mét thì bị người câu đứng trên bờ ném gạch đá đuổi đi. Người đi đường sợ nhất những người câu cá bằng cách văng chùm lưỡi câu kèm theo nắm mồi to bằng quả trứng vịt. Họ dùng đoạn gậy tre dài 2-3m, lấy đà văng lưỡi câu ra xa 4-5 chục mét, tiếng vun vút xé gió khiến người qua lại hú vía, phải tránh xa, sợ lưỡi câu móc vào mắt. Thỉnh thoảng có một đợt tuần tra, truy quét của công an phường và dân phòng, đường ven hồ lập lại được trật tự dăm bữa, nửa tháng. Hết đợt tuần tra, truy quét thì những cảnh chướng tai, gai mắt lại diễn ra.
Tại sao lại như vậy? Khó khăn gì? Lý giải điều này thì chỉ các chủ hộ cho thuê nhà hàng mới biết. Xây dựng nên đường phố rồi thì quận, phường, các ngành vẫn quản, nhưng chỉ quản bằng lệ nên luật không nghiêm.
Dễ gì mà được phường, quận cho kinh doanh đâu! Các nhà hàng đều có người “giúp đỡ”, không chỉ một “ông”. Nào công thương, nào giao thông, nào môi trường, nào an ninh, đủ mặt hết. Nhiều ngành quản nên không ai chịu trách nhiệm đến cùng, gây hậu quả tai tiếng cho thành phố.
Những người câu và đánh cá trộm tiết lộ rằng, thỉnh thoảng họ “bồi dưỡng” cho nhân viên quản lý hồ 100 nghìn đồng nên cứ buông lưới thả câu vô tư. Ước tính mỗi ngày Hồ Tây cũng mất đi mấy tạ cá do nạn câu và đánh lưới trộm ấy.
Chừng nào các ngành trong quận, phường còn “ngơ” luật mà “trọng” lệ thì trật tự vẫn bị coi nhẹ, đâu vẫn đóng đấy là vậy.
Trên các tuyến phố thì người dân nói trắng ra rằng: Làm nghiêm thì lấy đâu thu nhập. Vẫn biến vỉa hè thành nơi trông giữ xe, vẫn cho chất thải đổ ra đường, ra hồ, vẫn cho nhà hàng kinh doanh trên hè phố, vẫn muốn có tiền cho dân phòng, công an viên trang trải… thì không ai dại gì làm nghiêm cả.
Vấn đề ở chỗ, cấp có thẩm quyền có thực sự muốn giữ gìn trật tự đô thị hay không? Có ngại va chạm hay không? Có đội ngũ cán bộ gương mẫu, thấy “lệ” không tham, thấy vi phạm luật mà lòng đau như thắt hay không?
Suy cho cùng là sự liêm khiết của cán bộ, sự gương mẫu của cấp trên. Một cán bộ phường không dám nặng tay với các vụ vi phạm, vì biết rõ cửa hàng đó là chỗ “làm ăn, chia chác, có cổ phần” của cấp trên thì… chẳng dại!
 
Các hàng nước thải rác trưc tiếp xuống lòng hồ
Bán rong, chiếm dụng vỉa hè đã trở thành chuyện thường ngày… ở quận
Các đợt ra quân, chiến dịch, có kinh phí chi đến cả việc mua cán cờ, cấp xăng xe cho người diễu hành, lại có suất ăn trưa… thì tội gì không khua chiêng đánh trống, bắc loa khí thế một tí. Sau đợt ra quân mà động đâu chạm đó, “không phải đầu thì phải tai”… lại chẳng có bồi dưỡng, thù lao thì chẳng dại mà làm! Trên quyết dưới liệt mà!
Dân các tỉnh bạn có dịp về Hà Nội hay phàn nàn nhiều điều khó coi của người Hà Nội. Nhưng cũng phải nói rằng, tỷ lệ người sinh sống ở Hà Nội bây giờ đa số lại từ các tỉnh nhập cư. Hiện tại có hơn 2 triệu dân không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội. Phong cách, lối sống tứ xứ được du nhập về Hà Nội nên nếu chê trách Hà Nội nói chung thì cũng có phần oan cho những người Hà Nội gốc.
Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là thời điểm khách trong nước và nước ngoài đến thủ đô nhiều nhất. Cái hay, cái dở đều được phơi bày. Ngay ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm, những ngày ấy tràn ngập rác thải. Hằng ngày, công nhân vệ sinh môi trường thu gom quét dọn mấy lần cũng không xuể. Ai vứt rác ra đường? Có cả người Hà Nội và khách tham quan! Nhưng tại sao những người sống ở Hà Nội, thủ đô của văn minh hiện đại mà vô ý thức như vậy? Trách gì những người ở nơi khác vãng lai!
Một hình ảnh phổ biến ở ngay những phố chính của trung tâm thủ đô mà người qua đường dễ bắt gặp: những cô gái mặt hoa, da phấn, ăn uống xong, mang ngay giấy gói bánh kẹo và vỏ hoa quả ném ra vỉa hè, lòng đường. Rồi để chống bụi bay vào nhà, có người cứ thản nhiên đứng trước cửa hắt mấy chậu nước ra vỉa hè, bắn tung tóe vào người qua lại. Ai có ý kiến gì là họ sẵn sàng to tiếng xỉ vả. Họ không nghĩ được rằng, vỉa hè, lòng đường là nơi công cộng nhưng là cảnh quan đô thị, cũng là cảnh quan ngay trước mặt nhà họ. Còn những người bán hàng, cứ thấy người có dáng vẻ tỉnh lẻ bước vào là ném ra cái nhìn soi mói, khinh rẻ. Có người còn hỏi ngay: “Có tiền không mà xem những đồ này?”. Khách trả giá rẻ một tý là lên giọng kẻ cả, mắng xơi xơi vào mặt người ta rồi đuổi đi. Thế có còn đáng mang danh người Hà Nội?
Ở các ngõ ngách, chuyện cãi cọ, chửi nhau diễn ra như cơm bữa chỉ vì nhà này vứt rác ra trước cửa nhà kia, để chó mèo phóng uế bừa bãi. Và đến những cuộc họp tổ dân cư, những chuyện quá vặt vãnh như thế đôi khi lại trở thành nội dung chính, chiếm gần hết thời gian họp.
Sự xô bồ, thiếu trách nhiệm, sống ích kỷ đã trở thành thói quen và nếp sống của nhiều người sinh sống tại Hà Nội mà các nhà chức trách ở khu phố, xã phường không thể khắc phục nổi.
Phải chăng, cán bộ cấp quận, huyện, xã, phường nghĩ rằng: Sự nghiệp của thành phố còn dài lâu, nhiệm kỳ của cán bộ thì có hạn nên tốt hơn hết là cứ “phát động”, “ra quân”, còn nó có động, có chuyển hay không thì lâu nay đã quá rõ. Muốn mạnh tay xử lý cái gì cũng ngại va chạm. Vì thế mà rất nhiều việc cứ như “ném đá ao bèo” vậy.
(Theo Năng lượng mới) Trần Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét