Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

09:19
 Đến lúc phải hành động 

(HNM) - Sau sự kiện người dân "vây" cây xăng Đồi Nên ở Bắc Giang vì nghi ngờ bán xăng kém chất lượng, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả, sau kiểm nghiệm cả ba mẫu xăng A92 của cây xăng này đều không đạt.
Có lẽ ở thời điểm này, vấn đề chất lượng xăng dầu vẫn là câu chuyện nhạy cảm sau khi liên tiếp xảy ra những vụ cháy xe bất thường, khiến người dân lo lắng, và nguyên nhân phần lớn được dư luận dồn vào xăng dầu. Mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra những kết luận ban đầu, loại trừ khả năng xe cháy vì xăng kém chất lượng. Nhưng kết luận này chưa đủ thuyết phục để làm yên lòng người tiêu dùng, song dường như nó lại là cơ sở để những người có ý đồ làm ăn gian dối yên tâm hành động.

Thực ra, chuyện quanh các cây xăng thì không phải chờ đến các vụ cháy xe mới nóng. Đã từ rất lâu rồi, chẳng mấy người dân có niềm tin vào những cây xăng. Ban đầu là chuyện đong điêu, bán thiếu, thậm chí bằng những thủ đoạn tinh vi như gắn chíp điện tử, điều khiển từ xa… kế đến là gian dối về chất lượng. Quả thật, đong thiếu thì bằng cảm quan có thể biết được, chứ sản phẩm kém chất lượng thì người dân làm sao đủ "thông thái" để mà biết. Khắc phục tình trạng này, chẳng có cách nào khác là xử lý những đối tượng sản xuất,

buôn bán xăng rởm. Nhưng cũng thật tiếc là việc ấy các cơ quan chức năng lại chưa làm được, dù họ hưởng lương từ thuế do dân đóng góp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của dân. Xăng tiêu chuẩn octan 92% nhưng chỉ còn 56% thì nơi bán không thể nói là không biết, còn cơ quan quản lý có thể vì trách nhiệm chưa cao nên không kiểm tra, không giám sát. Chỉ khi dân lên tiếng thì họ mới chậm chạp vào cuộc, thậm chí đến nguồn gốc hàng chục nghìn lít xăng ấy từ đâu họ cũng mập mờ, không công khai trước dân.

Mặt khác, hành vi vi phạm của các cây xăng rõ ràng là gian lận thương mại gây thiệt hại cho khách hàng cả về tài chính và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhưng hiện nay các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong xử lý vì Nghị định 104/NĐ-CP ngày 16-11-2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không quy định việc đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi gian lận nói trên. Vì thế, chưa có cơ sở bán xăng rởm nào bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm. Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh kiểm tra phát hiện 11 trạm bán xăng kém chất lượng. Còn tại Hà Nội cũng phát hiện 5 cửa hàng bán xăng không bảo đảm. Nhưng dường như số tiền phạt vài chục triệu đồng là quá ít ỏi so với lợi nhuận từ gian lận xăng dầu khiến cho các chủ kinh doanh không sợ.

Dân gian có câu "con giun xéo lắm cũng quằn". Sự việc người dân phản ứng gay gắt, bao vây cây xăng ở Bắc Giang được xem như một sự tự vệ bất đắc dĩ của người tiêu dùng. Nhưng đó chỉ là một phản ứng đơn lẻ trong tình thế "cực chẳng đã". Còn việc xử lý tận gốc vấn đề vẫn cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý. Dư luận cho rằng đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả của những cá nhân vi phạm, đưa ra xét xử điểm một vài vụ kinh doanh xăng dầu kém chất lượng là việc làm có hiệu quả răn đe trong tình hình hiện nay.

Đã đến lúc phải hành động, vì quyền lợi người tiêu dùng và an toàn xã hội, các cơ quan quản lý, phải vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm hơn.


Nữ Quỳnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét