Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Không được viện trợ thêm, Ukraine “ra đòn” vào doanh nghiệp EU

Cập nhật lúc 14:51     

(Tin tức 24h) - Tờ báo thương mại “Vzglyad” cho biết, thảm họa kinh tế đã buộc Kiev đi ngược hội nhập châu Âu khi áp thuế bổ sung, gây hại cho doanh nghiệp EU.

Ukraine áp thuế bổ sung, doanh nghiệp EU kêu trời
Cuộc hội nhập châu Âu vội vã và không định hướng cùng với động tác tuyệt giao thương mại với Nga đã đưa Ukraine đến chỗ bế tắc kinh tế, từ đó có những hành động “không đẹp” đối với các doanh nghiệp châu Âu - bài viết trên tờ báo kinh doanh “Vzglyad” nhận xét.
Giới doanh nghiệp châu Âu đang bực tức vì hành động của chính quyền Ukraine, quyết định trong một năm áp thuế bổ sung từ 5-10% với hầu như toàn bộ các ngành hàng nhập khẩu, chỉ trừ ngoại lệ "quan trọng sống còn" là năng lượng nhập khẩu (than, khí đốt, dầu mỏ, điện).
Với quyết định trên, hầu hết những người chịu tác động là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu châu Âu, bởi hiện nay Nga và Ukraine đang đình chỉ các hoạt động thương mại, Ukraine chỉ còn quan hệ kinh tế duy nhất với Nga là trên lĩnh vực năng lượng mà than, khí đốt, dầu mỏ, điện thì lại không bị áp thuế.
Kiev biện minh cho việc áp thuế bổ sung là nước này hiện đang rất khó khăn, cần phải ổn định cán cân thanh toán của đất nước và bù đắp cho ngân sách bị thâm hụt. Tuy nhiên, theo góc nhìn pháp luật, qui định thuế này là hành động phi lý kế tiếp của quan chức Ukraine.
Quyết định áp thuế bổ sung đã vi phạm chuẩn mực và pháp luật quốc tế, mà chính Ukraine đã đặt chữ ký cam kết. Hơn nữa, động thái này phá hoại bản thân đường lối hội nhập châu Âu - “mục tiêu hấp dẫn” đã huy động dân chúng Ukraine tụ tập ở Maidan để làm nên cuộc chính biến, đi theo con đường châu Âu.
Thuế nhập khẩu không chỉ vi phạm các quy định của WTO, mà còn đặt ra câu hỏi nghi ngờ về sự cần thiết ký kết phần kinh tế trong hội nhập với EU, vốn là cơ sở cho tự do thương mại giữa châu Âu và Ukraine, đồng thời là một nền tảng quan trọng trong tiêu chí xét duyệt các nước gia nhập Liên minh châu Âu.


Kinh tế phá sản, EU từ chối viện trợ thêm, Ukraine chỉ trông đợi vào các khoản vay của IMF
Tờ “Vzglyad” đưa ra nhận định, giới kinh doanh Ukraine được nuôi dưỡng bằng câu chuyện thần thoại là hội nhập với EU sẽ mở ra thị trường mới rất rộng lớn, vì thế có thể gạt các đối tác Nga xuống hàng thứ yếu nhưng họ đã nhầm lẫn một cách cơ bản.
"Nhưng rốt cuộc đánh mất thị trường cũ (là Nga) nhưng lại không mở ra được cái mới. Người châu Âu từng hứa hẹn quá nhiều bây giờ đã cho Kiev hiểu rõ rằng châu Âu đơn giản là không cần đến hàng hoá của Ukraine”, - báo dẫn nhận định của chuyên viên Sergey Kozlovsky từ Grand Capital.
Được biết, quyết định của Ukraine được đưa ra sau khi nền kinh tế của nước này lâm vào tình trạng nguy ngập. Đích danh tân Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Aivaras Abromavichus - 1 trong 3 bộ trưởng người nước ngoài của Ukraine đã phải lên tiếng thừa nhận là nền kinh tế của Ukraine “trên thực tế đã phá sản”.
Châu Âu từ chối viện trợ thêm cho Ukraine
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như cuộc xung đột với lực lượng ly khai thân Nga kéo dài gần 1 năm đã khiến tỷ giá đồng Hryvnia của Ukraine thấp đến mức kỷ lục, làm tê liệt nền kinh tế và gần như bị phá sản sau nhiều năm tham nhũng và tình trạng quản lý kinh tế yếu kém của Ukraine.
Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế và thương mại mới Ukraine đưa ra những biện pháp cần được thực hiện để đơn giản tối đa hoạt động kinh doanh, để Ukraine có thể nâng lên vị trí cao hơn từ vị trí 112 trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh. Trong năm 2014, Ukraine được xếp hạng thứ 96.
Trong năm nay, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí cấp cho Kiev 17 tỷ USD trong vòng 2 năm (số tiền này thuộc gói cứu trợ tài chính trị giá 27 tỷ USD dành cho Ukraine). Tuy nhiên, số tiền này là không đủ để vực dậy nền kinh tế, ngoài những khoản đã được lên kế hoạch thì Ukraine sẽ cần thêm 15 tỷ USD nữa.


Kinh tế phá sản, cuộc sống nhân dân Ukraine đang gặp khó khăn
Theo tạp chí The Financial Times, nguồn hỗ trợ này là cần thiết vì GDP của Ukraine đã sụt giảm 7%, đồng thời xuất khẩu sang Nga cũng bị đình trệ. Sự sụt giảm này gây ra nỗi lo dòng vốn sẽ chảy ra nhanh hơn và lượng dự trữ ngoại hối giảm hơn 20% (tương đương 10 tỷ USD) trong tháng 11.
Thêm vào đó, từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Ukraine ở đây, Kiev đã mất khoảng 20% doanh thu từ các hoạt động thương mại. Đồng thời, việc mua khí đốt với giá cao của Nga (trước đây là 263USD/1000m3 khí) cũng khiến Ukraine phải trả thêm những khoản tiền khổng lồ.
Để giảm bớt căng thẳng về vấn đề tài chính của đất nước, chính phủ Ukraine đã đề ra những chính sách cải cách kinh tế mà chủ yếu là việc tăng thuế của người dân cùng với các biện pháp cắt giảm chi tiêu công để thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng” theo đề xuất của các chủ nợ quốc tế.
Thế nhưng theo thông tin mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính Ukraine cần thêm 15 tỷ USD ngoài hạn ngạch để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế. Kiev đã cầu cứu Brussels nhưng EU đã từ chối giúp đỡ thêm cho cho Ukraine với lí do “khả năng viện trợ của Liên minh châu Âu có hạn”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết vào hôm 17-12: "EU chỉ có thể giúp đỡ Ukraine trong khoản ngân sách của mình. Các dòng ngân sách liên quan của EU đã bị siết chặt, trong khi đó, nguồn ngân sách dự trữ linh động cho các vấn đề tài chính trong năm tới chỉ còn lại một ít”.
Ông Jean-Claude Juncker cho rằng, nếu Liên minh châu Âu sử dụng toàn bộ nguồn ngân sách dự trữ của mình để viện trợ cho Ukraine thì EU sẽ không còn gì để giải quyết các vấn đề tài chính của các nước thành viên phát sinh trong 2 năm tiếp theo.
(Theo Đất Việt) Toàn Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét