Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

"Cầu đồng tồn dị", vì mục tiêu tốt đẹp của đất nước
 Cập nhật lúc 15:00    
            
Với thái độ “cầu đồng tồn dị”, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chấp nhận sự khác biệt giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước và người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong một lần đến tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), tôi được nghe một hướng dẫn viên du lịch ở đây kể lại câu chuyện cảm động. Một cụ bà Việt kiều ngoài tám mươi tuổi, sống ở đất nước bên kia bán cầu, hơn nửa đời người mới về thăm quê hương và đến thăm viếng Đền Hùng. Sau khi thắp hương, tưởng niệm anh linh các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, cụ đề nghị Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho phép cụ xin một nắm đất tại núi Nghĩa Lĩnh với một nguyện ước: “Lần đầu tiên về thăm Đền Hùng, hòa vào dòng người ấm áp hành hương về nguồn cội, tôi càng thấm thía hơn nghĩa tình sâu nặng quê hương. Tôi muốn mang theo nắm đất linh thiêng này về nước để thờ cúng cùng tổ tiên cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Đó cũng là cách giúp tôi khuây khỏa những năm tháng cuối đời và cũng là để vợi bớt nỗi nhớ quê cha đất Tổ!”. Tâm nguyện của cụ bà Việt kiều đã được đáp ứng ngay sau đó trong niềm chia sẻ chân thành của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-2014), khi lên tham quan di tích Đồi A1, tôi vô tình gặp vợ chồng ông Giuyn-lơ Va-dơ, 55 tuổi, đến từ nước Pháp. Ông Giuyn-lơ có 15 năm phục vụ quân đội và khi xuất ngũ, mang cấp hàm trung úy. Trên Đồi A1, ông Giuyn-lơ đã có những cử chỉ bất ngờ khiến tôi không khỏi xúc động. Đến vị trí đặt bia ghi công của quân ta tại Đồi A1, ông đứng nghiêm trang, giơ tay chào với tư thế chững chạc của một người lính. Lúc ở bên cạnh xác chiếc xe tăng Bazeille của Pháp bị quân ta bắn cháy sáng 1-4-1954, ông cúi xuống nhặt mấy viên đá bỏ vào túi xách của vợ. Rồi bất chợt, ông quỳ xuống gần một gốc cây trên Đồi A1, dùng hai bàn tay bới đất rồi lấy chiếc mũ phớt đang đội trên đầu mình xuống, bỏ đất vào đó. Trên gương mặt đầy xúc cảm, ông Giuyn-lơ nói: “Tôi muốn mang về nước Pháp vài viên đá và mấy nắm đất ở nơi chiến thắng vĩ đại của đất nước các bạn, để bày tỏ sự khâm phục một dân tộc đã rất anh dũng trong chiến đấu, biết quý trọng hòa bình, nhưng cũng giàu tình cảm nhân ái, khoan dung”.
Tôi nghĩ vị cựu sĩ quan Pháp Giuyn-lơ đã không quá lời. Bởi ít có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, thấu hiểu những nỗi đau ghê gớm do chiến tranh để lại như dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần tư tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, một mặt, dân tộc Việt Nam dám đánh, quyết đánh và đánh đến cùng bọn xâm lăng cướp nước; nhưng mặt khác, dân tộc ta cũng rất khoan dung, độ lượng. Khi giặc đầu hàng, không những không trả thù, mà ngược lại còn đối đãi tử tế và cấp phương tiện, lương thảo cho chúng trở về nước. Hiếu sinh mà không hiếu sát, căm thù quân xâm lược mà không giết hại khi chúng thất bại là truyền thống nhân nghĩa cao cả của dân tộc ta. Với con người Việt Nam, sau khi “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”!        
 
Ảnh minh họa/Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Mang trong mình phẩm chất, tâm thế ấy từ hàng nghìn đời nay, dân tộc ta luôn mở rộng vòng tay để đón bạn bè khắp năm châu bốn biển, trong đó có cả những người Việt đã từng một thời “lạc lối lầm đường”. Với những người như thế, Đảng, Nhà nước ta luôn lấy tình đồng bào để cảm hóa họ, giúp họ hướng về điều hay lẽ phải và những giá trị, niềm tin tốt đẹp của cội nguồn, dân tộc. Trong mấy chục năm qua, nhất là sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986), Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp và lực lượng trong xã hội với thái độ “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung nhất, lớn nhất để cùng chung sống hòa thuận, gắn bó với nhau, không vì cái nhỏ, cái khác biệt trong suy nghĩ, phong tục, tập quán, lối sống mà gây chia rẽ, mất đoàn kết; đồng thời chấp nhận sự khác biệt giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước ta và người Việt ở nước ngoài, nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đối với những người “đi theo phía bên kia” trong các cuộc chiến tranh trước đây, chúng ta sẵn sàng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hồi hương, thăm thân và hợp tác làm ăn cùng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Từ Cương lĩnh của Đảng đến Hiến pháp của Nhà nước đều khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Từ chủ trương đúng, chính sách nhất quán và thái độ ứng xử trước sau như một, hằng năm số Việt kiều về thăm quê hương ngày càng đông, góp sức người, sức của cho Tổ quốc ngày càng nhiều. Chỉ tính 4 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về nước liên tục gia tăng. Nếu như năm 2000, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam mới đạt 1,3 tỷ USD, thì mười năm sau, năm 2011 con số này lên tới 9 tỷ USD. Ba năm qua (2012-2014), lượng kiều hối tăng dần từ 10, 11 đến 12 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, Việt Nam là một trong 12 nước trên thế giới có số lượng kiều hối từ 10 tỷ USD trở lên. Đó là những “con số biết nói” thể hiện niềm tin của bà con Việt kiều đối với môi trường hòa bình, ổn định của đất nước và những triển vọng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển.
Nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thêm “nhịp cầu với Tổ quốc”, đầu tháng 2-2015, Bộ Ngoại giao nước ta đã chính thức thiết lập tổng đài bảo hộ công dân qua đường dây nóng (+84 4 62 844 844). Duy trì liên tục 24/24 giờ, tổng đài này đáp ứng khoảng 1.500 cuộc gọi mỗi ngày. Từ đây, gần 5 triệu kiều bào và người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài sẽ có thêm cơ hội gần gũi với “tiếng nói quê hương”, được trợ giúp pháp lý và giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời, qua đó có thể phòng tránh, ngăn ngừa được những hệ lụy, rủi ro ngoài ý muốn ở nơi “đất khách quê người”.
Không chỉ dành những tình cảm thân thiện, bao dung với kiều bào, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn thực hiện chính sách khoan hồng đối với những phạm nhân biết ăn năn hối cải và phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Tính từ năm 2007-thời điểm Luật Đặc xá được ban hành-đến năm 2013, qua xem xét, quyết định các đợt đại xá, đặc xá, Nhà nước ta đã tha tù trước thời hạn cho khoảng 8 vạn người, trong đó có hàng chục người nước ngoài từng phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, truyền thống nhân ái của dân tộc, tinh thần nhân đạo của Đảng, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đã và đang góp phần to lớn vào việc củng cố và tăng cường khối đoàn kết và sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao ý thức và niềm tự hào dân tộc, xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp, tạo nền tảng cho sự ổn định chính trị và môi trường thuận lợi để phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
(Theo QĐND) THIỆN VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét