Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012


17:05

Tranh chấp biển Đông:

Một cây làm chẳng nên non...

TuanVietNamnet- Để có một chiến lược hiệu quả và lâu dài hơn, Philippines cần gắn kết hơn hành động của mình với các nước ASEAN cùng chia sẻ lợi ích chủ quyền và chiến lược.

Philippines lần nữa bày tỏ thái độ quyết liệt của mình tại biển Đông sau các cuộc đụng độ với các tàu Hải Giám của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, vùng mà cả hai nước đều đòi hỏi xác lập chủ quyền. Đây có thể được xem như một trong những vụ va chạm nghiêm trọng nhất giữa hai nước tại vùng biển tranh chấp. Trung Quốc và Philippines không có đụng độ nào đáng chú ý được ghi nhận tại quần đảo Trường Sa cho tới tận năm 1995, khi Trung Quốc xâm chiếm Mischief Reef (Panganiban Reef) và xây dựng một số căn cứ quân sự.
Đụng độ quân sự giữa tàu chiến 2 nước đã xảy ra và thổi bùng nguy cơ chiến tranh trong khu vực. Sau đó, Philippines cũng bắt giữ 4 tàu và 62 ngư dân Trung Quốc tại Half - Moon shoal do xâm phạm chủ quyền và đánh bắt trái phép động vật quý hiếm. Căng thẳng giữa 2 nước lại tăng lên vào năm 1998 khi Trung Quốc đặt phao ở Sabina Shoal (cách Palawan 132 km) với mong muốn mở rộng xa hơn Mischief Reef về phía Đông, nhưng máy bay của Philippines đã bắn chìm các phao này và đến năm 1999, Trung Quốc lại xây dựng thêm các cơ sở trên Mischief Reef.
Mặc dù sau đó có xảy ra một số đụng độ nhỏ giữa Philippines và Trung Quốc nhưng tranh cãi đã giảm bớt. Nguyên nhân của sự ổn định tạm thời tại biển Đông một phần là nhờ DOC (Declaration of Conduct, 2002) và chính sách "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc.
Vụ việc bắt đầu vào ngày 8-4, khi chiến hạm lớn nhất của Philippines là BRP Gregorio del Pilar phát hiện một nhóm 8 tàu đánh cá của Trung Quốc, như theo lời của Bộ ngoại giao Philippines là "đánh bắt trái phép" tại khu vực bãi cạn Panatag (Scarborough). Hai ngày sau, vào ngày 10-4, hải quân Philippines cử binh lính đến khu vực để điều tra. Phía Philippines cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để trao công hàm phản đối việc tàu nghiên cứu Saranggani bị các tàu và máy bay Trung Quốc "quấy rối" cũng tại khu vực đảo này.
Bộ Ngoại giao hai nước đã ra những tuyên bố lên án lẫn nhau. Phía Philippines đã gửi công hàm phản đối lên Đại sứ Trung Quốc tại Manila, trong khi Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình tại đảo Huangyan (Scarborough), kêu gọi Philippines ngừng ngay những hành động làm căng thẳng thêm tình hình. Phía Philippines tuyên bố rút tàu hải quân lớn nhất của mình là BRP Gregorio del Pilar ra khỏi khu vực tranh chấp, đồng thời huy động một tàu tuần duyên khác vào thay thế. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario không giải thích lý do.
Gần đây nhất chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Tây ông Juanche Sabban tuyên bố rằng quân đội nước này sẵn sàng bảo vệ đất nước, nếu có những leo thang quân sự từ phía Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough hay những vùng lãnh thổ tranh chấp khác. Ngoại trưởng Philippines cũng vừa kêu gọi các nước lên tiếng về hành động hung hăng từ phía Trung Quốc.
Những động thái của chính phủ Manila trong các sự kiện gần đây một mặt khẳng định lại lập trường cứng rắn của nước này trước Trung Quốc. Mặt khác, để có một chiến lược hiệu quả và lâu dài hơn, Philippines cần gắn kết hơn hành động của mình với các nước ASEAN cùng chia sẻ lợi ích chủ quyền và chiến lược.
Một là hình thành một mặt trận thống nhất trong khối ASEAN theo nguyên tắc "ba cây chụm lại lên hòn núi cao", để tăng cường tiếng nói ngoại giao. Và việc này chắc chắn Manila phải là nước đầu tiên khẳng định lại quyết tâm của mình sau nhiều lần "xé ráo" trong quá khứ.
"Xé rào" trong việc thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khảo sát địa chấn tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp năm 2004. Hành động này của Manila đã khiến cho các nước khác, đặc biệt là Việt Nam cảm thấy bất ngờ, nó đã khiến cho các nỗ lực tập hợp sức mạnh của các quốc gia ở Đông Nam Á bị khựng lại đột ngột.
"Xé rào" trong việc từ chối tham gia một bản báo cáo chung với Việt NamMalaysia trong việc xác lập thềm lục địa và vùng Đặc Quyền Kinh Tê (EEZ) năm 2009. Không những vậy, Philippines đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLSC) bức thư phản đối quan điểm chung của Việt NamMalaysia. Trong bức thư, Philippines sử dụng những đặc điểm tranh chấp trên đất liền mà bỏ qua thực tế rằng các vùng nước, khu vực biển tranh chấp được cấu thành bởi Trường Sa và Hoàng Sa là không đáng kể.
Chính những "xé rào" này đã tạo lợi thế không nhỏ cho Trung Quốc trong tranh chấp ở biển Đông.
Vấn đề thứ hai mà Manila đang đối mặt chính là nằm trong sức mạnh của lực lượng quốc phòng. Quân đội Philippines, đặc biệt là hải quân, sử dụng những vũ khí lạc hậu và không được nâng cấp cũng như binh lính ít có kinh nghiệm trong việc sử dụng các kỹ năng trên biển. Mãi đến khi các cuộc tranh chấp với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn thì vào năm 2011, chiếc tàu chiến được coi là lớn nhất và hiện đại nhất Philippines BRP Gregorio del Pilar mới được Mỹ chuyển giao cho Manila. Nhưng đây cũng chỉ là chiếc tàu đã qua sử dụng.
Cũng có thông tin rằng Philippines muốn mua máy bay F16 của Mỹ nhưng đã phải hoãn lại cho trình độ công nghệ của Manila không phù hợp. Việc rút tàu chiến BRP Gregorio del Pilar giữa lúc căng thẳng dâng cao ngày 12.04 tuần qua đã đánh một dấu hỏi lớn về khả năng của hải quân Philippines trong việc duy trì năng lực răn đe cũng như đối phó với các mối đe dọa bên ngoài. Với việc rút tàu hải quân, Philippines hiện chỉ còn một tàu tìm kiếm và cứu hộ của lực lượng tuần duyên tại vùng biển tranh chấp.
Gần đây, với việc Mỹ thực hiện chính sách "quay trở lại châu Á", các động thái của Philippines - đồng minh lâu năm của chú Sam tại Đông Nam Á - có vẻ như đã trở nên chủ động và mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, chính sách can dự của Mỹ vẫn đang giử ở mức độ duy trì an ninh và tự do hàng hải, việc can dự để hổ trợ trực tiếp Philippines trong xung đột với Trung Quốc chỉ có thể xảy ra khi hai bên đụng chạm với nhau về quân sự hay vũ trang, điều mà trong bối cảnh biển Đông thời điểm này khó xảy ra.
Không thống nhất về quan điểm EEZ của các vùng đảo tại Trường Sa với các nước ASEAN khác, từ lợi ích của mình Philippines sẽ hạn chế vai trò của Mỹ trong việc can thiệp nếu chính phủ Manila gặp phải những chèn ép về sức mạnh. Khi đó, Bắc Kinh có thể lập luận rằng đây là vùng biển xuất phát từ quy chế pháp lý đảo của Hoàng Sa và Trường Sa không là hải phận quốc tế, vì thế không có lý do nào tạo điều kiên cho một nước bên ngoài như Mỹ can thiệp.
Giải thế cờ khó, Philippines cần nhớ rằng: "Một cây làm chẳng nên non..."
Việt Nam cần làm gì?
Cùng là thành viên trong ASEAN, cùng là hai nước nhỏ hơn, và cùng chịu sức ép cán cân quyền lực chênh lệch với Trung Quốc, nhưng trong bài toán phối hợp-liên kết giữa Việt Nam-Philippines về vấn đề giải quyết tranh chấp tại biển Đông, Việt Nam luôn phải đứng trước một tình thế nan giải.
Một mặt, nếu Manila hòa hoãn và tiến hành hợp tác với Bắc Kinh theo con đường song phương, Việt Nam có khả năng bị ép vào thế "chuyện đã rồi", khi quyền và khu vực khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp đã được hai nước thông qua, dẫn đến nguy cơ trở thành người đến sau "trâu chậm uống nước đục". Gần đây nhất là việc năm 2004, việc Philippine đồng ý ký kết một thòa thuận với Bắc Kinh đề cùng khảo sát địa chấn tại khu vực quần đảo Trường Sa đã khiến Việt Nam miễn cưỡng chấp nhận tham gia "Thỏa thuận ba bên về hợp tác nghiên cứu hải dương một số khu vực của biển Nam Trung Hoa" (JMSU). JMSU kéo dài gần 3 năm, sau đó tuy không được chính phủ Manila gia hạn tiếp, nhưng cũng là một chỉ dấu cho thấy sự không nhất quán trong lập trường liên minh của khối các nước ASEAN.
Mặt khác, trong trường hợp Philippines căng thẳng với Trung Quốc như trong thời điểm hiện nay, Việt Nam cũng sẽ rất khó xử, vì phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Ủng hộ Philippines để phản đối Trung Quốc theo tinh thần liên đới và bảo toàn khối thống nhất các nước ASEAN, Việt Nam có khả năng "tự đá thủng lưới nhà", khi một số quần đảo ở Trường Sa vẫn là chủ đề tranh cãi giữa Hà Nội và Manila.
Cách đây không lâu, Philippines tuyên bố khẳng định chủ quyền và tiến hành xây dựng căn cứ trên đảo đảo Pagasa, tiếng Việt gọi là đảo Thị tứ nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, một hành động dường như thúc đẩy tình hình thêm căng thẳng.
Hơn nữa, nếu Việt Nam không ủng hộ trong lúc Philippines đang đối trọng song phương với Trung Quốc, thì điều đó sẽ dẫn đến nhiều khả năng phía Philippines cũng sẽ lựa chọn một giải pháp "bàng quang" tương tự, khi Việt Nam gặp vấn đề.
Trong bối cảnh lưỡng nan như vậy, lựa chọn chiến lược "pháp lý theo nguyên tắc" và "tiếp cận đa phương" là chìa khóa.
Khoan đề cập đến vấn đề chủ quyền pháp lý và lịch sử các đảo, với tinh thần "cái dễ làm trước", Việt Nam cần xác định lại nguyên tắc về cách hành xử với cả hai đối tác Philippines lẫn Trung Quốc.
Hiện nay, các vùng "chồng lấn" giữa EEZ của các nước ven biển và EEZ của các vùng đảo (nếu được xem là đảo) chính là nguyên nhân dẫn đến việc biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp. Trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLSC), Philippines đã không tham gia chung với Việt Nam và Malaysia để cùng chia sẽ quan điểm các đảo-đá ở khu vực Trường Sa không đủ điều kiện "pháp lý đảo" theo điều 121, khoảng 3 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), và vì vậy không thể sở hữu vùng Đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý (EEZ).
Quan điểm này đi ngược lại với phía Bắc Kinh khi chính thức trình bày "đường lưỡi bò" như một khẳng định chính thức về chủ quyền của mình tại biển Đông, qua đó công nhận ngầm điều kiện "pháp lý đảo" của ở Hoàng Sa- Trường Sa.
Thuyết phục cả Philippines lẫn Trung Quốc đến cùng một quan điểm thống nhất là đều Việt Nam cần làm. Ngay cả khi biết rằng nhiều khả năng Trung Quốc không đồng ý, phía Việt Nam cũng nên đưa vấn đề này ra đa phương với sự tham gia của các nước có liên quan với nhau.
Chèn ép bằng sức mạnh chỉ có thể thành công, khi nước yếu thế hơn phải chịu thế "một chọi một" hoặc đây là cuộc chơi rừng rú với nắm đấm thay vì luật lệ và lý lẽ. Tranh chấp biển Đông hiện nay không phải là một cuộc chơi như vậy, và chắc chắn chúng ta cũng không được phép để cho nó trở thành một cuộc chơi "rừng rú" với nắm đấm và "mạnh được yếu thua".
Nguyễn Chính Tâm
                     Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét