Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

07:35

Ảo và thực trong thu hút FDI


Vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam sụt giảm là do đã loại bỏ được những dự án ảo. Ảnh: Lê Toàn
Vốn giải ngân, vốn tăng thêm tích cực, trong khi vốn đăng ký mới tiếp tục sụt giảm. Đó là điểm nổi bật của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng đầu năm và cũng là xu thế của cả năm 2011.
Thông tin “nóng” nhất trong những ngày cuối tháng 10/2011, đó là cuối cùng, Dự án Công viên thế giới kỳ diệu, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, của nhà đầu tư Good Choice (Mỹ) đã vào “tầm ngắm” của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều khả năng, sẽ sớm bị rút giấy chứng nhận đầu tư. Lý do, cũng giống như rất nhiều dự án lớn khác trong thời gian gần đây bị rút phép, đó là nhà đầu tư trùng trình không chịu triển khai dự án.
Thêm dự án này, danh sách những dự án tỷ USD - vốn bị dư luận cho là “ảo” - bị rút phép đầu tư trong thời gian gần đây càng dài thêm. Và điều này, được TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, trái ngược với xu hướng trải thảm đỏ, tranh thủ thu hút đầu tư bằng mọi giá như trước đây. Những bất cập trong cơ chế phân cấp quản lý đầu tư là một trong những lý do được ông Phong cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng số lượng các dự án được cấp chứng nhận đầu tư tăng đột biến trong mấy năm qua.
Năm 2007 có thể coi là một ví dụ điển hình, với rất nhiều dự án tỷ USD được cấp phép và tổng vốn đầu tư đăng ký mới lên tới trên 72 tỷ USD. Nhưng sau “men say chiến thắng”, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần nhắc tới những con số ảo, rằng số vốn đăng ký không phải là điều quan trọng, mà phải là vốn thực hiện.
Chính một vị lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một lần trao đổi gần đây đã thẳng thắn nói rằng, đã đến lúc không nên coi 72 tỷ USD là một thành tích nữa, bởi trong số đó có không ít dự án ảo. “Cần phải nhìn nhận về dòng vốn FDI một cách thực chất hơn”, vị này nói và một lần nữa khẳng định rằng, xu hướng sụt giảm vốn đăng ký FDI vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, thậm chí là đã bắt đầu từ 2-3 năm trước, không phải là điều đáng quan ngại, khi mà vốn giải ngân, đặc biệt là vốn tăng thêm vẫn rất tích cực.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư hiện hữu đã đăng ký đầu tư thêm gần 2,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2010. Còn vốn giải ngân, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 9,1 tỷ USD. Điều này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, là một tín hiệu rất khả quan, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm thấy các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ sự đồng tình với các quan điểm cho rằng, việc lượng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam gần đây sụt giảm so với những năm trước là do đã loại bỏ được những dự án ảo. Đây là một thực tế đáng ghi nhận, song rõ ràng, cũng không thể phủ nhận, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam đã chậm lại đáng kể.
Đáng quan ngại hơn, khi kết quả cuộc khảo sát lần thứ 5 về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý, do EuroCham thực hiện vào đầu tháng 10/2011, cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn tiếp tục giảm so với kết quả của cuộc khảo sát lần bốn.
Không chỉ có cái nhìn ảm đạm hơn về triển vọng kinh doanh, điều đáng quan tâm là, thái độ “đợi và xem” trong các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư là khá rõ ràng. Kết quả khảo sát của EuroCham cho thấy, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cho năm 2011, 38% nhà đầu tư được hỏi muốn duy trì mức đầu tư của họ và chỉ 36% muốn tăng đầu tư tại Việt Nam, một sự sụt giảm đáng kể so với tỷ lệ 52% của quý trước. “Điều đó cho thấy, khuynh hướng các doanh nghiệp ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư. 22% doanh nghiệp muốn giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam, tăng 13% so với quý trước”, báo cáo của EuroCham chỉ rõ.
Bình luận về kết quả này, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho rằng, việc Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm đã thể hiện một sự sụt giảm về lòng tin tại Việt Nam như là một điểm đến đầu tư. “Cùng với sự sụt giảm FDI trong những tháng đầu năm 2011 (trong 10 tháng đầu năm, vốn đăng ký mới chỉ đạt 8,87 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2010 - PV) và tỷ lệ lạm phát trên 20%, công bằng mà nói, các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, ông Alain Cany nói.
Các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát cao, sự thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và gánh nặng về thủ tục hành chính là những yếu tố được cho là ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Vấn đề là, không chỉ doanh nghiệp châu Âu lo ngại về những tồn tại của nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Bởi vậy, loại bỏ các dự án ảo là tốt, có thể giúp làm lành mạnh dòng vốn FDI, song thực tế sụt giảm dòng vốn này, thì vẫn là điều cần được cảnh báo.
                                                                            Nguyên Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét