Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

 21:01
Tái cơ cấu DNNN:
Nghi ngại lợi ích nhóm cản đường
LTS: Chỉ còn ít ngày nữa là hết tháng 3 – thời điểm chốt, buộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải trình phương án tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) để Chính phủ, đơn vị chủ quản phê duyệt. Đã có nhiều cuộc hội thảo đóng góp ý kiến về việc thực hiện tái cấu trúc DNNN.

Ngày 23.3, cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo bàn về khía cạnh cạnh tranh khi tái cơ cấu. Trước đó, ngày 22.3, liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo với chủ đề “Thể chế, hành lang pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty, DNNN”. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi hội thảo nhằm mục đích góp phần định hướng những lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế. Xung quanh đề tài tái cơ cấu DNNN, báo Sài Gòn Tiếp Thị xin chuyển tải một số băn khoăn của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết qua cuộc trò chuyện dưới đây.
“Ngại cho phá sản, chậm cổ phần hoá, không muốn bỏ cơ quan chủ quản… là những hiện tượng có thể có nguyên nhân lợi ích nhóm trong quản lý DNNN . Trở ngại này cần sớm được loại bỏ”. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XII, chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh vấn đề “lợi ích nhóm” – cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, nhất là trong tái cơ cấu DNNN.
Thưa ông, việc tái cơ cấu DNNN hiện nay có vấn đề gì cần quan tâm?
Chính phủ đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu DNNN… Quốc hội cũng đã cho ý kiến về vấn đề này. Nhưng hiện vẫn có câu hỏi quan trọng nhất cần trả lời, đó là: “Tái cơ cấu để làm gì?”
Nếu tái cơ cấu để DNNN khắc phục yếu kém, tăng cường năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh thì nhất thiết phải làm, không có gì phải băn khoăn. Nhưng, tái cơ cấu để giãn nợ, xoá nợ, chia nợ… thì nguy hiểm lắm, vì nó chỉ là một liều thuốc an thần, giảm đau bộ phận này bằng cách làm lây bệnh sang bộ phận khác để rồi cả cơ thể cùng nhiễm bệnh mỗi ngày một nặng thêm. Ví dụ điển hình là tái cơ cấu “kiểu chia nợ” của Vinashin. Việc chia nợ của Vinashin cho Vinalines và PVN đã gây khó khăn cho các DN này. Báo chí cũng đã đưa tin, Vinalines thừa nhận thua lỗ do phải gánh phần trách nhiệm được chuyển giao từ đội tàu Vinashin sang và đã xin Thủ tướng bán tàu để cắt lỗ…
Tình trạng DNNN làm ăn thua lỗ trắng tay vẫn không được phá sản được một số đại biểu Quốc hội gọi là “chết không được chôn”.
Nguyên nhân chính làm chậm trễ quá trình cổ phần hoá là lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ mà lâu nay được mang một cái tên mới: “lợi ích nhóm”.
Ông nghĩ nguyên nhân của tình trạng này là gì, liệu có vì “lợi ích nhóm”?
Tôi cho rằng có thể có nguyên nhân là vì quan niệm “DNNN là nòng cốt” của nền kinh tế. Phải chăng chúng ta phải cố bảo vệ quan điểm này? Trong nông nghiệp, chúng ta đã vật vã ngót 30 năm mới chịu thừa nhận sai lầm của mô hình hợp tác xã (HTX). Đáng tiếc là trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế, mô hình “HTX” vẫn ngự trị cho tới tận bây giờ. Tập đoàn kinh tế nhà nước cũng giống như một loại “HTX bậc cao” thôi. Quy mô càng lớn thì làm ăn càng bết bát, càng ảnh hưởng xấu đến túi tiền chung, đến nền kinh tế...
Lối thoát tốt nhất mà chúng ta đã tìm ra cho HTX nông nghiệp là khoán hộ, rồi trả lại đất canh tác cho người nông dân, để họ hợp tác với nhau trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Còn lối thoát tốt nhất cho các DNNN bây giờ là cổ phần hoá (CPH).
Nhưng vì sao một giải pháp sáng giá, lành mạnh như thế lại triển khai rất ì ạch?
Ở đây có thể có lý do là Nhà nước chưa đủ tự tin vào các biện pháp chống thất thoát tài sản của mình trong CPH. Kinh nghiệm nước Nga cho thấy điều đó. Nước Nga vốn có chế độ kinh tế giống nước ta, không có nhiều người quá giàu. Nhưng chỉ vài ba năm sau khi Liên Xô sụp đổ, thực hiện chính sách tư nhân hoá thì xuất hiện nhiều tỉ phú cỡ bự. Việc thất thoát do CPH ở Việt Nam cũng đã xảy ra nên có thể các cơ quan hữu trách còn phân vân. Nhưng hình như đây không phải là lý do chính. Bởi vì nếu những biện pháp đã áp dụng chưa có hiệu quả thì phải tìm biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ tài sản công trong CPH. Trên đời, chẳng ai chịu khoanh tay đứng nhìn con tàu chìm mà không tìm mọi cách cứu nó, hoặc ít nhất là cứu lấy thân mình.
Nguyên nhân chính làm chậm trễ quá trình CPH là ở lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ mà lâu nay đã được mang một cái tên mới là “lợi ích nhóm”.
DNNN, hay nói đúng hơn là những người đứng đầu DN, không muốn rời khỏi bầu vú của Nhà nước.
Còn cơ quan chủ quản thì coi DNNN là bình sữa của mình. Sữa ấy cũng vắt ra từ bầu vú Nhà nước nên chẳng ai mất gì, trừ Nhà nước và nhân dân. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa kỷ luật một vị lãnh đạo bộ vì một số khuyết điểm, trong đó có chuyện vay tiền DN vô nguyên tắc. Tôi biết, có vị lãnh đạo cấp bộ trước khi đi công tác nước ngoài còn ghé DNNN lấy đỡ vài chục triệu làm lộ phí cơ. Chắc những chuyện như vậy không hiếm đâu.
Có vẻ như DN thuộc diện đặc biệt Nhà nước cần nắm giữ vốn được nêu trong đề án tái cơ cấu vẫn quá nhiều, thưa ông?
Quan niệm về “DN diện đặc biệt, diện nhạy cảm, diện quan trọng Nhà nước cần nắm giữ” cũng cần được xem lại. Nhìn sang các nước phát triển, có mấy nước giữ DN trong tay Nhà nước như ta? Một số ngành “xương sống” họ vẫn để tư nhân làm, Nhà nước chỉ thực hiện công tác quản lý, điều hành bằng công cụ pháp luật. Thậm chí, DN thuộc lĩnh vực quốc phòng ở Anh, Mỹ cũng là DN tư nhân; chính phủ chỉ đóng vai khách mua hàng. Chính các DN này cũng cạnh tranh nhau, anh nào bán hàng tốt, rẻ thì chính phủ mua. Để bán hàng thì cấu tạo, tính năng, tác dụng của vũ khí như thế nào đều phải công khai hết. Bởi vì trong quân sự, bí mật nằm ở chiến thuật, ở cách sử dụng chứ không phải nằm ở vũ khí. Ở nước ta hiện nay, đến may quần áo cho quân nhân cũng phải có DNNN thì thực là không cần thiết. Tôi cho rằng phải đánh giá lại sự cần thiết duy trì các DNNN đặc biệt này. Xem DN là đặc biệt, rồi cho nó cơ chế đặc biệt, tiền rót vào vô tội vạ, chi tiêu, lỗ lãi không công khai, minh bạch thì trước sau cũng đi đến kết quả như Vinashin thôi.
Nhiều ý kiến từng đề xuất lập cơ quan ngang bộ để làm đầu mối quản lý, giám sát, chịu trách nhiệm chính về DNNN, nhưng hiện nay có vẻ câu trả lời sẽ là “tổng cục” thuộc bộ Tài chính, ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Chúng ta đang có một đơn vị chuyên đảm nhiệm việc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là SCIC. Phải nói thẳng là SCIC hoạt động chưa hiệu quả. Qua giám sát hoạt động của các DNNN, nhiều đại biểu Quốc hội khoá trước từng nhận xét là SCIC chỉ mới lo được việc cấp vốn, không quản lý được chuyện lỗ lãi. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là nâng cao năng lực cho đơn vị này để làm tròn sứ mệnh kinh doanh vốn nhà nước của nó. Vì chức năng đặc biệt này, nó, và chỉ nó, nên được coi là DNNN đặc biệt. Còn bộ Tài chính, theo chức năng của mình mà giám sát.
Hà Minh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét