Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

'Hiện trạng sân bay Tân Sơn Nhất là bài học lớn cho dự án Long Thành'

Cập nhật lúc 14:58  
               
Ủng hộ chủ trương nhưng đại biểu Quốc hội đề xuất cần công khai và thuyết minh rõ hơn việc hơn 1.000 ha đất quốc phòng trong dự án sân bay Long Thành.

Thảo luận tại tổ về việc bồi thường dự án sân bay Long Thành sáng 27/10, nhiều đại biểu đặt vấn đề về hơn 1.000 ha đất quốc phòng cho dự án.
Minh bạch chuyện 1.000 ha đất quốc phòng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa yêu cầu Chính phủ giải trình thêm việc 1.000 ha đất quốc phòng cho sân bay Long Thành, khi báo cáo khả thi hoàn toàn không nói đến.
"Đây là tiền của dân, tiền ngân sách đổ vào, phải chứng minh tính hợp lý của việc sử dụng 1.000 ha này, sự cần thiết, cấp bách của nó", ông Nghĩa nói. 
Thu hồi đất quốc phòng theo chính sách khác, biểu giá bồi thường khác. Phải đảm bảo đất đó sử dụng đúng mục đích quốc phòng, không để bồi thường cho mục đích quốc phòng nhưng thực tế lại khác. Chính điều đó khiến người dân bức xúc.
Dẫn lại thực tế vừa qua đất quốc phòng được cho tư nhân thuê làm sân golf, xây biệt thự, căn hộ cho thuê 50 năm, đại biểu này cho rằng đây là điều "không ổn".
Theo ông Nghĩa, người dân TP.HCM và nhiều nơi chứng kiến đất quốc phòng thành khách sạn, nhà hàng kinh doanh tiệc cưới, chung cư cho thuê... Bao nhiêu đất quốc phòng thành đất kinh tế thuần túy, không dính tí nào quốc phòng. Toàn bộ tiền thu đó, ai hưởng lợi?
Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa đề xuất, với 1.000 ha đất quốc phòng dành cho sân golf Long Thành, cần làm rõ có cấp bách đến thế không, có cần toàn bộ diện tích đó không.
"Muốn giải tỏa phải có luận cứ, luận chứng, vì có thể tốn tới 4.000 tỷ giải tỏa, số tiền rất lớn", ông Nghĩa nói.
Trong quy định cũng cần nêu rõ "cấm các hành vi lợi dụng dự án để trục lợi cho cá nhân, tổ chức và các nhóm lợi ích", ông Nghĩa nêu.
"Quốc hội phải giám sát chặt dự án, bằng cách này hay cách khác, để một mặt đảm bảo tiến độ, mặt khác thực hiện đúng mục tiêu, không thể khoán cho địa phương, bộ ngành. Có nhiều trường hợp có sai phạm ở địa phương, đại biểu nơi khác lên tiếng trong khi đại biểu địa phương im thin thít".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì chỉ rõ dự án huy động nguồn đất lớn, nhưng 2025 mới đưa vào sử dụng và giai đoạn đầu cũng chỉ sử dụng 1.165 ha, còn 4.000 ha mà chúng ta giả sử đã giải phóng mặt bằng, đã đền bù sẽ sử dụng như thế nào. Đất quốc phòng hơn 1.000 ha, có được khai thác, sử dụng hay không? Nếu có khai thác kinh doanh trong khi chờ đợi, thì nguồn thu quản lý thế nào? Những vấn đề này phải được minh bạch.
Trong khi đó, Phó đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết những ngày qua cử tri khu vực quận Tân Bình (TP.HCM) tiếp tục liên lạc với ông để chia sẻ mối quan tâm về dự án sân golf Long Thành cũng như chưa thấy giải pháp rõ nét về dự án sân golf trong sân bay. Cử tri lo ngại sân bay Long Thành rồi cũng bất cập như Tân Sơn Nhất.  
“Cử tri điện cho tôi, xin phép 5 sĩ quan tướng lĩnh ra nơi nghỉ của đoàn, để trình bày tiếp. Tôi đã đề nghị bình tĩnh, đoàn liên tục đeo bám, kiến nghị đề xuất, sau kỳ họp báo cáo lại”, ông Khuê thông tin.
 'Hien trang san bay Tan Son Nhat la bai hoc lon cho du an Long Thanh' hinh anh 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Thắng Quang.
Yên dân là mục tiêu
ĐB Nguyễn Văn Chương cho rằng sân bay Long Thành phải giải quyết được vấn đề "yên dân". Xác định mục tiêu ấy để giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển dự án Long Thành.
Nhận thức của dân về dự án này đã khác khá nhiều 5 năm trước. Tiếng nói đồng thuận ngày càng tăng, mà thể hiện rõ nhất người dân Tân Bình. Vấn đề là xây dựng thế nào để hợp lòng dân, bàn giải pháp để đảm bảo dự án thành công khi các bước đi của dự án đã tương đối đủ về thủ tục pháp lý.
Các đại biểu lưu ý, dự án Long Thành lớn, đụng đến diện tích đất nhiều dễ tạo ra mâu thuẫn, xung đột. Liên quan đến đất đai, thực tế đã có nhiều vấn đề bất cập, tránh tình trạng lấy danh nghĩa mục tiêu dự án để chệch mục tiêu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ qua báo cáo khả thi có thể thấy việc chuẩn bị tương đối tốt, với đầy đủ nội dung cần thiết, bao gồm tái định cư, di dời nghĩa trang. Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý phải giải trình sâu hơn, hoàn chỉnh thêm, bởi quá trình thực thi thường phát sinh vấn đề.
"Khi xây dựng phải tính kỹ, bởi sẽ thắc mắc, khiếu nại lẫn nhau. Đó là đặc trưng của quá trình giải tỏa đền bù. Nhiều khi dân thích chỗ cũ, vì quen thuộc, không phải vì điều kiện sống khác nhau", ông Nghĩa nói.
Việc đất chưa sử dụng, nếu cho khai thác kinh doanh, cần làm rõ nếu tạo nguồn thu thì ai hưởng lợi? Một số địa phương gần đây có hiện tượng tài sản Nhà nước cho doanh nghiệp thuê giá thấp, gây bức xúc trong dân.
"Đền bù, giải tỏa phải chôn tiền vào đó thì mới có đất sạch. Khai thác là đúng, nhưng khai thác như thế nào, thì phải có luận chứng khả thi cho việc khai thác ấy, và có nguyên tắc quy định chung cho việc đó", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông đề nghị cần xây dựng các nguyên tắc, quy định, làm cơ sở triển khai thực hiện việc bồi thường, giải tỏa đất, một dạng luật thu nhỏ cho dự án, với quy định chặt trong từng giai đoạn, tình thế... để tránh sơ hở, tiêu cực và gây bức xúc trong dân.
 'Hien trang san bay Tan Son Nhat la bai hoc lon cho du an Long Thanh' hinh anh 2
Phối cảnh dự án Sân bay Long Thành. 
ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng khi đi vào triển khai có thể phát sinh vấn đề trong thực hiện, nếu không giám sát thì dễ nhiều vấn đề.
“Khu vực này đang rất sôi động, phân lô, mời chào, với giá ảo. Không biết kế hoạch đó triển khai cuộc sống cho người dân khu vực nào. Hiện trạng sân bay Tân Sơn Nhất là bài học lớn, để xung quanh sân bay là người dân đến sinh sống, còn người dân tái định cư nhường đất cho dự án thì khó khăn”, ông Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Khuê, chưa có cuộc họp nào đánh giá, kiểm tra nơi ở tái định cư đúng nguyên tắc nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Ai đảm bảo hạ tầng xã hội, quy hoạch kiến trúc hoàn thiện. Ngoài ra còn có tình trạng có thể có việc "bán lúa non", chuyển nhượng thu lời, chứ không phải người dân vùng dự án được tận hưởng tối ưu.
“Tổng mức đầu tư lớn, lộ trình thời gian như vậy, đại biểu chúng ta ai cũng lo. Thu hồi diện tích lớn mà không khai thác, để như vậy, e rằng mầm phức tạp, vì đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng tạm thời thì sẽ ra sao. Liệu có xảy ra tình trạng tái chiếm, cho thuê trái phép, làm biến dạng ý tưởng, mục tiêu ban đầu. Quốc hội phải giám sát chặt và liên tục trong suốt quá trình thực hiện dự án”, Phó đoàn ĐBQH TP.HCM nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) nêu vấn đề “sao không xây dựng các khu định cư dạng như khu đô thị đáng sống với các tiện ích tích hợp, để tâm lý người dân ở cạnh sân bay Long Thành, họ tự hào đóng góp cho sân bay tầm cỡ, được sống ở nơi đáng sống.
Chúng ta còn cơ hội, thời gian để xây khu đô thị tái định cư, không được như Phú Mỹ Hưng nhưng cũng phải có phần gần giống như vậy, để người dân an tâm, ổn định hơn, và việc đóng góp là có lý, có tình”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhóm phóng viên Zing.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét