Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

22:21
 Sinh mệnh của người dân và chỉ tiêu giảm tải

SGTT.VN - Trong khi đề xuất “tăng thu phí”, “thêm phí mới” của bộ trưởng bộ Giao thông vận tải đang làm người dân “choáng váng” thì đề xuất “siết chuyển viện” do bộ trưởng bộ Y tế vừa đưa ra như cú đánh bồi khiến nhiều người thật sự “lảo đảo”.

Dù thuộc hai lĩnh vực khác nhau, nhưng những đề xuất trên cùng có một điểm chung là nhằm giải quyết những vấn đề gây bức xúc công luận nhiều năm qua: quá tải trong giao thông và quá tải trong khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng, bất hợp lý ở đây là trong khi những vấn nạn này được xem là hậu quả của việc thiếu tầm nhìn của những nhà hoạch định chính sách trong một thời gian dài, và thay vì khắc phục bằng những giải pháp toàn diện và căn cơ, nhà hoạch định chính sách lại bắt người dân trực tiếp lãnh nhận những hậu quả đó.
Bắt một người bình thường lãnh hậu quả từ việc làm của người khác đã là bất nhẫn, huống hồ gì đây là người bệnh, bởi điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước trên sức khoẻ con người. Trò chuyện với một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, nơi hàng ngày tiếp nhận bệnh nhân từ tỉnh khác hoặc vượt tuyến đến hơn 60% lượng bệnh, người này nói: “Tôi không hiểu “siết chuyển viện” đưa ra là vì bệnh nhân hay để chữa cháy nạn quá tải. Là người quản lý y tế, người ta càng phải hiểu rằng người bệnh có quyền được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc tốt nhất. “Siết chuyển viện” là đụng đến quyền cơ bản này, thậm chí có thể đe doạ đến tính mạng của bệnh nhân”.
Một thực tế không ai phủ nhận được là trình độ chuyên môn và đầu tư trang thiết bị của bệnh viện tuyến dưới có một khoảng cách nhất định so với tuyến trên, vậy tại sao lại đi “ngăn sông cấm chợ” không cho người dân chọn nơi có những điều kiện tốt nhất để chữa bệnh? Có dịp đi công tác nhiều nơi, GS.TS Trần Tịnh Hiền (nguyên phó giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM) cho biết, không ít bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư máy thở trong các đợt dịch cúm trước đây, thế nhưng từ đó đến nay máy chỉ trùm mền vì thiếu người sử dụng. Không nói đâu xa, ngay ở bệnh viện quận 2, TP.HCM, khảo sát tuần qua của ban Văn hoá – xã hội HĐND thành phố, cho thấy ở đây người ta vẫn còn sử dụng máy chụp CT… một lát cắt, thế hệ máy gần như không còn được sử dụng vì quá lỗi thời. Vậy thử hỏi khi đặt chân đến những cơ sở y tế này để khám chữa bệnh, liệu bệnh nhân có an tâm chữa trị hay xin chuyển tuyến?
Đầu tháng này, một trường hợp sản phụ trẻ tử vong ở một quận nội thành TP.HCM khiến người biết chuyện không khỏi suy nghĩ. Khi chuyển dạ, để tiện việc đi lại, sản phụ này chọn sinh ở một bệnh viện tuyến dưới. Đó là một ca sinh bình thường, nhưng do tay nghề của bác sĩ tuyến dưới có hạn, không phát hiện và xử trí kịp một sự cố trong khi sinh, nên dù được chuyển lên tuyến trên, sản phụ đã tử vong. Có người đặt giả thiết: Phải chi sản phụ này chịu “vượt tuyến”, nơi có nhiều thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ để “vượt cạn” thì có lẽ đã không tử vong oan uổng!
Bắt một người bình thường lãnh hậu quả từ việc làm của người khác đã là bất nhẫn, huống hồ gì đây là người bệnh, bởi điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước trên sức khoẻ con người.
Thế nhưng, khi bệnh nhân đi khám chữa bệnh, niềm tin của họ nơi thầy thuốc đôi khi còn quan trọng hơn cả yếu tố chuyên môn, kỹ thuật. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, phân tích: “Tại sao phụ huynh có con bị sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn muốn vượt tuyến đến các bệnh viện thành phố chữa trị? Họ bỏ tiền, tốn công sức là để mua lấy sự an tâm. Khi bệnh viện tuyến dưới mang lại chuyện này có lẽ bệnh nhân chẳng muốn vượt tuyến làm gì”. Nhưng không phải khi nào vượt tuyến chữa bệnh cũng tốn kém so với chữa ở tuyến dưới. Tại Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chữa bệnh ở một nơi có đầy đủ chuyên gia, thì dù đi xa vẫn hiệu quả về kinh tế hơn so với chữa bệnh ở nơi gần nhưng đội ngũ chuyên môn và thiết bị thiếu thốn. Ở nước ta, cơ sở y tế tuyến trên chắc chắn phải đầy đủ chuyên gia hơn so với tuyến dưới.
Tuy nhiên, trong khi giải pháp “siết chuyển viện” còn gây bức xúc trong công luận, thì đề xuất phạt bệnh viện tuyến trên nếu tiếp nhận bệnh nhẹ khiến nhiều lãnh đạo bệnh viện thật sự bức xúc. Phó giám đốc một bệnh viện tuyến trên bày tỏ: “Bộ Y tế cứ ra công văn cấm đi rồi sẽ biết hậu quả như thế nào. Bệnh nhân đến là thầy thuốc phải tiếp nhận và chữa bệnh, làm sao đuổi họ đi được. Lỡ khi đó họ nhẹ, nhưng vài tiếng sau trở nặng thì thế nào? Chẳng may họ tử vong hoặc tai biến trên đường về nhà, ai chịu trách nhiệm?” Và ngay cả với một bệnh nhân “nhẹ” thật sự, câu chuyện cũng không đơn giản. Thực tế cho thấy là ở những bệnh viện tuyến dưới hiện nay khi bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện, dù là bệnh nhẹ, nhưng bác sĩ cũng khó lòng từ chối vì sợ lỡ chẳng may bệnh nhân có bề gì thì người nhà sẽ đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu bác sĩ.
Bất lực trong việc đưa ra những giải pháp chiến lược, nôn nóng có thành tích để trấn an dư luận, dường như đang là tư duy phổ biến của không ít nhà quản lý. Kết quả của kiểu tư duy này là sự ban hành những giải pháp mang tính mệnh lệnh, quan liêu, đè nặng thêm lên cuộc sống đang quá nhiều lo toan của người dân. Khi hỏi năm bác sĩ công tác ở những bệnh viện tuyến trên suy nghĩ gì về “sáng kiến” giảm tải của bộ Y tế, ba người trong số họ cùng có chung một suy nghĩ: Đó là kiểu sáng kiến áp đặt, xa rời thực tế bởi bản thân con cháu hoặc người nhà của những người ra chính sách này khi bị bệnh cũng phải tìm đến bệnh viện và thầy thuốc tốt nhất chứ lẽ nào tuần tự đi theo tuyến chữa trị.
Phan Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét