Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012


19:56
Cần tâm tốt để có chính sách tốt

SGTT.VN - Toàn bộ số tiền phạt đối với người đi đường vi phạm luật giao thông (báo cáo của bộ Tài chính cho biết chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 2.540 tỉ đồng) được để lại, nghĩa là không nhập vào ngân sách, và được chia cho các cơ quan tham gia vào việc xử phạt. Việc xử lý này được một lãnh đạo bộ Tài chính cho là phù hợp với các quy định liên quan trong nghị định, thông tư hiện hành.

Trong khi đó, theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, tiền thu từ việc xử phạt vi phạm phải được nộp vào kho bạc và trở thành một phần của ngân sách công. Việc khen thưởng những người có công trong công tác, như là biện pháp động viên, khích lệ tinh thần đối với người thực thi công vụ, được thực hiện theo pháp luật về thi đua khen thưởng. Nếu có thưởng tiền cho người này, người kia, thì về nguyên tắc, tiền đó được lấy từ ngân sách và chẳng có mối liên hệ gì với tiền phạt mà trước đó người được khen thưởng đã thu của người vi phạm.
Rõ ràng, các quy định của văn bản lập quy cho phép để lại toàn bộ tiền phạt thu được cho các cơ quan tham gia xử lý vi phạm sử dụng như vậy là trái với tinh thần của pháp lệnh, trái luôn với luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật về thi đua khen thưởng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất mà luật đòi hỏi một đàng, nghị định và thông tư của cơ quan quản lý nhà nước lại dẫn dắt người ta đi một nẻo. Nhưng điều đáng nói lần này là người dân đã từ lâu bức xúc về những bất hợp lý trong tổ chức mạng lưới giao thông công cộng cũng như về chất lượng đường sá. Đáng lý ra, ít nhất một phần tiền phạt thu được từ việc xử lý vi phạm luật lệ giao thông phải được sử dụng để đầu tư góp phần hợp lý hoá hệ thống và cải thiện năng lực phục vụ của các công trình. Điều đó chắc chắn cũng sẽ khiến việc xử phạt có được thêm ý nghĩa tích cực, càng hợp với đạo lý.
12.174 tỉ đồng đầu tư trụ sở
Bộ Giao thông vận tải cần 223.000 tỉ đồng để hiện đại hoá trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển... theo đề án công nghiệp hoá – hiện đại hoá bộ này đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án này đã được bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt. Theo đề án, riêng với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, bộ ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012 – 2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng.
Có bao nhiều tiền phạt đem chia hết; đến khi vấn đề tu sửa, xây dựng, mở rộng đường công cộng được đặt ra một cách bức bách, thì lại đề xuất hướng giải quyết chủ yếu dựa vào việc tạo thêm nhiều thứ phí chẳng giống ai. Dễ có cảm giác những người giữ vai trò chính trong việc đề ra các chủ trương này chẳng hề chú ý hay bận tâm đến nỗi lòng, nguyện vọng, đặc biệt là sức chịu đựng của người dân đối với gánh nặng thuế má. Thậm chí không loại trừ khả năng ai đó không nghĩ đến dân, bởi vì đang quá chăm chỉ bảo vệ những lợi ích khác.
Sự thờ ơ, lạnh lùng có thể được ghi nhận một cách đậm nét khi người ta thử đặt những chuyện này bên cạnh chuyện lãnh đạo bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án hiện đại hoá cơ sở vật chất của ngành với một dự toán kinh phí khổng lồ trong đó khoảng 1/20, mà đã lên tới hơn 12.000 tỉ đồng, sẽ được dùng để nâng cấp trụ sở làm việc. Tất nhiên, nếu ở một thời điểm nào đó mà đất nước trở nên giàu có, thì chẳng ai hẹp hòi trong chi tiêu để làm đẹp diện mạo công sở; nhưng thông qua đề án nâng cấp cơ sở vật chất đồ sộ và tốn kém sau khi đã hoặc đồng thời giải quyết thoả đáng bài toán kinh phí để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, sẽ là cách xử sự hợp lòng dân hơn.
Bên cạnh đó, nỗi nghi ngại về thái độ thiên lệch trong việc cân phân, bảo vệ các lợi ích càng mạnh, khi người ta liên kết đề xuất thu phí mới với đề nghị sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đúng là với các mức phạt đang áp dụng, biện pháp xử phạt đã trở nên quá nhẹ. Nhưng không biết tại sao các vi phạm của người đi đường được đề nghị xử phạt nặng hơn, còn việc xử phạt đối với các vi phạm về bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng trong lĩnh vực giao thông lại vẫn được để nguyên như cũ.
Ý tưởng sửa đổi luật pháp này dễ làm cho người dân thường cảm thấy tủi phận khi đứng bên cạnh các nhà thầu xây dựng cầu, đường nhiều tiền của: cùng là các chủ thể đặt dưới sự quản lý của nhà chức trách giao thông, nhưng người này, người kia lại nhận được sự đối xử khác biệt theo kiểu “mẹ Cám”.
Để có chính sách tốt, cần nhất là cái tâm tốt của người được trao quyền hoạch định.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Vì chưa có “Phí hạn chế phương tiện giao thông”, “Phí phương tiện giao thông vào nội đô”… nên BT BGTVT đã có ý định đề xuất ra Quốc hội để bổ sung các loại phí này vào danh mục phí, lệ phí trong Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2008. Tôi thấy việc này giống như việc “đẽo cái chân Pháp lệnh” cho nó vừa cái “Giầy Giao thông vận tải” vậy! Còn Quỹ bảo trì đường bộ được thu vào tháng 6 tới đây không hiểu sẽ được quản lý, chi tiêu thế nào. Nếu cũng với cung cách quản lý như Quỹ bình ổn xăng dầu thì tiền dân lại như “tiền chùa” mà thôi bởi giá xăng dầu chưa bao giờ ổn cả. Tốt nhất các loại quỹ nên quy về một đầu mối quản lý là Bộ Tài chính.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét