Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Trung Quốc dịu giọng, nghi vấn quân đội bất tuân "thượng lệnh"

Cập nhật lúc 07:40

(Tin tức 24h) - Trong lúc lãnh đạo TQ đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Ấn Độ thì có nghi vấn, quân đội TQ không hợp tác?
Trung Quốc dịu giọng vì sự thắt chặt Ấn Độ - Mỹ
Theo trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tại cuộc họp báo ngày 25/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự kiện đối đầu Trung - Ấn gần Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới hai nước thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Cảnh Nhạn Sinh cho rằng biên giới Trung - Ấn vẫn chưa phân định, nên việc có lúc xảy ra tình hình cá biệt là khó tránh khỏi, nhưng việc này sẽ không ảnh hưởng đến đại cục hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Theo phát ngôn viên này, đối với một số vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới, hai bên đều có đường liên lạc thông suốt, thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết thỏa đáng, cùng kiểm soát tình hình, bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực biên giới.
Về tình hình xảy ra gần đây, hai bên đã thông qua cơ chế hữu quan tiến hành trao đổi hiệu quả. Hiện nay, tình hình đã được kiểm soát kịp thời và hữu hiệu, có thể nói khu vực biên giới Trung - Ấn là hòa bình.

Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh: plus.google.com) 
Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh: plus.google.com)
Về việc thực hiện Hiệp định hợp tác biên phòng hai nước ký kết năm ngoái và vai trò của hiệp định trong ngăn chặn xảy ra tình trạng đối đầu ở biên giới, ông Cảnh Nhạn Sinh cho rằng có những nội dung trong hiệp định này đã được thực hiện, có nội dung đang trong quá trình thực hiện.
Căn cứ vào tinh thần của hiệp định hợp tác biên phòng và các hiệp định khác giữa hai nước, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành kiểm soát hiệu quả, kịp thời tình hình ở biên giới. Điều này cho thấy tính cần thiết và hiệu quả của hiệp định. Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố và tăng cường hữu nghị và lòng tin giữa hai nước, bảo vệ hiệu quả hòa bình và ổn định khu vực biên giới.
Động thái "trấn an" này của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm với sự kiện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên đường sang thăm Mỹ nhằm cải thiện quan hệ cũng như thúc đẩy trao đổi thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên này, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Obama, người đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Ấn Độ là một đối tác không thể thiếu của Mỹ trong thế kỷ 21.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama không chỉ xem Ấn Độ như một đối tác thương mại nhiều tiềm năng mà còn là một đối tác chính trị quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc kháng thượng lệnh?
Trong khi lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ thì có nguồn tin cho rằng, hàng nghìn binh sĩ Trung Quốc có vẻ như đang ngấm ngầm bất tuân "thượng lệnh".
Theo Forbes, trong thời gian chuyến thăm của ông Tập tới Ấn Độ, ngày 18/9, khoảng 1.000 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập phía nam Ladakh, 1 trong 2 khu vực tranh chấp dọc đường kiểm soát thực tế (LAC), ranh giới tạm thời giữa 2 nước.
Theo Forbes, các binh sĩ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã mang thiết bị hạng nặng và tuyên bố xây dựng một “con đường tạm”.
Vụ việc này chỉ được biết đến vào cuối buổi trưa, chỉ một giờ trước khi diễn ra bữa tiệc mà ông Modi đã ra lệnh chuẩn bị để tiếp đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì thế, trong lúc 1.500 binh sĩ Ấn Độ được điều đến khu vực để ứng phó, ông Modi đã yêu cầu ông Tập ra lệnh rút quân và Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý.
Theo tờ Deccan Chronicle, ông Tập đã thú nhận với Thủ tướng Modi rằng ông không biết gì về vụ việc này. Các binh sĩ Trung Quốc chỉ bắt đầu rút đi khi ông Tập rời New Delhi ngày 19/9.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự khi thăm Ấn Độ ngày 18.9 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự khi thăm Ấn Độ ngày 18/9
Sự việc trên đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng có một âm mưu ngấm ngầm chống ông Tập từ một bộ phận chỉ huy cấp cao của PLA. Cũng có thể đó là những cá nhân trong hàng lãnh đạo chính trị đang rắp tâm làm suy yếu vị thế ông Tập, theo tờ Forbes.
Những chỉ thị của ông Tập ngay sau khi trở về từ New Delhi càng làm gia tăng nghi ngờ của giới truyền thông Ấn Độ và quốc tế.
Cụ thể, ngày 21/9, ông Tập đã có bài phát biểu tại cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu PLA ở Bắc Kinh.  Theo Tân Hoa xã, trong bài phát biểu, ông Tập đã nhấn mạnh “sự trung thành tuyệt đối và niềm tin chắc chắn vào Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Tập cũng đã đề cập sự cần thiết của một “hệ thống chỉ huy thông suốt” và kêu gọi các chỉ huy chiến trường “đảm bảo mọi quyết định từ ban lãnh đạo trung ương phải được thực hiện đầy đủ”.
Một thông báo được đưa ra sau cuộc họp có sự tham dự của Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy và các chỉ huy cấp cao khác còn nhấn mạnh “mọi lực lượng của PLA phải tuân theo những chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Tân Hoa xã.
(Theo Đất Việt) Lan Anh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét