Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

11:15

Tham nhũng - chỉ bắt được những vụ “con mèo ăn miếng mỡ”

 “Những vụ kiểu "con mèo ăn miếng mỡ" thì chúng ta bắt được rất nhiều, còn "con cọp bắt con heo" thì chúng ta không bắt được bao nhiêu” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu về công tác phòng chống tham nhũng.
Cả ngày 26/10, Quốc hội dành trọn thời gian thảo luận tại hội trường xung quanh các báo cáo về công tác phòng chống tội phạm.
Kéo dài thời hạn xử lý tham nhũng để “hạ nhiệt” tội trạng
Bàn về tình hình loại tội phạm đang là “quốc nạn”, đại biểu Phạm xuân Thường (Thái Bình) day dứt vì vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng hạn chế, số vụ phát hiện còn ít chưa tương xứng với tình hình. Ông Thường đặt nghi vấn, phát hiện không ít nhưng vấn đề phải xem lại là khâu xử lý.
Theo báo cáo, năm 2011, qua công tác thanh tra, đã phát hiện hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với số tiền phải thu hồi đến cả nghìn tỷ đồng nhưng số lượng thực tế thu hồi được chỉ khoảng 1/10. Hơn nữa, thiệt hại gây ra từ nạn tham nhũng lớn như vậy nhưng số vụ, số đối tượng được đưa ra xem xét hình sự rất ít, số đưa ra xét xử, ông Thường phán đoán, còn ít hơn.
Nêu hiện tượng nhiều vụ tham nhũng ở dạng đền bù giải phóng mặt bằng thường được các cơ quan chức năng áp dụng điều luật miễn trách nhiệm hình sự, ông Thường yêu cầu “rà” lại từng trường hợp để tìm ra “kẽ hở trách nhiệm”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại phân tích theo hướng, trong số những vụ việc tham nhũng đã xử được, đa số đối tượng chỉ bị khép tội ít nghiêm trọng, có khung hình phạt quy định dưới 3 năm tù. Một tỷ lệ rất lớn đối tượng sau đó chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc là được hưởng án treo.
“Có hiện tượng nhiều vụ tham nhũng kéo dài thời hạn bất thường ở tất cả các giai đoạn tố tụng. Tôi cho vấn đề kéo dài ở các giai đoạn tố tụng giảm bớt hành vi phạm tội của các bị cáo tách ra để xem xét xử lý sau hay tội danh nhẹ hơn là một xu hướng gần đây” – đại biểu cho rằng, có cảm giác các cơ quan tiến hành tố tụng “nhường nhịn” nhau, cơ quan điều tra đề nghị truy tố nhiều nhưng VKS đình chỉ cũng không có ý kiến, tòa cũng không bao giờ trả hồ sơ yêu cầu truy tố tội danh nặng hơn…
Cũng tỏ ra không hài lòng về thái độ nghiêm khắc cần có đối với tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) so sánh: “Thấy "con mèo ăn miếng mỡ" thì chúng ta bắt được rất nhiều nhưng toàn những vụ án nhỏ, còn "con cọp bắt con heo" thì chúng ta không bắt được bao nhiêu”. Ông Thuyền cho rằng, với những người có chức có quyền, phải theo dõi thì mới “bắt” được, còn nếu giao cho họ một quyền đặc biệt mà chỉ thành lập Ban chỉ đạo như hiện nay, chỉ điều hành, phối hợp để nghe các ngành báo cáo sẽ không giải quyết được vấn đề.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phân tích thêm tính hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp với mô hình người đứng đầu cơ quan hành chính làm trưởng ban, có thể dẫn đến hệ quả “vừa đá bóng vừa thổi còi”, hiệu quả đấu tranh với tham nhũng thấp.
Ông Hùng kể chuyện ít ngày trước, UB Các vấn đề xã hội tiếp đại diện lãnh đạo của 6 TCty và Cty dược về việc xác minh làm rõ và xử lý một số biểu hiện có dấu hiện tiêu cực trong quản lý dược hiện nay.
Cuộc làm việc được coi như một cuộc tiếp xúc cử tri nhưng một số doanh nghiệp bộc bạch là phải hết sức đắn đo mới tham gia việc “tố giác” vì rất có thể sẽ bị trù dập, thậm chí phải bỏ nghề. Các đơn vị kinh doanh dược này nêu hiện tượng một số DN được cấp phép nhập khẩu khối lượng tiền chất “ma túy đá” rất lớn, trong khoảng thời gian rất ngắn. Lạ là đầu ra của những sản phẩm đó không tương xứng với đầu vào, có thể đặt vấn đề có tiêu cực, khuất tất trong việc này.
Ông Hùng đúc rút, phải đặt công tác phòng chống tham nhũng trong mối liên hệ chặt chẽ với việc đấu tranh chống các tội phạm khác.
                                                                           P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét