Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012


 10:29
CPI thấp kỷ lục, lo nguy cơ “thiểu phát”?

(CL)-Chỉ tăng 0,05% trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng được đánh giá là mức thấp kỷ lục trong vòng 21 tháng qua. Ý kiến các nhà kinh tế cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ kinh tế rơi vào “thiểu phát”.
Tốc độ CPI qua các tháng( mầu đỏ: Hà Nội, mầu xanh lá cây: TP.HCM, 
đường nối xanh nút vàng: cả nước)

Tổng cục Thống kê chính thức công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 4/2012. Theo đó, mức tăng CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05% so tháng trước và tăng 2,6% so tháng 12/2011. Lũy kế 4 tháng, CPI tăng 14,57% so cùng kỳ năm 2011 và là mức thấp nhất trong suốt 21 tháng qua. Con số này thấp hơn con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu Tư Bùi Quang Vinh đưa ra trước đó vài ngày, ở mức 0,06%. Theo báo cáo công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tiếp đà giảm 0,8% so với tháng 3/2012, trong đó lương thực giảm 1,69%, thực phẩm giảm 0,87%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,44%. Cũng tiếp đà giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%, bưu chính viễn thông giảm 0,01%, giá vàng giảm 3,62% và giá USD giảm 0,07%. Trong khi đó, nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao phải kể đến nhóm giao thông với mức tăng lên tới 2,67%.

Tỏ ra không hề ngạc nhiên về mức tăng thấp kỷ lục của lạm phát tháng 4/2012, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nhóm lương thực – thực phẩm đều giảm mạnh nên chuyện chỉ tăng 0,05% là hoàn toàn hợp lý. Con số CPI tháng 4 đang phản ánh đúng thực tế bức tranh kinh tế. Một điểm đáng chú ý là dù qua 2 đợt tăng giá bán lẻ trong nước, mặt hàng xăng dầu tăng tổng cộng tới 15% nhưng hiệu ứng từ tăng giá xăng dầu lại không hề phản ánh vào chỉ số giá tiêu dùng của cả tháng 3 và 4/2012. “Nếu bình thường mọi năm xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo giá hàng hóa khác tăng, đẩy các hàng hóa khác đi lên, nhưng trong đợt tăng giá lần này, giá xăng dầu tăng không kéo giá các hàng hóa khác không tăng, do tổng cầu sụt giảm, lượng hàng tồn kho lớn. DN đang “bơi” tìm cách tiêu thụ sản phẩm nên họ không thể tăng giá”- ông Ánh bình luận.

Cũng cho rằng, không lo ngại về mức lạm phát cả năm nay, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, mức tăng gần 1.000 đồng/lít xăng sẽ khó phản ánh vào giá do sức mua sụt giảm. “Nếu tăng 10% giá xăng và 5% giá điện thì lạm phát có thể tăng từ 2,3 đến 2,5 điểm phần trăm nếu tổng cầu đối với các mặt hàng khác không đổi. Tuy nhiên, do tổng cầu có thể giảm nên sự lan tỏa sang lạm phát chung không cao đến mức đó”- ông Thành đánh giá.

Nhìn nhận về diễn biến lạm phát cả năm 2012, TS. Ánh bày tỏ: “Nếu tháng 3 chưa biết lạm phát cả năm sẽ thế nào thì từ con số lạm phát tháng 4 công bố hôm nay có thể khẳng định lạm phát cả năm sẽ đạt 1 con số hoàn toàn trong tầm tay”- ông Ánh đánh giá.

Thậm chí, với những diễn biến lạm phát và tổng cầu 2 tháng qua, chuyên gia này tỏ ra lo ngại lạm phát cả năm có thể sẽ xuống quá thấp. Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng nền kinh tế rơi vào “thiểu phát” (tăng thấp) do đình trệ sản xuất, sức mua sụt giảm mạnh. “Không phải mức cung tiền bị hạn chế mà do tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm lại một cách rõ rệt. Nguyên nhân của lạm phát không chỉ do tăng giá nguyên nhiên vật liệu cơ bản như trước đây, mà chủ yếu do tác động của sụt giảm tổng cầu nghiêm trọng. Và giải quyết bài toán thiểu phát này sẽ phức tạp hơn rất nhiều”- ông Ánh nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, tháng 4/2012, chỉ số giá giảm chỉ còn 0,05%. Chỉ số giá giảm không phải do giá giảm mà đời sống khó khăn, người dân không còn tiền để chi tiêu kể cả với những mặt hàng thiết yếu. Như vậy cũng có nghĩa là đầu ra của các DN đang bế tắc. Không có đầu ra, hàng tồn kho cao, thì chắc chắn cũng phải ngừng, giảm sản xuất.

Để tự cứu mình, thời gian qua các DN đã làm mọi cách, từ bán bớt tài sản, cắt giảm đầu tư, tăng quản trị rủi ro, thậm chí chấp nhận bỏ tài sản ra thế chấp vay vốn với lãi suất cao, rồi sáp nhập, tìm những nguồn vốn bên ngoài ngân hàng... tránh cho bị đổ vỡ, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Nhưng đến nay sức của DN đã cạn. Nếu như khó khăn trong 2008 DN vượt qua được là nhờ nguồn lực tăng trưởng cao giai đoạn 2005 - 2007 để lại và còn có gói cứu trợ kịp thời của Chính phủ, nhưng hiện nay thì DN không còn nguồn lực nào nữa và đang chết dần trên đống tài sản của mình.

Hiện tại, lãi suất cho vay đã giảm, nhưng vẫn còn cao, các DN vẫn phải vay ở mức 17% - 19%, nếu không giảm xuống 10% thì khó có thể dám vay. Có vay vốn cũng chỉ để đảo nợ chứ không dám đầu tư và cũng không còn tài sản thế chấp để vay.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành so sánh, một ngôi nhà trong dẫy phố bị cháy, nếu cứu hoả không bơm nước thì sẽ như thế nào? Tất nhiên là đám cháy sẽ lan rộng. Vậy sự giải cứu càng sớm càng tốt. Với DN trong hoàn cảnh hiện nay cũng vậy.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Thành viên ban cố vấn thủ tướng Chính phủ, để ổn định kinh tế vĩ mô, thứ tự chính sách được ưu tiên là giải quyết thanh khoản ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Tức là phải tập trung xử lý mối quan hệ giữa thanh khoản và lạm phát. Sau khi thanh khoản đã cơ bản được giải quyết, sẽ chuyển sang xử lý mối quan hệ giữa lạm phát với tăng trưởng tức là kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
Khánh An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét