Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Tin mới về vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ trong tình hình nóng

Cập nhật lúc 08:44                  

(Bí mật quân sự) - Ngày Tết mà bàn đến các loại vũ khí hủy diệt và những vấn đề thuần túy về lý luận quân sự thì có vẻ không hợp lắm, nhưng...

Nhưng dù sao cũng phải nói vì chúng đang tồn tại và nhất là trong bối cảnh mối quan hệ Phương Tây – Nga đang căng thẳng như hiện nay.
Xin lược dịch và giới thiệu với bạn đọc một số số liệu và luận điểm của X. Rogov- giám đốc Viện Mỹ và Canada Viện Hàn lâm KH Nga; V.Esin- Thượng tướng, phó tiến sỹ khoa học quân sự, nguyên tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược (1994-1996) ; P. Zolotarev- Thiếu tướng, phó giám đốc Viện Mỹ và Canada Viện HLKH Nga; V. Kuznhesov- phó đô đốc, trưởng đại diện quân sự của BQP LB Nga tại NATO (2002-2008) trong một bài nghiên cứu đăng trên báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) cách đây không lâu.
1. Thế nào là sự cân bằng chiến lược?
Khái niệm “cân bằng chiến lược” hiểu theo nghĩa truyền thống là sự tương đương về khả năng hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân có tầm bắn xuyên lục địa (hơn 5.500 km) hiện có trong trang bị của hai siêu cường (trước là Liên Xô- Mỹ và nay là Nga- Mỹ).
Nói chi tiết hơn - đó là nếu các bên (hai bên) sử dụng loại vũ khí này để tấn công lẫn nhau thì trong một khoảng thời gian ngắn sẽ đạt được các kết qủa mang tính chất quyết định, - tiêu diệt một nửa dân số và 2/3 tiềm lực công nghiệp của đối phương.
Chính vì thế mà khái niệm “cân bằng chiến lược" còn được hiểu là khả năng “chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau” của hai siêu cường.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách hiểu như trên là quá hẹp, cần phải tính thêm một số yếu tố khác, - như nhiều quốc gia khác chứ không riêng gì Nga-Mỹ (Trung Quốc chẳng hạn) cũng đã sở hữu tiềm lực trên, nhưng ta sẽ đề cập đến ở một dịp khác.

Đầu đạn hạt nhân của Nga
Đầu đạn hạt nhân của Nga

2. Thế nào là vũ khí hạt nhân chiến lược?
Cũng theo cách hiểu truyền thống như trên, vũ khí hạt nhân chiến lược gồm 3 loại : 1/ Các đầu đạn hạt nhân được đặt trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trên mặt đất ; 2/ Tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và 3/ Các máy bay ném bom hạng nặng mang vũ khí hạt nhân (bom hoặc (và) tên lửa). Người ta thường gọi đó là “bộ ba hạt nhân”.
“Cách hiểu hẹp” như trên về ổn định chiến lược và các loại vũ khí hạt nhân chiến lược chính là điểm xuất phát để Mỹ và Liên Xô ký các hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Các thỏa thuận hạn chế vũ khí chiến lược (gồm vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược-NMD của Mỹ là một ví dụ về vũ khí phòng thủ chiến lược) đã quy định trần (số lượng tối đa) đối với bộ ba hạt nhân.
Thực ra, vào cuối thời kỳ chiến tranh lạnh thì lĩnh vực kiểm soát vũ khí đã được mở rộng hơn. Liên Xô và Mỹ đã ký hiệp định về tên lửa tầm ngắn và tầm trung hủy bỏ hết các tên lửa trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5500 km. Ngoài ra, Mỹ và LX cũng tuyên bố về các bước đi đơn phương nhưng song song trong việc cắt giảm vũ khí tên lửa chiến thuật.
Các bên cũng đã ký một Hiệp ước đa phương về lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu hạn chế số lượng tối đa 5 loại vũ khí thông thường không chỉ của Mỹ và Liên Xô mà còn của tất cả các nước thành viên NATO và Tổ chức Hiệp ước Vacsava.
Tuy nhiên, cho đến nay các bên vẫn duy trì cách hiểu "hẹp" như trên (chỉ gồm 3 thành tố) về ổn định chiến lược và điều đó vẫn được quy định tại Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược (ký năm 2010 giữa Mỹ và Nga).
3. Thực lực vũ khí chiến lược Nga- Mỹ và một số nước khác
Trước hết, phải thừa nhận một thực tế là các số liệu về vũ khí tiến công chiến lược của Nga và Mỹ là chính xác vì chúng được quy định bởi các điều khoản chặt chẽ trong các Hiệp ước, có cơ chế giám sát, kiểm đếm, thanh sát và kiểm chứng của cả hai bên.
Hiện có 5 thành viên chính thức của câu lạc bộ hạt nhân (gồm 5 nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc), một số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác nhưng không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan, Israel, Bắc Triều Tiên). Số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ hiện nay như sau:
Nga có 1.500 đầu đạn triển khai trên 490 phương tiện mang và Mỹ có 1.720 đầu đạn trên 806 phương tiện mang theo các quy tắc tính về vũ khí tấn công chiến lược. Nếu tính cả con số thực tế của vũ khí hàng không thì tổng số đầu đạn của mỗi bên vào khoảng 2.000.
Theo đáng giá của các nguồn độc lập (SIPRI, 2012, trang 309, 316) mỗi bên còn có khoảng 2.500 đến 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến dịch- chiến thuật đang được bảo quản trong kho để dự trữ tác chiến, tuy nhiên các thông tin này không được công bố công khai.
Đến ngày 1/9/2012 (theo quy tắc thống kê của Hiệp ước START mới) Mỹ có 808 bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các máy bay ném bom hạng năng đã triển khai với 1.737 đầu đạn.
Nga có các con số tương tự là 491 bệ phóng và máy bay hạng nặng với 1.499 đầu đạn. Ngoài ra Mỹ có 228 bệ phóng chưa triển khai, còn Nga có 393.
3. Khái niệm cân bằng chiến lược trong tương lai
Đến đầu thế kỷ XXI, cân bằng quân sự- chiến lược không chỉ chỉ phụ thuộc vào các lực lượng hạt nhân chiến lược mà xuất hiện các thành tố mới. Hiện nay các mục tiêu quyết định của chiến tranh (tiêu diệt phần lớn các mục tiêu quân sự và kinh tế, phá hủy hệ thống điều hành chính trị và quân sự của đối phương) đã có thể đạt được mà không nhất thiết chỉ bằng vũ khí hạt nhân.
Xuất hiện các phương tiện phi hạt nhân mà công suất phá hủy của nó ngày càng gần với công suất của vũ khí hạt nhân. Trong các thập kỷ tiếp theo chắc chắn vũ khí chiến lược phi hạt nhân sẽ đạt tới trình độ phát triển có thể tạo ảnh hưởng quyết định đến cân bằng chiến lược quân sự.
Vị trí hàng đầu trong việc chế tạo loại vũ khí này sẽ vẫn thuộc về Mỹ.
4.  Nội dung mới trong cân bằng quân sự- chiến lược
Sự cân bằng tổng thể sức mạnh trong thế giới đa cực hiện nay được cấu thành từ rất nhiều yếu tố.
Công nghệ phòng chống tên lửa, tiềm lực đòn đánh chớp nhoáng toàn cầu sử dụng các đầu đạn thông thường, khả năng đưa vũ khí vào không gian vũ trụ ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Một sự mất cân bằng khá lớn tồn tại ngay trong lĩnh vực vũ khí thông thường.
Mối liên hệ ràng buộc qua lại của các yếu tố trên ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nga cần và phải có một cách tiếp cận tổng thể mới để giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến các bước tiến bộ nhảy vọt trong công nghệ quân sự.
Một thực tiễn rất đáng chú ý là ngay trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (BTLCL) đã được tiến hành tái tổ chức và tăng cường các chức năng chủ chốt .
Trước đó, BTLCL (Mỹ) chỉ gồm các lực lượng chiến lược của Không quân và Hải quân nhưng hiện nay trong cơ cấu của nó đã bao gồm cả Bộ Tư lệnh các đòn phản ứng nhanh toàn cầu (bao gồm cả vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân), Bộ Tư lệnh các phương tiện trinh sát và theo dõi, Bộ Tư lệnh vũ trụ, Bộ Tư lệnh các phương tiện tích hợp phòng thủ tên lửa, Bộ Tư lệnh chiến tranh mạng (do giám đốc cơ quan an ninh quốc gia phụ trách) và một số cơ cấu khác.
Như đã nhiều lần giới thiệu, vai trò quyết định trong quá trình chuyển hóa cân bằng chiến lược là cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin,- nếu thiếu nó thì trong điều kiện hiện nay thì các nền kinh tế hiện đại và các quân đội không thể tồn tại được. Các phương tiện tác chiến điện tử đã phát triển và trở nên phổ biến từ thế kỷ trước.
Tuy nhiên các phương tiện chiến tranh mạng hiện đại cho phép không cần dùng hỏa lực cũng có thể có tiến công và làm đối phương hỗn loạn về kinh tế, gián đoạn các chức năng điều hành các hệ thống năng lượng, vận tải và thông tin, làm tê liệt các cơ quan điều hành chính trị và quân sự.
Khoảng không gian gần trái đất trong vòng nửa thế kỷ qua đã được sử dụng rộng rãi cho các mục đích quân sự. Nhưng điều đó chỉ liên quan chủ yếu đến các vệ tinh liên lạc và các thiết bị trinh sát vũ trụ.
Tình hình có thể sẽ có những thay đổi cơ bản trong trường hợp bố trí trong vũ trụ các hệ thống tấn công không chỉ được sử dụng để tiêu diệt các thiết bị vũ trụ của đối phương mà còn sử dụng với mục đích phòng thủ chống tên lửa và để tấn công các mục tiêu dưới mặt đất.
Các chiến dịch mạng có thể bao gồm cả các hoạt động tấn công và phòng thủ với mục đích chiếm ưu thế thông tin bằng cách phá hỏng các cơ sở hạ tầng tương ứng của đối phương và tự bảo vệ mình trước các hành động tấn công của đối phương vào các hệ thống thông tin của mình.
Bên cạnh đó, các chiến dịch mạng được coi là biện pháp thay thế việc sử dụng hỏa lực để đạt được các mục đích quân sự mà không cần phải tiêu diệt sinh lực và các mục tiêu của đối phương.
Các chuyên gia Mỹ không ít lần tỏ ra quan ngại về một “Trân Châu Cảng trên mạng”. Vào tháng 7/2011 BQP Mỹ công bố văn kiện “Chiến lược thực hành các chiến dịch trong không gian mạng”.
Trong chiến lược này Mỹ đã chỉ rõ : “Các mối đe dọa mạng đối với an ninh quốc gia của Mỹ không chỉ liên quan tới các mục tiêu quân sự, mà là tất cả các khía cạnh của cuộc sống xã hội”, văn bản này cũng đề cập tới khả năng Mỹ sẽ tiến hành các đòn trả đũa các cuộc tấn công mạng bằng bất kỳ phương tiện nào- kinh tế, chính trị, ngoại giao và cả quân sự.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cũng đã tuyên bố về sự cần thiết phải nghiên cứu các phương tiện tấn công và phòng thủ với một thuật ngữ mới là “kiềm chế mạng”.
Một ví dụ về phương tiện vũ khí tấn công mạng là Virus máy tính Stuxnet mà Mỹ và Israel đã dùng để tấn công chương trình hạt nhân của Iran.
Chức năng của BTL chiến tranh mạng bao gồm chuẩn bị, điều phối, tích hợp, đồng bộ hóa các hoạt động nhằm tiến hành các chiến dịch bảo vệ các mạng thông tin của BQP Mỹ, tiến hành các chiến dịch thông tin quân sự để đảm bảo cho các hoạt động của LLVT trong tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm cả việc đảm bảo tự do hành động của LLVT Mỹ và đồng minh trong không gian mạng, tiêu diệt các phương tiện thông tin của đối phương.
Theo tuyên bố của lãnh đạo tình báo Mỹ tại các buổi điều trần tại Quốc hội mới đây về các vấn đề các mối đe dọa ninh quốc gia, sự quan ngại đặc biệt trong an ninh mạng đối với Mỹ được xác định là xuất phát từ Nga và Trung Quốc .
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin dẫn tới việc làm tăng độ chính xác của các vũ khí tiêu diệt thông thường , mà trước hết là bom hàng không và tên lửa có cánh. Trong bản báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Hạ viện Mỹ thì :
“Hợp chủng quốc Hoa kỳ ngay từ thời kỳ đầu là nước đi tiên phong trong việc nghiên cứu vũ khí chính xác cao và trong 20 năm qua vẫn giữ độc quyền trong lĩnh vực này” .
Lần đầu tiên vũ khí chính xác cao được sử dụng là trong chiến tranh ở Vùng Vịnh Pecsich năm 1992 ( 8% tất cả các loại bom đạn được sử dụng ), và sau đó tiếp tục được sử dụng rộng rãi hơn trong các chiến dịch ở Kosovo (29%) , Apganistan (60%), Irắc ( 68% ) và Libi (chưa có số liệu).
Trong những năm gần đây Mỹ sử dụng rộng rãi các phương tiện tiêu diệt có độ chính xác cao trên các máy bay không người lái ở Pakistan và hàng loạt các nước khác.
Hải quân Mỹ sở hữu một khối lượng lớn các tên lửa có cánh đặt trên tàu kiểu “Tomahawk”. Theo các số liệu chính thức thì năm 2012 Mỹ có 3.755 tên lửa có cánh loại này. Trong năm 2013, Hải quân Mỹ mua thêm 361 tên lửa có cánh cho các tàu nổi và 123 tên lửa có cánh cho các tàu ngầm.
Một sự kiện rất đáng quan tâm nữa là bản báo cáo được công bố tháng 5/2012 dưới tiêu đề “Hiện đại hóa chiến lược hạt nhân” của Phong trào “Điểm không toàn cầu". Trong số các tác giả của bản báo cáo này có cựu Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ( Mỹ) và Tư lệnh Bộ Tư lệnh chiến lược tướng G. Cartrite, cựu trưởng đoàn đàm phán Mỹ tại các cuộc đàm phán về Hiệp ước vũ khí tấn công chiến lược START-1 R. Bert, cựu thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ T. Pikering, Cựu thượng nghị sỹ S. Heigen, tướng về hưu G. Shikheni và đồng sáng lập phong trào “Điểm không toàn cầu” B. Blair.
Trong bản báo cáo này có ý khẳng định rằng: Vũ khí phi hạt nhân tầm xa của Mỹ có thể tiêu diệt đến 30 % các mục tiêu trên lãnh thổ Nga nằm trong danh mục các mục tiêu của các phương tiện hạt nhân của Mỹ.
Nếu Nga thực hiện chương trình thành lập hệ thống phòng thủ vũ trụ thì số lượng các mục tiêu (trên lãnh thổ Nga) bị tiêu diệt sẽ giảm xuống còn khoảng 10 %.
Danh mục các mục tiêu (cần tiêu diệt) trên lãnh thổ Trung Quốc ít hơn khoảng 02 lần so với ở Nga, nếu Mỹ sử dụng vũ khí thông thường chống TQ thì đã có thể tiêu diệt được khoảng từ 30 đến 50 % số mục tiêu.
Vai trò chủ chốt trong việc phát triển vũ khí chính xác cao thuộc về hệ thống vũ trụ dẫn đường GPS. Liên Xô cũng có một hệ thống tương tự như vậy và hiện nay là GLONASS của Nga . Hiện nay Nga vẫn duy trì hệ thống này, Trung Quốc hiện cũng đang triển khai hệ thống vũ trụ dẫn đường của mình.
Một trong những hướng phát triển (vũ khí) rất có triển vọng nữa là vũ khí lazer. Tuy nhiên các hệ thống Laser trên mặt đất và trên biển hiện nay đang có hạn chế về cự ly hoạt động. Hiệu quả nhất có lẽ là hệ thống laser đặt trên vũ trụ , nhưng trong thời gian hiện tại đấy mới chỉ là các dự án trong thời kỳ nghiên cứu và thử nghiệm.
5. Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu
Trong thập kỷ mới đây tại Mỹ đã đưa ra các phương án khác nhau của “đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” tính tới khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh trong vòng 01 giờ sau khi nhận lệnh.
Các phương tiện được sử dụng cho một đòn tấn công như vậy là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm với các đầu đạn thông thường (phi hạt nhân).
Mỹ đã tính đến chuyện bố trí 02 tên lửa với đầu đạn thông thường trên mỗi tầu ngầm chiến lược lớp “Ohio". (Lưu ý: theo các điều khoản của Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược, các tên lửa chiến lược với đầu đạn thông thường cần phải được đưa vào danh mục chung của các vật mang vũ khí hạt nhân chiến lược bị điều chỉnh bởi Hiệp ước).
Sau đó, đã có một đề nghị bố trí tên lửa tầm trung (2000 đến 3000 dặm – 01 dặm = 1.609m) với các đầu đạn thông thường trên các tàu ngầm tấn công lớp “Virginia”.
Không quân Mỹ bắt đầu nghiên cứu triển khai hệ thống FALCON có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 9.000 dặm. Mỹ cũng dự định sử dụng máy bay không người lái siêu âm HTV-2 với tầm bay 4.000 dặm. Hải quân Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm chế tạo hệ thống ArcLight sử dụng tầng một tên lửa đánh chặn SM-3.
Cần phải thấy rằng, trong bản báo cáo “Hiện đại hóa chiên lược hạt nhân” như đã đề cập tới ở trên, các tác giả đề nghị triển khai 12 đến 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với đầu đạn thông thường (Hypersonic Technology Vehicle-2) ở California hoặc là tại các địa điểm khác trên lãnh thổ Mỹ để các tên lửa này không phải bay qua lãnh thổ Nga và Trung Quốc nhưng có thể tiêu diệt được 6 bệ phóng ngầm tên lửa của Bắc Triều Tiên và Iran.
Theo đánh giá của các tác giả bản báo cáo, Mỹ có thể sử dụng vũ khí thông thường tiêu diệt 100% các mục tiêu cần phải tiêu diệt ở Bắc Triều Tiên và Iran.
Một vấn đề nữa có một ý nghĩa hết sức quan trọng là cán cân vũ khí thông thường. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Liên Xô và Tổ chức hiệp ước Varszawa có một ưu thế đáng kể trước Mỹ và và NATO về vũ khí lục quân, nhưng kém Phương Tây về vũ khí hàng không.
Hiện nay Mỹ và các đồng minh của Mỹ vượt Nga rất nhiều lần về tất cả các loại vũ khí thông thường.
Theo số liệu chính thức mới nhất, 22 nước thành viên NATO tham gia vào hiệp ước không phổ biến vũ khí thông thường hiện có ở Châu Âu 11.624 xe tăng, 22.788 xe chiến đấu bọc thép, 13.264 khẩu pháo cỡ nòng từ 100 mm trở lên, 3.621 máy bay chiến đấu, 1.085 máy bay lên thẳng tấn công;
Còn về phía Nga có – 3.660 xe tăng, 7.690 xe chiến đấu bọc thép, 4.634 khẩu pháo cỡ nòng từ 100 mm trở lên,1.542 máy bay chiến đấu, 365 máy bay lên thẳng chiến đấu.
Như vậy NATO chiếm ưu thế so với Nga trong tất cả các loại vũ khí được quy định trong Hiệp ước về vũ khí thông thường.
Cụ thể là: gấp 3,2 lần về xe tăn; 2,3 lần về xe chiến đấu bọc thép; 2,1 lần về máy bay chiến đấu và 2,7 lần về máy bay lên thẳng tấn công.
Thêm nữa, đến năm 2007 Nga đã tuyên bố về việc hoãn thực thi Hiệp ước về vũ khí thông thường ở Châu Âu, và đến năm 2011 các nước thành viên NATO cũng chấm dứt việc tuân thủ các điều kiện của Hiệp ước này.
Cần nhớ rằng 7 trong sô 29 thành viên NATO không tham gia Hiệp ước về vũ khí thông thường, trong đó có Latvia, Extonia, Litva có biên giới trực tiếp với Nga.
Hiệp ước về vũ khí thông thường tại Châu Âu đã giữ một vai trò nhất định trong việc làm dịu căng thẳng quân sự ở Châu Âu. Trong 20 năm Hiệp ước này có hiệu lực các nước tham gia hiệp ước đã cắt giảm 70.000 đơn vị vũ khí .
Tuy nhiên trong mấy năm gần đây tại Châu Âu đã xảy ra một số cuộc chiến tranh, trong đó có các cuộc chiến trên lãnh thổ Nam Tư (cũ) và Liên Xô ( cũ) và mới nhất là cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy vậy, hiện nay hàng năm vào giữa tháng 12 đại diện của 56 nước thành viên từng tham gia Hiệp ước trên lại tập trung ở Vienna (Áo) để trao đổi thông tin về các lực lượng vũ trang, tổ chức quân sự, quân số và các loại vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự cơ bản.
Các nước cũng trao đổi thông tin về việc lập kế hoạch trong lĩnh vực quân sự và ngân sách trong năm đó. Việc trao đổi thông tin toàn diện như vậy được tiến hành theo các điều khoản của một công cụ quan trong hơn trong lĩnh vực củng cố lòng tin và an ninh (MDB) trong khu vực an ninh Châu Âu- Văn kiện Vienna năm 2011.
Tuy nhiên, cả Hiệp ước (về vũ khí thông thường) lẫn văn kiện Vienna đều không đề cập đến những yếu tố cơ bản nhất của sự cân bằng cán cân quân sự- chiến lược hiện nay.
Vai trò quyết định hiện nay thuộc về các hệ thống vũ khí chính xác cao, máy bay không người lái, và các hệ thống thông tin đảm bảo cho trinh sát, điều hành tác chiến và chỉ huy bộ đội.
Các văn kiện trên cũng không tính đến các hệ thống tấn công từ biển như tên lửa có cánh và không quân của hải quân – những lực lượng đã được sử dụng rất hiệu quả trong các cuộc xung đột quân sự mấy thập kỷ trở lai đây.
Các tiếp cận như thế nào cho thích hợp?
Một thành tố giữ vai trò ngày càng quan trọng trong cân bằng quân sự- chiến lược nữa – đó là các hệ thống phòng không có chức năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo và tên lửa có cánh các lớp khác nhau. Tuy nhiên Mỹ đã đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước vào tháng 6/2002 .
Chính quyền Tổng thống Bush con khi đó tuyên bố về dự định xây dựng hệ thống phòng không theo tuyến đặt trên mặt đất, trên biển, trong không gian và trên vũ trụ.
Dưới thời Tổng thống Bush con, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai 44 tên lửa GBI. Ngoài ra Mỹ cũng dự định triển khai trận địa phòng không thứ 3 với 10 tên lửa đánh chặn hai tầng GBI ở Ba Lan (và còn ở một số nước Nam Âu).
Chính quyền B.Obama vào năm 2009 đã thay đổi cơ bản các ưu tiên của phòng thủ chống tên lửa, tập trung sự quan tâm vào hệ thống phòng không chiến trường. Mỹ đã quyết định hạn chế số lượng tên lửa chống tên lửa GBI ở con số là 30.
Cùng thời gian đó, B.Obama tuyên bố về việc từ bỏ nghiên cứu hàng loạt các hệ thống phòng không chiến lược, trong đó có KEI, MKV và chương trình vũ trụ cũng như việc bố trí trận địa thứ 3 ở Đông Âu. Đồng thời tuyên bố về cách tiếp cận có điều chỉnh theo giai đoạn tại Châu Âu (được chia thành 4 giai đoạn cho đến năm 2020.
Cách tiếp cận này xem xét việc triển khai trong giai đoạn 4 (sau năm 2018 ) các tên tên lửa đánh chặn đã được cải tiến SM-3 Block 2B có khả năng đánh chặn “hạn chế” các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Từ đây xuất phát sự quan ngại về việc Mỹ có thể triển khai hệ thống phòng không chiến lược theo tuyến trong tương lai.
Theo tuyên bố của Giám đốc cơ quan phụ trách hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ Patric O Raily thì, “ trước hết chương trình SM-3 Block2B “ có chức năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và nó cũng được nghiên cứu cho chính mục đích ấy”.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét việc bố trí các tên lửa đánh chặn SM-3 trên các tàu Hải quân Mỹ đang được trang bị hệ thống “ Eagic”.
Đến năm 2020 sẽ có khoảng 94 tàu Mỹ như vậy được trang bị hàng trăm tên lửa đánh chặn. Số lượng các tàu được trang bị như vậy thuộc biên chế của Hạm đội Đại Tây Dương của Mỹ có thể lên đến con số 20 .
Trong số đó có khoảng 1/3 sẽ được bố trí ở Biển Địa Trung hải và Biển Bắc. Có tàu này có thể định kỳ đi vào các biển nằm ngay biên giới Nga như Biển Đen, Biển Ban tích, Biển Baren. Và điều đó có nghĩa là làm tăng khả năng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga bị đánh chặn ngay ở đoạn giữa quỹ đạo bay.
Một bản báo cáo gây tranh cãi khác của các chuyên gia về NMD đã được công bố tháng 4/2011 dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia . Nhóm tác giả dưới sự chủ trì của David Montagu, cựu chủ tịch Cơ quan nghiên cứu tên lửa của Hãng Lochheed và U. Sloykomb và cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời B. Clinton đã chuẩn bị và cho công bố bản bản cáo như đã nói ở trên.
Theo đánh giá của các tác giả bản báo cáo thì hệ thống NMD “ Eagic”, THAAD và “Patriod-3” hoàn toàn có thể bảo vệ có hiệu quả lực lượng Quân đội Mỹ và đồng minh ở Châu Âu, tại Trung Cận Đông và phần phía tây của Thái Bình Dương trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.
Bản báo cáo trên cũng khẳng định là nếu tốc độ của tên lửa đánh chặn không ít hơn 4m/s thì để bảo vệ Châu Âu cần 3 đến 4 kh vực NMD đặt trên đất liền và triển khai trên biển.
Sự hiện diện của các tên lửa đánh chặn như vậy cũng chp phép bảo vệ Mỹ trước các nỗ lực của đối phương ngăn các lực lượng của Mỹ tiếp cận Tây Thái Bình dương và cũng có thể bảo vệ các căn cứ ở Guam và Okinawa.
Nếu các biện pháp trên được thực hiện đầy đủ thì Mỹ không cần thiết phải tiến hành giai đoạn 4 của “Cách tiếp cận có điều chỉnh” và triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 Block2B ở Ba Lan và các khu vực khác.
Theo quan điểm của các tác giả, giai đoạn 4 không cần thiết đối với cả NMD và acr trên chiến trường và không phải là phương án tối ưu bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Để bảo vệ lãnh thổ Mỹ, các chuyên gia tác giả báo cáo cho rằng cần phải thành lập khu vực phòng thủ thứ 3 NMD chiến lược trên vùng duyên hải phía đông của Mỹ.
Để đạt mục đích này các chuyên gia khuyến cáo chế tạo các tên lửa đánh chặn chiến lược mới KEI cấp 1 và cấp 2 mà Chính quyền B. Obama đã cho dừng dự án vào năm 2009.
6. Một số ý cuối
Tất cả các số liệu và luận chứng đã dẫn ở trên cho thấy trong thế giới đa trung tâm như hiện nay thì sự cân bằng cán cân quân sự- chiến lược không thể chỉ liên quan đến Lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga mặc dù 2 nước này sở hữu đến 90 % kho vũ khí hạt nhân.
Hiện nay, ngoài Mỹ và Nga thì một số các nước khác sở hữu khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân, đó là các nước Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, số lượng vũ khí hạt nhân mà các nước trên sở hữ không lớn (so với Nga và Mỹ) hoàn toàn không có nghĩa là các cường quốc hạt nhân đó có thể vẫn tiếp tục đứng ngoài chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân. Các nước trên phải dần dần tham gia vào hiệp ước.
Tiến trình giải trừ quân bị, trong đó có vũ khí hạt nhân, phải không chỉ là tiến trình song phương mà phải mang tính chất đa phương. Nội dung kiểm soát vũ khí hạt nhân cần phải có các giải pháp đa phương để giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Điều đó đòi hỏi các nước thuộc “câu lạc bộ hạt nhân” đã ký Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân tham gia vào tiến trình đàm phán.
Việc Trung Quốc tham gia vào tiến trình này có một ý nghĩa đặc biệt vì nước này có từ 55 đến 65 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và có khả năng tăng nhiều lần kho vũ khí hạt nhân của mình.
Vì phần lớn các hệ thống tên lửa, máy bay tầm xa và máy bay không quân chiến trường của TQ có chức năng kép, có nghĩa là có thể sử dụng với vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, rất nhiều các chuyên gia cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhiều hơn rất nhiều so với số liệu mà Phương Tây đưa ra (180- 220 đầu đạn).
Tình hình càng phức tạp hơn khi có nhiều cơ sở để khẳng định về sự hiện diện các đường ngầm khổng lồ dưới mặt đất tại Trung Quốc có thể bí mật cất giữ các kho vũ khí hạt nhân của nước này. Nhiều chuyên gia Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc đã không còn tuân thủ ngưỡng kiềm chế tối thiểu mà theo đuổi các mục đích tham vọng hơn là sẽ đuổi kịp các cường quốc hạt nhân (Mỹ và Nga) vào giữa thế kỷ XXI.
Một sự không minh bạch như vậy sẽ gây khó khăn cho việc tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Còn một nhiệm vụ phức tạp nữa – đảm bảo việc thống kê tiềm lực hạt nhân của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không tham gia Công ước không phổ biến vũ khí hạt nhân: Israel, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên trong các tiến trình đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Cần phải tìm ra cách tiếp cận có thể chấp nhận được để thuyết phục các nước trên rằng các tiềm lực hạt nhân của họ cần phải được thống kê trong tiến trình giải trừ vũ khí.
Toàn những nhiệm vụ (nói đúng ra là sứ mệnh) không dễ dàng chút nào.
Nhân đây xin cung cấp thêm một thông tin không mấy lạc quan: ngày 11/02/2015 , Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ( IISS) cho công bố tại London một bản báo cáo với tiêu đề “Cán quân quân sự 2015” trong đó có chi tiết là chi phi quân sự trên thế giới năm 2014 đã tăng lên 1,4% - lần đầu tiên kể từ năm 2010 (năm Mỹ và Nga ký Hiệp ước mới về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược).
Có vẻ như một cuộc chạy đua vũ trang mới (đối xứng hay phi đối xứng) là khó tránh khỏi.
(Theo Đất Việt) Lê Hùng dịch và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét