Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012


 21:01
Kinh tế đã chạm đáy nhưng giải pháp chậm và chưa cụ thể

SGTT.VN - Trong năm qua, Nhà nước đã làm gì để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, theo tinh thần của Nghị quyết 11? Và sản xuất đã được thúc đẩy thế nào mà doanh nghiệp lại chết như ngả rạ, con số doanh nghiệp giải thể năm 2011 gấp 10 lần năm 2010. Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành nêu câu hỏi trong hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế - Tìm hướng đi cho doanh nghiệp” do trường Đào tạo doanh nhân PTI tổ chức chiều ngày 22.4 tại Hà Nội.

Sao không hạ lãi suất cho vay?

Theo ông Tuyển, trong tình hình kinh tế thế giới năm 2012 tiếp tục khó khăn, các doanh nghiệp “phải tự cứu lấy mình”.
Cả ông Bùi Kiến Thành và nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đều tỏ ra ngạc nhiên khi lãi suất cho vay chưa được hạ khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã hạ trần từ tháng 3.
Ông Tuyển nói: "Tôi không đồng tình với quan điểm phải có độ trễ, thậm chí đến 6 tháng, rồi mới hạ lãi suất cho vay. Độ trễ chính sách là thời gian đưa ra quyết định cho đến khi có chuyển biến rõ rang trên thị trường. Khi chúng ta thắt chặt tiền tệ thì thị trường giảm sau một thời gian, hay giảm trần lãi suất huy động cho tới khi có tăng trưởng, có hoạt động của doanh nghiệp mới là độ trễ. Do đó, chỉ có thể chấp nhận một vài tuần, tối đa một tháng, lãi suất cho vay phải giảm", ông nói.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, khó khăn tiếp tục trong năm nay của doanh nghiệp vẫn là không tiếp cận được nguồn vốn, một phần do lãi suất lên quá cao. Việc đó không phải chủ trương của Nhà nước, không đưa lên 20-30%, nhưng Nhà nước lại không có giải pháp. Vai trò của Nhà nước ở đâu, khi ngân hàng đưa lãi suất huy động lên 17%, lãi suất cho vay lên 20%. Ở các nước khác không có chuyện đó.
Vì vậy, ông Thành nhận định, việc điều hành lãi suất không phải việc của Ngân hàng trung ương, mà phải là của Nhà nước. Lãi suất cho vay 20% là “vũ khí sát thủ hàng loạt” với các doanh nghiệp. Chúng ta biết là cần phải đưa lãi suất xuống mà không làm? Nhà nước và SBV phải có biện pháp rút xuống, tạo thanh khoản cho ngân hàng thương mại, để lĩnh vực sản xuất kinh doanh vay lãi suất thấp, việc đó cả thế giới đã làm.
Cả ông Thành và ông Tuyển cũng nhất trí về biện pháp, SBV sẽ cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp, rồi các ngân hàng này cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Lãi suất cho vay có thể xuống dưới 10%, khi có tổ chức phối hợp chính sách của SBV và vấn đề quản lý ngân hàng thương mại, chứ không cần chờ trần 12%, ông Thành nói.
Kinh tế đã xuống đáy?
Ông Bùi Kiến Thành tự đặt nghi vấn, GDP hiện tại ở mức 4%, đã chạm đáy rồi, không xuống được nữa, nhưng cũng không đi lên được. Nếu GDP còn xuống nữa thì tình hình kinh tế sẽ ra sao?
Thực tế là doanh nghiệp đang chết, số liệu của VCCI cho thấy, số doanh nghiệp giải thể năm 2011 khoảng 79.800, gấp 10 lần số của năm 2010 là 8.000 doanh nghiệp. Tình hình đó sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội, hàng triệu người lao động thất nghiệp, việc đó chúng ta không thể xem thường. Nếu không có các chính sách xác đáng và lâu dài thì chúng ta cứ chạy theo vòng xoáy lạm phát – đình trệ - lạm phát – đình trệ.
Đáng chú ý, ông Thành nêu băn khoăn, hiện bộ Kế hoạch và đầu tư đang trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế, “năm nay quyết liệt làm”, nhưng câu chuyện đã nói 10 năm nay, đã làm đâu, làm như thế nào? doanh nghiệp có vai trò rất lớn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Đình Tuyển cũng bày tỏ lo ngại về chi phí để tái cấu trúc nền kinh tế, “không đơn giản nhưng phải quyết tâm làm”, và doanh nghiệp phải làm trước.
Theo ông Tuyển, trong tình hình kinh tế thế giới năm 2012 tiếp tục khó khăn, các doanh nghiệp “phải tự cứu lấy mình”. Tái cơ cấu doanh nghiệp phải diễn ra liên tục, vì khoa học công nghệ phát triển nhanh, từ đó tạo nhiều giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chú ý đến khía cạnh, cạnh tranh không phải là để bán cái tốt nhất mà là cái phù hợp nhất với người tiêu dùng, phải tạo sự khác biệt.
Nhìn ở khía cạnh khác, ông Thành đặt nghi vấn, tại sao Nhà nước không tạo chính sách dài hạn cho DN tự phát triển? Vai trò của Nhà nước đang ở đâu? trong khi dùng đến 8 đồng vốn để làm ra một sản phẩm? chỉ số ICOR như thế nào? Tại sao DNNN là chủ đạo của nền kinh tế?
Đưa ra lời khuyên cho các DN, ông Thành cho rằng, trong khi chờ Nhà nước hỗ trợ về giảm thuế, khoanh nợ…, các DN cần có các dự án tốt, khả thi về thị trường tiêu thu, thì sẽ dễ dàng tiếp cận vốn và sử dụng tốt nhất.
Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét