Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012


09:35
Sẽ sửa lại cách tính giá xăng dầu


Như tin đã đưa, theo báo cáo trình Thủ tướng của Bộ Công Thương, hiện chưa có quy định cụ thể để bù đắp lại những chi phí hợp lý cho DN khi tham gia bình ổn giá, dẫn đến số dư quỹ bình ổn của các DN bị âm hơn 2.300 tỉ đồng.

Khoản lỗ kinh doanh xăng dầu của các DN luỹ kế hơn 5.000 tỉ đồng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Trao đổi với báo giới, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận, cách tính giá xăng dầu hiện nay đang bất cập và tới đây sẽ được sửa đổi.

Theo ông Thỏa, Nghị định 84 có 2 vế. Vế thứ nhất là nếu tình hình bình thường, trong 10 ngày giá cơ sở tăng đến 7% thì DN được điều chỉnh giá. Nhưng vế thứ hai cũng rất quan trọng là trong tình hình giá tăng cao, ảnh hưởng kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát thì Nhà nước sẽ can thiệp bằng chính sách. “Từ trước tới nay, chúng ta vẫn thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo Nghị định 84, có điều không trọn vẹn thôi” - ông Thỏa nói. Ông Thỏa cũng cho biết, hiện Thủ tướng đang giao cho 2 bộ, cùng với DN nghiên cứu, sửa đổi, đảm bảo thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn.
Các điều kiện sẽ được tính toán lại cho phù hợp hơn với thực tiễn. Còn giá thì vẫn kiên định giá thị trường. “Những gì Nghị định 84 còn “gợn”, đặc biệt là về giá thì sẽ sửa” - ông Thỏa khẳng định. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ cùng cho ý kiến với Bộ Công Thương và hình thành một tổ ngồi lại với nhau đưa ra các bước sửa đổi cụ thể.

Được biết, Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo trình Thủ tướng việc thực hiện Nghị định 84. Theo bộ này, bất cập lớn nhất của Nghị định 84 chính là việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đã thay đổi chậm hơn so với biến động của giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở là nguyên nhân gây lỗ tích lũy cho doanh nghiệp.

Lý giải cho việc điều chỉnh giá bán lẻ ngày 20.4 vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Thỏa khẳng định, tại ngày tính toán điều chỉnh (tức ngày 20.4), tất cả các loại xăng dầu thành phẩm đều đã tăng so với 30 ngày trước đó và không thể coi việc giá giảm chỉ trong vòng vài ngày để làm căn cứ.
Thêm vào đó, còn cần phải xác định cụ thể từng loại xăng dầu, trong trường hợp này là xăng dầu thành phẩm chứ không tính đến dầu thô. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 84 (tính bình quân 30 ngày), do đó không căn cứ giá tính trong riêng 1 tuần hay 10 ngày. Do đó, với việc điều chỉnh giá lên như vừa rồi thì tại thời điểm điều chỉnh giá DN vẫn có thể hòa vốn. “Đúng là ngày hôm đó điều chỉnh giá lên, tính 30 ngày, bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá thì bù được chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành. Còn lỗ hay lãi nó là câu chuyện sản xuất kinh doanh” - ông Thỏa nói.
Phạm Huệ
Liệu cách quản lý Quỹ bình ổn đã “ổn” chưa khi mà người dân vẫn đóng quỹ đều đều, giá thì vẫn luôn tăng kịp thời khi giá xăng dầu thế giới nhích lên? Phải chăng quỹ này nên đưa về một đầu mối quản lý là Bộ Tài chính. Khi nào giá cần bình ổn thì BTC sẽ tính toán mức bình ổn cụ thể. Nếu cứ để Doanh nghiệp xăng dầu tự thu, tự chi quỹ thì quỹ âm là đương nhiên và cũng khó đạt được mục tiêu bình ổn. Liệu có nên dùng quỹ này để mua xăng dầu vào kho dự trữ quốc gia và dùng nguồn xăng dầu dự trữ để bình ổn thị trường?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét