Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012


 12:01
Chúng tôi và những người ở bên kia chiến tuyến

“Anh cũng là người Việt Nam, anh có quyền tự hào về chiến thắng 30.4, vì đây là chiến thắng của cả dân tộc” - ông đã nói như vậy với người sĩ quan ngụy khi người này bị bắt.
Ông Trần Trọng Duyệt và tấm bản đồ thu được của ngụy quân Sài Gòn.

Gặp lại “cựu giám đốc khách sạn Hilton Hà Nội”

Năm 2008, ông Trần Trọng Duyệt - một đại tá quân đội nghỉ hưu sống ở khu tập thể Hải quân gần cầu Rào - Hải Phòng - “bỗng dưng” nổi tiếng thế giới bởi sự kiện Thượng nghị sĩ John McCain ứng cử tổng thống Mỹ. Trở lại thời điểm ngày 26.10.1967, khi các trận không kích đang diễn ra khốc liệt nhất, máy bay oanh kích A-4E Skyhawk của thiếu tá hải quân McCain bị bắn hạ, ông ta nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Từ đó tới năm 1973, thiếu tá McCain bị quản thúc tại nhà tù Hỏa Lò - “Khách sạn Hilton Hà Nội”.

Giai đoạn này ông Duyệt trực tiếp quản lý gần 500 tù binh Mỹ tới khi họ được trao trả về Mỹ theo Hiệp định Paris. Vào năm 2008 (thời điểm McCain ứng cử tổng thống Hoa Kỳ), có hàng chục phóng viên các hãng thông tấn và báo chí lớn như Reuters, BBC, CNN, AP, New York Times... đến phỏng vấn vị đại tá về hưu này. Trả lời các phóng viên về “tù nhân đặc biệt” John McCain, ông Duyệt chia sẻ: “Tôi đối xử với John McCain cũng giống mọi tù binh khác, không có gì đặc biệt, nhưng tôi gặp và tranh luận với ông ta nhiều hơn vì ông ta có lập trường quan điểm rất cứng rắn, cực đoan, bảo thủ. Chính từ 2 quan điểm khác nhau, nên chúng tôi có nhiều cuộc tranh luận hàng giờ về việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam”.

Năm 2008, có phóng viên phương Tây hỏi ông Duyệt: “Ông từng là chính trị viên ở một đơn vị chiến đấu, sau đó ông lại làm chính trị viên rồi trại trưởng trại tù binh Hỏa Lò. Ông nghĩ về họ như thế nào?”. Không chút do dự, ông Duyệt nói: “Khi với cương vị là chính trị viên  một đơn vị chiến đấu, tôi thường động viên các chiến sĩ hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn. Tuy nhiên, khi làm việc  tại trại tù binh Hỏa Lò, tôi phải động viên anh em nghiêm túc thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước tôi. Những phi công tù binh kia là những người bị bắt trong chiến tranh. Công ước Quốc tế có những quy định cụ thể bảo vệ tù binh, chính vì thế các chiến sĩ không được đánh đập, ngược đãi hay xúc phạm tù binh”.

Chúng ta đều là người Việt Nam

Cuộc đời binh nghiệp của ông Duyệt từ sau Hiệp định Paris đến sau đại thắng mùa xuân 1975 tiếp tục gắn với những cuộc đấu trí với quân ngụy ở vùng giáp ranh và công tác quản lý tù binh. Năm 1974, sau khi hoàn thành việc trao trả tù binh, ông Duyệt được điều động về Sư đoàn 325 đóng ở vùng giáp ranh với địch ở bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), làm nhiệm vụ trực tiếp đối thoại với các sĩ quan ngụy về những xung đột phát sinh trong quá trình quản lý địa bàn giáp ranh.

Ông chia sẻ: “Những ngày đấu tranh ở vùng giáp ranh, chúng tôi cũng tranh thủ làm chính sách địch vận, tuyên truyền với họ về tinh thần dân tộc, chính sách đại đoàn kết toàn dân, phân tích về chiến thắng tất yếu của quân ta. Nhiều ngụy quân Sài Gòn đã bỏ hàng ngũ địch về với ta".

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Duyệt đi cùng các cánh quân, làm nhiệm vụ khai thác thông tin và phân loại tù binh. Khi đến khu tù binh ngụy ở trại Tân Hiệp, một sĩ quan ngụy bỗng chạy ra cúi chào: “Anh Hai có nhận ra em không?”. Thì ra, người này năm 1973, để thi hành Hiệp định Paris, nằm trong phái đoàn ngụy quyền Sài Gòn đi kiểm tra nhà tù Hỏa Lò, nơi ông Duyệt đang làm trại trưởng.

Sau buổi kiểm tra, người này nói riêng với ông Duyệt: “Chúng tôi biết trước sau gì các anh sẽ thắng. Khi đó, rất mong các anh chiếu cố đến tôi”. Năm 1975, nghe lại câu nói của người này giờ đã là tù binh, ông Duyệt động viên: Anh cũng là người Việt Nam, anh có quyền tự hào về chiến thắng 30.4.1975, vì đây là chiến thắng của cả dân tộc”. Nghe câu nói ấy, anh ta ngấn lệ, nắm tay ông thật chặt.

Nói tới các cuộc đối thoại với tù binh Mỹ, ngụy, ông Trần Trọng Duyệt cho rằng, những người lính đó đều có lý tưởng riêng, đặc biệt những người lính ngụy cũng có tinh thần dân tộc, chỉ có điều họ bị chính sách mị dân của chính quyền ngụy đầu độc. Chiến tranh đã qua đi, ngày nay những người từng là lính ngụy ở bên kia chiến tuyến vẫn có quyền tự hào rằng “tôi là người Việt Nam. Chiến thắng 30.4.1975 là chiến thắng của dân tộc chúng tôi”. 
VIÊT HÒA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét