Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Câu chuyện chủ nhật


Kỷ lục
          Nếu có một cuộc thi quốc gia có nhiều kỷ lục nhất thế giới, tôi nghĩ Việt Nam ta sẽ ghi danh dự thi một cách tự tin, thậm chí cơ hội chiến thắng khá cao.
          Ngoài những kỷ lục mà chúng ta có thể tự hào có thể kể đến như tăng trưởng xuất khẩu gạo, cà phê, xoá đói giảm nghèo nhanh, hay một số công trình văn hoá như bức tranh gốm sứ tại Hà Nội, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, cuốn sách in độc bản Việt Nam - những khoảnh khắc”… thì có rất nhiều kỷ lục đáng suy nghĩ, không biết buồn hay vui.
          Kỷ lục chiếc bánh chưng to nhất: Chiếc bánh chưng khổng lồ tại lễ hội Đền Hùng 2007 nặng tới 2,6 tấn và dài 2,007m (vượt xa kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2005, với chiếc bánh chưng nặng 1,8 tấn). Chiếc bánh đã sử dụng tới 1.100 kg gạo nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt, 350 kg lá chuối, 20 kg lá dong, trọng lượng sau khi nấu đạt 2,6 tấn, chi phí chiếc bánh xấp xỉ 100 triệu đồng. Chỉ có điều Ban Tổ chức không tuyên bố chiếc bánh chưng này có phải là chiếc bánh ngon nhất Việt Nam hay không? Mong rằng du khách quốc tế không được thưởng thức chiếc bánh này, nếu không sau này khi nói đến bánh chưng Việt Nam họ sẽ… lắc!
          Về phát triển kinh tế hiện Việt Nam ta đang “phấn đấu” với khá nhiều kỷ lục:
          Quốc gia có nhiều sân gôn nhất thế giới (128 sân theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bình quân mỗi tỉnh 2 sân. Mọi người đều biết đây là môn thể thao “quý tộc”, không phải dành cho đa số người dân. Nếu bạn có thu nhập chừng 50 triệu/tháng thì không nên tiếp cận môn thể thao này. Ngay cả khách quốc tế đến VN ta làm ăn, du lịch cũng không nhiều người có thể tham gia. Những người có nhu cầu, sở thích môn này có lẽ họ sẽ không chọn VN bởi cơ sở hạ tầng, dịch vụ kém và cả lượng khán giả ít ỏi (chả lẽ mình chơi, mình xem)? Không có thống kê về chiếm dụng đất của các sân gôn cả nước là bao nhiêu (thường từ hơn 90 đến 120 ha/sân), mang lại hiệu quả cho ngân sách Nhà nước bao nhiêu nhưng thiết nghĩ nếu tính trên tổng diện tích đất dành cho sân gôn với số việc làm mang lại cho người bị mất đất là không đáng kể. Chỉ đơn cử như sân gôn Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội), chiếm 128 ha nhưng khoản tiền mà ngân sách Nhà nước thu được chỉ chừng 4 tỷ/năm-khoảng 32 triệu đồng/ha - không bằng thu nhập nông nghiệp! (Những sân gôn ở tỉnh lẻ liệu có thu được như thế?) Mặt khác, thực tế nhiều sân gôn đất bị “biến tướng” thành khu bất động sản với nhiều biệt thự cao cấp, mang lại những khoản lợi nhuận không nhỏ song không phải cho Nhà nước mà vào túi các nhà đầu tư.
 Quốc gia có nhiều khu công nghiệp nhất (chưa có số liệu thống kê song thiết nghĩ tỉnh nào cũng có một vài khu, tỉnh nhiều thì dăm bảy khu). Phải khảng định trước mắt, các khu công nghiệp đã mang lại cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên ngay lúc này nó đã đặt ra những vấn đề cần có bài toán giải quyết. Trước hết là sử dụng quỹ đất nông nghiệp cho phát triển khu CN. Nếu không có tầm nhìn xa thì nhiều tỉnh nông nghiệp đồng bằng màu mỡ sẽ biến thành những tỉnh công nghiệp gia công giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài! Khi đó kỷ lục xuất khẩu gạo sẽ không còn. Đằng sau các khu công nghiệp sẽ để lại là ô nhiễm, phá hoại nghiêm trọng môi trường (nhất là với đất, nước và không khí - những thứ mà người dân nghiễm nhiên “được” hưởng).
Ngoài ra còn nhiều kỷ lục nữa đang có “nguy cơ” trở thành hiện thực như nước có nhiều sân bay nhất (rất nhiều tỉnh đang đề nghị được mở sân bay, dù đã có sân bay cách tỉnh chưa đầy 30 phút xe chạy); nước có nhiều cảng biển nhất vv và vv…
Chung quy căn bệnh chạy theo kỷ lục, phấn đấu đạt kỷ lục cũng mang dáng dấp căn bệnh thành tích, cần được “điều trị” ngay để tránh hậu hoạ.
          Theo blog dongquanho.blogspot.com  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét