Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Vụ học viên cai nghiện bỏ trốn ở Hải Phòng: Trung tâm cai nghiện phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm

Cập nhật lúc 09:27  


Lực lượng chức năng phong tỏa các tuyến đường ở TP.Hải Phòng

Vào lúc 22h ngày 14.9, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp báo khẩn cấp để thông tin về vụ việc các học viên Trung tâm cai nghiện bỏ trốn do ông Lê Khắc Nam, PCT UBND TP Hải Phòng chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các sở ngành liên quan.

Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng Phạm Hữu Thư cung cấp thông tin về vụ việc học viên bỏ trốn khỏi Trung tâm giáo dục lao động xã hội. Theo đó, có khoảng hơn 300 học viên tự ý qua khỏi cổng Trung tâm về nhà.
Ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng - cho biết, thời điểm hiện tại, Trung tâm có trên 900 học viên. Trong số này, có 250 học viên đã chấp hành xong thời hạn cai nghiện 2 năm, nhưng có biểu hiện chống đối, ý thức kém, nên phải ở lại tiếp tục cai nghiện thêm thời hạn từ 1 – 2 năm theo Nghị định 94 của Chính phủ.
70% số này có tiền án tiền sự, 40% có HIV. Những học viên này thường xuyên kích động, khống chế các học viên tích cực. “Việc xảy ra đánh nhau giữa các học viên ở Trung tâm là chuyện thường ngày ở đây” – ông Toàn khẳng định.
Ngày 26.8, tại Trung tâm đã xảy ra vụ đánh nhau giữa hai nhóm học viên tích cực và nhóm chống đối. Chúng tôi đã báo cáo và công an huyện Thủy Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý các đối tượng vi phạm. Đến ngày 13.9, hai nhóm lại tiếp tục đánh nhau. Đến sáng 14.9, 3 học viên của đội 6 trong lúc được cán bộ đưa sang phòng cách ly đã bơi qua sông bỏ trốn. Đến chiều thì diễn ra tình trạng hàng trăm học viên bỏ Trung tâm như đã phản ánh.
Về các ý kiến cho rằng các học viên bị đối xử hà khắc, cường độ lao động quá cao, chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, làm việc tại các lò tái chế rác thải, khai thác đá độc hại, ông Nguyễn Quang Toàn cho rằng,Trung tâm có yêu cầu học viên lao động, vì lao động là một liệu trình trong quá trình điều trị cai nghiện. Tuy nhiên, không có việc học viên phải làm việc quá vất vả. Trung tâm có nhiều xưởng sản xuất, chăn nuôi, trồng nấm, ao hồ… và có một xưởng sản xuất nên lò phải đốt liên tục, học viên được hưởng chế độ. Về xưởng tái chế, là do đối tác bên ngoài làm chứ không phải Trung tâm.
Theo ông Toàn, một nguyên nhân khiến các học viên bức xúc là các học viên cai nghiện theo Nghị định 94, chế độ bị giảm sút (360.000 đồng/tháng so với 450.000 đồng/tháng của đối tượng cai nghiện theo Nghị định 135 của Chính phủ). Mặc dù Trung tâm có bù để học viên được hưởng đủ, nhưng 450.000 đồng/tháng thì chế độ ăn không thể như ở nhà được” – ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, Trung tâm được xây dựng theo hướng mở, không tường rào, nên khi các học viên tự ý bỏ về, Trung tâm chỉ có thể tuyên truyền, vận động chứ không thể dùng bạo lực. Sau khi các học viên tự ý bỏ Trung tâm, nhiều người đã được gia đình đến đón về nhà. Một số đã xin quay trở lại Trung tâm. “Theo quan điểm của Trung tâm, việc giữ các học viên lại không phải là vấn đề. Họ có thể điều trị cai nghiện bằng biện pháp methadone” – ông Toàn nói.
Ông Lê Khắc Nam - PCT UBND TP Hải Phòng cho biết: Sau khi nhận được thông tin về việc học viên bỏ trốn, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an, các sở ngành đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình đoàn học viên di chuyển, kiểm soát không để xảy ra tình trạng đập phá hay xô xát.
Cũng theo ông Nam, trước khi tổ chức họp báo, UBND TP cũng đã có cuộc họp với các ngành, trong đó tìm các biện pháp để xử lý vụ việc. Các địa phương nơi có học viên bỏ về sẽ đến tận nhà vận động để các học viên quay trở lại Trung tâm.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu Trung tâm phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cũng như những hạn chế, tồn tại của đơn vị. “Thành phố sẽ có các biện pháp để chấn chỉnh lại các hoạt động ở Trung tâm” – PCT Lê Khắc Nam nói.

(Theo Lao động) Hoàng Hoan – Việt Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét