Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

“Bến đỗ” cho quan chức nghỉ hưu

 Cập nhật lúc 13:42                  

Có người đã gọi đó là hiện tượng “lót ổ” trước khi nghỉ hưu.
Thời gian gần đây, dư luận ồn ào trước việc một cán bộ cao cấp sau khi nghỉ hưu 8 tháng đã tham gia vào Ban lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà mình từng có trách nhiệm quản lý. Có người đã gọi đó là hiện tượng “lót ổ” trước khi nghỉ hưu. Câu chuyện này cũng khiến người ta bàn nhiều hơn về “bến đỗ” của các quan chức nghỉ hưu nói chung.  
Vị cựu quan chức được dư luận nhắc tới chính là cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Chỉ 8 tháng sau khi rời nhiệm sở, ông đã trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như không có chuyện ông cựu Bộ trưởng này từng trực tiếp ký quyết định phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, sau đó lại ký quyết định chỉ định chính Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm nhà đầu tư dự án.
 
Nhiều quan chức nghỉ hưu nhưng chưa muốn “nghỉ việc” (Ảnh minh họa)
Trong nền kinh tế thị trường, việc một quan chức nghỉ hưu lại tham gia Ban lãnh đạo doanh nghiệp với tất cả kinh nghiệm mà mình có được là một việc làm đáng khuyến khích. Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp mà mình từng có trách nhiệm quản lý trước đó và liệu hai bên có “lợi ích” gì qua cái bắt tay hợp tác này? Đó mới là điều mà dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, không phải đợi đến câu chuyện của vị cựu quan chức ngành Giao thông Vận tải, người ta mới xôn xao, ồn ào về “bến đỗ” của các quan chức nghỉ hưu. Trước đó, một nhân vật khác cũng tốn giấy mực không kém của báo giới, đó là vị cựu Bộ trưởng, nguyên là Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng lớn, bị cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố. Dư luận ồn ào bởi lẽ, ông là người quá nổi tiếng, là tiến sĩ kinh tế được đào tạo bài bản, từng kinh qua các chức vụ quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, được coi như "cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp 2005 và khi đương chức, ông đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp của một vị chính khách già dặn kinh nghiệm.
Dư luận cho rằng, câu chuyện của hai cựu Bộ trưởng có thể không giống nhau về bản chất nhưng lại có một điểm chung là họ đã lựa chọn “bến đỗ” không phù hợp.
Quan chức nghỉ hưu nhưng chưa muốn “nghỉ việc” đã không còn là hiện tượng cá biệt. Năm 2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố một báo cáo cho biết, cả nước hiện có 400 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó 83% lãnh đạo hội là cán bộ từng công tác ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, 26 Chủ tịch Hiệp hội nguyên là Thứ trưởng ở các Bộ, ngành. Việc hợp tác này chắc chắn là “có lợi” cho cả hai bên nhưng chưa chắc đã có lợi cho xã hội. Bởi theo đánh giá của VCCI, bộ máy chủ chốt của các hiệp hội phần lớn là già nua, hoạt động mang đậm dấu ấn của cơ quan hành chính. Và như thế, mục tiêu lập hội để kết nối các doanh nghiệp cùng ngành hàng, đoàn kết phát triển, phần lớn không đạt được. Hiệp hội ngày càng bị méo mó, vô tình trở thành “bến đỗ” của quan chức nghỉ hưu.
Thực tế thì không phải quan chức nào sau khi nghỉ hưu cũng sẵn sàng tham gia vào các hội, hiệp hội và doanh nghiệp với vai trò lãnh đạo hay cố vấn. Một số khác lựa chọn nghỉ ngơi một cách hợp lý. Nghỉ việc nhưng không có nghĩa là bàng quan với thời cuộc. Bằng tất cả những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác, họ tham gia tư vấn, góp ý vào chính sách, những vấn đề vĩ mô của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc… với mong muốn sẽ có những chính sách tốt hơn cho thế hệ sau.
Biết dừng ở đâu là đủ và biết sử dụng chất xám của mình như thế nào sau khi hết trách nhiệm làm việc “Nhà nước” là sự chủ động của mỗi người. Nhưng dư luận vẫn có quyền phán xét rằng, cách lựa chọn đó có hợp lý hay không?./.
Hương Giang/VOV-Trung tâm Tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét