Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Hoán đổi nợ thành cổ phiếu cho Vinaline: “Viettinbank tự ôm đống giấy lộn”

Cập nhật lúc 09:35     

Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi nói về chủ trương hoán đổi nợ của Công ty Hàng hải Vinalines thành cổ phần của Ngân hàng Viettinbank. Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành thì: "Số tiền 5 nghìn tỷ đồng Viettinbank cho Vinaline vay bây giờ như chuyển từ mục nợ xấu thành cổ phần xấu".  


Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng ý chủ trương để Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) bằng cách đổi nợ vay để lấy cổ phần. Ông có đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Ông Bùi Kiến Thành: Việc Viettinbank được Nhà nước cho phép tham gia làm cổ đông chiến lược của Vinalines chỉ là một cách nói khéo, chứ thật sự ra thì tiền đã mất rồi, bây giờ chỉ còn cách xóa nợ để lấy cổ phần. Không đòi nợ được thì xóa nợ, mà xóa nợ không lẽ nào lại đi về tay không, nên phải lấy một phần cổ phần của Vinalines.
Nhưng bây giờ giá trị thị trường  của Vinalines là bao nhiêu và tự nhiên Viettinbank  biến thành cổ đông chiến lược để làm gì? Vấn để ở đây, Vinalines là một công ty Hàng hải, nó có chuyên ngành chuyên chở hàng hóa hàng hải,  vận hành một số cảng biển. Trong khi Viettinbank lại chuyên về Ngân hàng thì làm sao  làm cổ đông chiến lược của một công ty vận chuyển hàng hải được?
PV:Vai trò của một cổ đông chiến lược quan trọng như thế  nào, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Cổ đông chiến lược là không phải chỉ đóng góp tài chính mà còn đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ,... tất cả những gì liên quan đến ngành ấy, để vực cái công ty đó dậy cho nó phát triển. Một cổ đông chiến lược bình thường của một công ty hàng hải  phải rất giàu kinh nghiệm về vấn đề vận chuyển hàng hải quốc tế thì mới có thể giúp đỡ cho Vinalines biến thành một công ty Hàng hải quốc tế mạnh.
Còn Viettinbank chỉ là ngân hàng, bây giờ lại trở thành cổ đông chiến lược của một công ty Hàng hải thì sẽ làm cái gì? Liệu có kinh nghiệm đi đặt hàng trên thế giới hay không?

Vietinbank sẽ là cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng
Số tiền 5 nghìn tỷ đồng Viettinbank cho vay bây giờ như chuyển từ mục nợ xấu thành cổ phần xấu.Mà nếu bây giờ không nói đến cổ phần xấu hay tốt thì hỏi cổ phần đó có giá trị bao nhiêu. Vinalines có phải là một công ty ăn nên làm ra hay là công ty đang đứng trước bờ vực phá sản. Một công ty mất khả năng thanh toán là đứng trước bờ vực phá sản rồi. Vì vậy, khi Viettinbank có 5 nghìn tỷ đồng trong một công ty đứng trước bờ vực phá sản thì có giá trị gì ?
Chủ trương này của NHNN chỉ giúp cho Viettinbank xoá sổ món nợ 5 nghìn tỷ đồng. Vì rõ ràng nợ của Vinaline đã biến thành nợ xấu, không đòi được nên việc lấy cổ phẩn của một công ty gần chết chỉ là để xóa nợ.
PV:Vậy, Viettinbank có được lợi gì trong chủ trương này?
Ông Bùi Kiến Thành: Làm sao mà có lợi được khi Viettinbank có đến 5 nghìn tỷ đồng mà bây giờ ôm một đống cổ phần của một công ty sắp chết. Bây giờ rõ ràng là chuyển đổi từ 5 nghìn tỷ đồng nợ thành 5 nghìn tỷ đồng cổ phần. Thế 5 nghìn tỷ đồng cổ phần có giá trị tương ứng với 5 nghìn tỷ đồng nợ, hay thành 5 nghìn tỷ đồng giấy lộn rồi lại đổi đống giấy lộn đó để lấy một đống giấy lộn khác.
Viettinbank  gần như  vẫn là Ngân hàng quốc doanh, dù đã cổ phần hóa được bao nhiêu cổ phần đấy. Vì vậy, khi trở thành cổ đông chiến lược của Vinaline sẽ rất khó khăn, không phải Nhà nước bảo làm thì làm, bây giờ phía Ngân hàng phải có một Hội đồng cổ đông quyết định việc này chứ không phải Viettinbank chỉ là một thành viên của Nhà nước nữa.
Việc quyết định đổi 5 nghìn tỷ đồng nợ xấu này thành 5 nghìn tỷ đồng cổ phần thì cần phải có cả hội đồng cổ đông để thông qua.Cả vấn đề quy định về pháp luật để thực hiện chuyển đổi cũng không hề đơn giản.
PV:Như ông nói, chủ trương hoán đổi này không có lợi cho phía ngân hàng. Trong khi đó, NHNN lại cho rằng, cách hoán đổi nợ này không chỉ là biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà còn giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn. Vậy theo ông, Vinalines có giảm bớt được khó khăn không?
Ông Bùi Kiến Thành: Giảm bớt khó khăn cái gì! Nhìn xem bao nhiêu công ty con của Vinaline, có công ty nào là làm ăn có lời, kinh doanh có lãi?
Trong khi đó, theo nhiều báo cáo mà Thanh tra Nhà nước tìm hiểu thì tình hình phát triển kinh tế của Vinalines đứng trong tình trạng không phát triển được và không có phương tiện để thanh toán những món nợ xấu. Cả công ty mẹ, công ty con cũng ở trong một tình trạng, như vậy thì giá trị của Tổng công ty đó là cái gì mà lấy cổ phần.
Cùng với vấn đề Viettinbank trở thành cổ đông chiến lược thì phải có chiến lược đó là gì? Dự án phục hồi phát triển Vinalines là cái gì bây giờ phải có chiến lược rõ ràng chứ không phải chỉ là xóa nợ không. Xóa nợ rồi làm gì để công ty đó tồn tại, cái đó vẫn chưa thấy ai nói đến?
Giờ bảo phải thanh toán thì bắt buộc phải chấp nhận số cổ phần như giấy lộn thế thôi. Vấn đề ấy chỉ là  chính sách của Nhà nước, chứ còn nói  để vực dậy, tái cấu trúc hay là để phục hồi, vận hành Vinalines  thì chưa thấy có đường lối nào cả.
(Theo Tầm nhìn) Nguyên Hương thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét