Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

10:45

Văn hóa lãnh đạo!

Sự kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra văn bản yêu cầu cán bộ lãnh đạo thuộc bộ này không được chơi golf để dành thời gian vào việc quản lý, chỉ đạo nhiệm vụ công…, vẫn còn gây tranh cãi, mặc dù xu hướng trên bình diện chung là ủng hộ.

Tuy nhiên, khi tranh cãi, đa số mới chỉ tiếp cận ở góc độ pháp lý và tính đặc thù, nên người ta tranh cãi chủ yếu về thẩm quyền, quy trình ban hành văn bản, quyền công dân, quyền của công chức, viên chức, hoặc là sự cần thiết từ công việc của một ngành… Một góc độ khác, mà theo người viết bài này là tính VĂN HÓA - nhân bản (cái gốc của vấn đề), thì dường như chưa ai nói đến.

Văn hóa với nghĩa rộng của nó là gốc của mọi hoạt động xã hội. Bởi lẽ, văn hóa là mục tiêu và cũng là động lực phát triển xã hội. Mọi hoạt động xã hội không hướng đến mục tiêu là văn hóa - nhân bản, không xuất phát từ động lực văn hóa - nhân bản, thì không đưa đến sự phát triển hài hòa và ổn định. Người viết bài này không dám đi sâu vào giá trị nhiều tầng của văn hóa với ý nghĩa là mục tiêu và động lực phát triển xã hội, mà chỉ nêu một lát cắt rất đáng chú ý, đó là văn hóa lãnh đạo.

Dù đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với GDP đầu người chỉ ở mức 1.168 USD (theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 31-12-2010), Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Nước nghèo nhưng hiện nay dường như nhiều bộ phận xã hội lại "chơi sang" trong các lĩnh vực.

Người ta lý giải rằng, hội nhập thì chuyện "chơi sang" cũng là lẽ thường tình vì người có tiền thì họ có quyền, và con người ta có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Chuyện đó thì quá rõ, không cần phải học hết bằng nọ, bằng kia mới hiểu. Vấn đề ở đây là đối tượng cán bộ - "công bộc của dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy - thì từ góc độ văn hóa lãnh đạo, đó chính là trách nhiệm, đạo lý, là đức hy sinh, lo trước thiên hạ, làm trước thiên hạ. Có nghĩa, cái quyền được làm những gì pháp luật không cấm, đối với người cán bộ lại bị điều chỉnh bởi trách nhiệm và nghĩa vụ "công bộc của dân".

Giữa bộn bề khó khăn hiện nay như, kinh tế suy thoái, lạm phát cao, giá cả leo thang… Chính phủ phải gồng mình chèo lái con tàu kinh tế, trong đó tiết kiệm chi tiêu là một trong những giải pháp. Mỗi người cán bộ lãnh đạo khi sinh hoạt, làm việc hay giải trí đều không thể tách ra khỏi bối cảnh chung. Nhiều thế kỷ qua, các học giả theo các trường phái khác nhau đã nói đến bản ngã, đến quyền tự do cá nhân. Nhưng dù là trường phái nào, dù là chế độ chính trị nào, khi mà người lãnh đạo đại diện cho nhà nước để làm việc thì không thể tự cho mình muốn làm gì thì làm, không thể coi thú vui của mình là trên hết. Ở các quốc gia phát triển, thông thường khi đã trở thành tổng thống, thủ tướng, nghị sĩ hoặc chức sắc cấp cơ sở đều phải hy sinh những thói quen, những thú vui của mình. Còn ở Việt Nam, một quốc gia đang còn nghèo, thì đức hy sinh thú vui của người cán bộ lãnh đạo (đại diện cho một nhà nước của dân, do dân, vì dân), lại càng cần thiết, nhất là phải biết hy sinh một thú vui thể thao quá tốn kém như chơi golf. Nếu không, thì anh đừng làm người đại diện cho nhà nước nữa. Đơn giản thế thôi. Dù là đơn giản nhưng ý nghĩa sâu xa của mỗi cách ứng xử, mỗi quyết định hy sinh thú vui cá nhân là giá trị văn hóa, ở đây là văn hóa lãnh đạo.

Chơi golf là hoạt động thể thao, cũng là một thú vui, vậy thì ai chẳng thích, chẳng muốn. Song lúc này, ngay bên cạnh mỗi sân golf, đời sống của một bộ phận nông dân còn "cơm chưa no", nhà ở đang dột nát, xã hội còn lay lắt nhiều thân phận; còn trong ngành GTVT hàng loạt công trình dự án đang đình trệ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển đất nước, thì người cán bộ của nhà nước ở ngành GTVT - công bộc của dân - sao đành thỏa sức với thú vui của mình! Chiều sâu văn hóa cũng là đây.

Quyền cá nhân của cán bộ là đương nhiên, nhưng cán bộ lãnh đạo là người bắt buộc phải nghĩ đến người khác, nghĩ đến lợi ích chung. Chia sẻ về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: "Đã là cán bộ chủ chốt thì phải biết hy sinh niềm vui riêng cho nhiệm vụ chung. Trong thời điểm này, lãnh đạo cao cấp ngành ngân hàng không đi chơi golf thì cán bộ cấp dưới sẽ nhìn đó mà noi gương".

Khi nhiều người còn tranh cãi về thẩm quyền, về căn cứ pháp lý của một văn bản liên quan đến chơi golf của vị Bộ trưởng Bộ GTVT, thì từ góc độ văn hóa lãnh đạo (của cán bộ nước ta), xin mạn phép trích những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ cách mạng: "… Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng". Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng". (Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947). "… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên".

Thiết nghĩ, với những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quyết định liên quan đến việc chơi golf của cán bộ lãnh đạo ngành GTVT thì không cần bàn cãi gì thêm nữa.

                                  HNM        Nguyễn Tiến Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét