Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

15:45


Nơi lãng phí nhất:
Chủ trương đầu tư
Sau hơn nửa tháng làm việc (từ 9 đến 24-9) với tinh thần khẩn trương và đầy trách nhiệm, ngày 24-9, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức bế mạc.

 

Nhiều dự án bất động sản "đắp chiếu”
Ảnh: VĂN PHÚC

Trong ngày làm việc cuối cùng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công; và dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Trả lời các câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên quan đến các nội dung trong Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: "Lãng phí nhất vẫn là chủ trương đầu tư”.

Tỉnh miền núi mà xây đường to 60-70m

Ngay sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: "Điều tôi quan tâm là công tác đấu thầu chỉ một giá. Trúng thầu bao nhiêu thì trả thầu bấy nhiêu. Vậy điều kiện để thực hiện thế nào". Theo Chủ tịch Quốc hội, bây giờ đang có chuyện trúng thầu 100 tỷ, lúc thanh toán vài trăm tỷ là chuyện bình thường. Thông lệ quốc tế thì không có, còn ta thì cứ làm. "Các yếu tố rủi ro như thiên tai, lũ lụt tức là "trời đánh” thì mình chấp nhận điều chỉnh, chứ nguyên nhân từ con người thì phải tính vào rủi ro. Nếu không làm thì không có cách gì để chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư. Nguyên tắc là không điều chỉnh, mà chỉ điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng”-Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ. 

Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, về đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chỉ đạo ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, tránh việc chờ để chỉnh sửa. Theo ông Vinh, khi đưa ra luật sẽ tránh tình trạng bố trí tràn lan dàn trải. Bộ có thẩm tra, thẩm định, nếu không cho phép thì các tỉnh không được làm. "Lãng phí nhất chính là chủ trương đầu tư. Thủ tướng đã nói tại sao tỉnh miền núi mà đường to 60-70 m? Lãng phí vô cùng. Ai quyết định chủ trương đầu tư? Chủ tịch các tỉnh không biết có bao nhiêu tiền trong túi mà cứ làm tràn lan. Chính vì vậy, bây giờ sẽ xác định người nào sai thì sẽ bị xử lý. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án rồi đi chạy. Trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ có thẩm tra, thẩm định. Nếu không cho phép thì các tỉnh không được làm”- ông Vinh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì đặt vấn đề: Tình trạng đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý tại các địa phương, kéo dài thời gian thực hiện dự án, để chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện dự án thì khi luật này ra đời sẽ góp phần hạn chế ở mức nào?

Doanh nghiệp nhà nước bị điều chỉnh ở luật khác

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đặt vấn đề, luật chỉ xây dựng vốn quản lý nhà nước, tài sản công, đầu tư không vì mục đích lợi nhuận, vậy dự thảo có đảm bảo như định hướng đó không? "Tôi đọc thấy trong tờ trình của Chính phủ có đầu tư vào các doanh nghiệp không phải của nhà nước. Vậy không rõ là có mục đích không lợi nhuận không?"-ông Lý nêu câu hỏi. Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói: "Đầu tư mà không có lãi thì khó". Ông Phước dẫn chứng rằng: "Ví dụ như chúng ta đầu tư vào Vinasat là có lợi nhuận, nên phải tính đến lợi nhuận. Chương 2, mục 1 về thẩm quyền có Chủ tịch HĐQT, HĐTV là nói đến doanh nghiệp nhà nước, nhưng phần sau không thấy nói đến phần tiền quản lý”.
Sân vận động Hoài Đức được đánh giá phù hợp với nhu cầu của người dân trong khu vực
 Bao giờ SVĐ này của huyện Hoài Đức có dịp "lấp đầy" khán giả?
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh, lúc đầu cơ quan soạn thảo có đề ra là không nhằm mục tiêu kinh doanh. Nhưng xem xét thấy, không có gì không đem lại lợi nhuận cả. Ví dụ như làm đường quốc lộ 1A nhà đầu tư còn thu BOT để đem về lợi nhuận. Do đó, xét cho cùng, không có quy định lợi nhuận nữa, mà chỉ quản lý. Liên quan đến việc đầu tư vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, ông Vinh cho biết: "Chính phủ giao đầu tư vốn cho các doanh nghiệp nhà nước thì không nằm trong sự điều chỉnh của luật này. Mà nằm trong luật sắp tới do Bộ Tài chính sẽ chủ trì soạn thảo”. 

Lấy giá nào để duyệt đầu tư? 

"Quan trọng là hiệu quả khả thi. Quan trọng là giá nào? Lấy giá nào để làm kế hoạch? Lấy giá nào để duyệt đầu tư? Tính toán theo cơ sở nào? Lấy giá nào để trả tiền cho nhà thầu? Lấy giá nào để đánh giá hiệu quả? Tôi đọc chưa thấy đầu tư tính toán trên giá nào" -Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn. 

Chủ tịch Quốc hội nói: "Trong ngân sách trung ương thì trái phiếu nằm đâu? Trong ngân sách địa phương thì trái phiếu nằm ở đâu? Trả nợ thì lấy ngân sách. Trái phiếu thì có lấy vào ngân sách không vì Luật ngân sách hiện hành không nói đến. Khi luật này ban hành thì luật đầu tư công và luật ngân sách kết nối với nhau thế nào? Lúc này là lúc khó khăn thì thái độ của mình như thế nào? Vốn từ ngân sách dùng để đầu tư kết hợp thì lấy vốn như thế nào?”. Theo Chủ tịch Quốc hội, chiến lược thì Quốc hội không duyệt, không thông qua, mà do Thủ tướng. Bây giờ ghi vốn đầu tư lại trình ra Quốc hội. Nếu không đồng ý thì có phải "phá” không? Nếu đồng ý mà mất cân đối thì sao? Vậy mối quan hệ ra sao? Khi có mâu thuẫn thì thẩm quyền bị phân tán, giải quyết thế nào? Còn kế hoạch 5 năm thì sao, khi Quốc hội thông qua ngân sách 1 năm mà không thông qua 5 năm. Vậy có vấn đề gì không? Phải tính tới vốn đầu tư hàng năm, và 5 năm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đầu tư công phải dựa trên quy hoạch chiến lược kinh tế phát triển của địa phương, đất nước có thể hàng năm, hoặc dài hạn. Tuy nhiên, dự thảo mới nói đến trách nhiệm người đầu tư. Vậy căn cứ vào cái gì để mà đầu tư? Theo ông Lưu, luật này cũng phải cân nhắc, để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, phải khắc phục những bất cập, hạn chế, lại không phù hợp với đổi mới. Phải nâng quy định của các bộ, có hiệu quả thì nên luật hóa tránh việc sửa nhiều. Trả lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hứa: "Sẽ tiếp tục rà soát giữa luật này với các luật khác như: xây dựng, ngân sách nhà nước, nợ công”.

Minh bạch trong quản lý dự án đầu tư

Chiều ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí đối với các dự án đầu tư xây dựng cần có các phương thức quản lý khác nhau đối với các dự án có nguồn vốn khác nhau, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng; kiểm soát chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, phê duyệt; tăng cường tính chuyên nghiệp và minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.

(Theo Đại đoàn kết)  Hoài Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét