Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

16:15
Chuyện không phải của riêng Bộ Giao thông Vận tải
TuanVietNamnet- Để loại bỏ được xe gắn máy thì những thành phố lớn của chúng ta phải có tầm vóc tương đương với các đô thị hiện đại khác ở các nước phát triển, cả về cơ sở hạ tầng lẫn dân trí. Điều này không thể có được trong ngày một ngày hai, không thể trông chờ vào riêng Bộ GTVT.

Trong bài viết Giao thông đường bộ: Cấm gì? Thu gì?, tác giả Nguyễn Ngọc Hùng nhắc nhở chúng ta một chi tiết quan trọng: Xe gắn máy (cụ thể là mô-tô) còn là một phương tiện mưu sinh. Cấm xe gắn máy mà không có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đào tạo dạy nghề, tạo công ăn việc làm mới thì chẳng khác gì dồn nhiều người dân vào cảnh sống dở chết dở.
Bỏ cái cũ, phải có cái mới thay thế
Do đó, việc cấm xe gắn máy nói riêng, và giải quyết các vấn nạn giao thông nói chung, đặt ra trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ.
Để loại bỏ xe gắn máy có hai phương cách: Cấm và đào thải gián tiếp. Việc "cấm" có lẽ không cần giải thích thêm, còn "đào thải gián tiếp" cần nói rõ hơn.
Khi hiện đại hóa hệ thống vận tải công cộng chẳng hạn, thì người dân tự giác rời bỏ xe gắn máy. Vận tải công cộng tốt sẽ giải thoát họ khỏi trở ngại nắng, mưa, gió chướng. Vận tải công cộng cũng không đòi hỏi sức khỏe thể chất và tinh thần nhiều như điều khiển xe gắn máy.
Hệ thống vận tải công cộng ở Hà Nội hiện nay, ngoài bộ phận học sinh sinh viên truyền thống và đông đảo, đã thu hút được nhiều người cao tuổi và nhân viên công chức.
Bản thân tôi, với thâm niên tám năm nay đi xe buýt từ lúc học đại học đến khi đi làm, đã nghe thấy những người cao tuổi tiết lộ lý do họ chọn xe buýt: Rẻ, an toàn, không phải phiền con cháu. Còn với nhân viên công chức: Sạch sẽ hơn, thái độ phục vụ tốt hơn.
Đó là một ví dụ về đào thải gián tiếp xe gắn máy. Để loại bỏ cái cũ thì tất nhiên phải có cái mới để lựa chọn và cái mới ấy phải tốt hơn để được chọn.
Với những xe gắn máy làm phương tiện thồ hàng và kinh doanh thì vấn đề phức tạp hơn.
Thứ nhất, nó là biểu hiện của nền kinh tế cá thể, nhỏ lẻ, manh mún - chẳng hạn những chiếc xe chở hai sọt đầy lương thực, thực phẩm ra chợ đầu mối.
Thứ hai, nó phù hợp với túi tiền của đa số người dân và có tính cơ động cao trong môi trường đường sá loang lổ, nhiều ngóc ngách. Muốn loại bỏ phương tiện này thì chẳng còn cách nào khác ngoài việc tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng mạng lưới giao thông rộng rãi, thuận tiện.
Các đô thị phải xứng tầm
Như vậy, vấn đề đặt ra là hết sức to lớn, liên quan tới nhiều bộ, ngành. Nếu chỉ dựa vào những công cụ của Bộ Giao thông Vận tải thì không những không giải quyết được mà còn dẫn tới tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Để loại bỏ được xe gắn máy thì những thành phố lớn của chúng ta phải có tầm vóc tương đương với các đô thị hiện đại khác ở các nước phát triển, cả về cơ sở hạ tầng lẫn dân trí. Điều này không thể có được trong ngày một ngày hai, không thể trông chờ vào riêng Bộ GTVT.
Tác giả Nguyễn Ngọc Hùng đưa ra một lộ trình 10 năm, song e rằng như vậy vẫn quá sức.
Ngay cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng mới đang là công trường ngổn ngang, nửa nông thôn nửa thành thị. Tất nhiên không thể đưa tất cả ngược về thời bao cấp - với phương tiện phổ biến là xe đạp!
Trước một bài toán hóc búa và trọng đại, đừng nên quy hết trách nhiệm cho Bộ GTVT và cũng đừng mong Bộ GTVT ôm đồm cả những phần việc mà mình không chuyên trách. Chúng ta có quyền hy vọng, nhưng hãy căn cứ vào thực lực của mình. Duy ý chí, đốt cháy giai đoạn sẽ dẫn tới những nỗi thất vọng ghê gớm!
Đào Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét