Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Cuối năm chia nhau trăm tỷ, sếp lớn, sếp nhỏ tiền đổ vào nhà


Cập nhật lúc 10:45

Hàng trăm tỷ đồng được các doanh nghiệp đổ dồn vào lương thưởng Tết, cổ phiếu thưởng, cổ tức… cuối năm khiến túi tiền của cổ đông và không ít người lao động căng phồng dịp Tết. Tuy nhiên, qua thống kê các chương trình esop và thưởng tết thì những người được thưởng lớn nhất là các cấp quản lý bậc cao và bậc trung. Hay nói cách khác, những khoản thưởng lớn nhất thường đến với các sếp lớn, sếp nhỏ. 

Hào phóng trăm tỷ
ĐHCĐ thường niên Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa thông qua kế hoạch phát hành gần 3,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (cổ phiếu ESOP) nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập Tập đoàn với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá trên 50.000 đồng/cp.
Đây là một thông tin sốc nữa về lương thưởng dịp Tết mà một DN công bố. Cán bộ nhân viên Tập đoàn Hoa Sen sẽ chỉ cần bỏ ra gần 35 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này và đổi lại họ sẽ thu về số lượng cổ phiếu có trị giá gần 180 tỷ đồng. Số tiền chênh “rơi” vào túi những người được mua cổ phiếu ESOP lên tới khoảng 145 tỷ đồng, một con số có thể nói là rất lớn.
 Cuối năm chia nhau trăm tỷ, sếp lớn, sếp nhỏ tiền đổ vào nhà
Nhiều doanh nghiệp chi thưởng Tết rất lớn.
Trong năm 2016, HSG đã 2 lần trả cổ tức cho năm trước (25% tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu) và sẽ trả khoảng cổ tức 10% bằng tiền mặt, phát hành cổ phiếu (trong đó có cổ phiếu thưởng) với tỷ lệ tối đa 75% để tăng vốn từ gần 2 ngàn tỷ hiện nay lên gần 3,5 ngàn tỷ đồng.
Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã phát hành khoảng 9 triệu cổ phiếu ESOP trị giá hàng ngàn tỷ đồng cho cán bộ nhân viên của DN với giá thấp chỉ bằng khoảng 25%, giúp nhân viên có thể có được phần chênh lên tới gần ngàn tỷ đồng. Vinamilk cũng chi vài ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho năm 2016.
CTCP Thế giới di động (MWG) cũng vừa phát hành hơn 7,3 triệu cổ phiếu ESOP tổng trị giá trên 1,1 ngàn tỷ đồng nhằm ghi nhận đóng góp của người lao động cho sự phát triển và hiệu quả kinh doanh vượt bậc của DN trong thời gian qua.
Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) gần đây gây sốc với quyết định lần đầu tiên kể từ khi lên sàn trả cổ tức bằng tiền 30% và kế hoạch thưởng cổ phiếu 2:1 để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được các doanh nghiệp đổ dồn vào cổ phiếu thưởng, cổ tức… cuối năm được xem là khoản thưởng Tết cho cổ đông và người lao động. Nhiều khoản tiền lớn bất ngờ đổ đầu người lao động.
Gần đây, giới đầu tư cũng xôn xao với câu chuyện thưởng Tết Đinh Dậu 7 tháng lương của Techcombank. Nhân viên xuất sắc được thưởng 6 tháng lương cộng với tháng lương thứ 13 khiến túi tiền của người lao động căng phồng.
Rồi tin đồn Vietcombank thưởng Tết khủng 170 triệu đồng cho mỗi nhân viên, cho dù NH này cho biết chưa có quyết định chính thức về việc thưởng Tết 2017. Nhiều DN trong lĩnh vực bất động sản trong 2 năm gần đây cũng đồng loạt công bố thưởng Tết rất lớn do ghi nhận hoạt động kinh doanh rất tốt trong năm 2015 và 2016.
Làm thuê: Sống nhờ lương, giàu nhờ thưởng
Có thể thấy, không phải dịp Tết năm nay các DN mới có các khoản thưởng lớn. Trong nhiều năm gần đây, cứ dịp Tết đến, hàng loạt các NH và DN lớn công bố những khoản tiền thưởng khồng lồ, có khi là xế hộp vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng, cũng có thể là cả căn nhà hay cả chục tháng lương…
 Cuối năm chia nhau trăm tỷ, sếp lớn, sếp nhỏ tiền đổ vào nhà
Trở thành triệu phú USD nhờ lương thưởng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ESOP cũng được rất nhiều DN áp dụng trong các năm qua với các tên tuổi như: Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Thế giới di động, Masan… Hàng loạt các triệu phú USD nổi lên nhờ vào đóng góp của mình cho sự phát triển của DN.
Ngay từ năm 2013, giới đầu tư giật mình với trường hợp TGĐ Masan Group Madhur Maini đã bất ngờ lọt danh sách tốp 30 người nhất TTCK Việt Nam nhờ mua 6 triệu cổ phiếu ESOP với trị giá thị trường hơn 500 tỷ đồng.
Năm 2014, một lượng lớn cổ phiếu ESOP của Thế giới Di động đã giúp cả chục nhà lãnh đạo DN này trở thành triệu phú ngay sau khi DN này niêm yết cổ phiếu trên sàn. Sự phát triển bùng nổ của DN này cùng với giá cổ phiếu tăng chóng mặt vài năm gần đây đã giúp cho rất nhiều cổ đông MWG lọt top 50 người giàu nhất trên TTCK. Riêng ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ MWG đứng ở vị trí thứ 6 với hơn 3,6 ngàn tỷ đồng.
Đợt phát hành cổ phiếu ESOP của Vinamilk vừa qua cũng sẽ giúp các cán bộ người lao động chủ chốt tại DN này giàu lên nhanh chóng, sẽ có thêm những người trở thành triệu phú USD. Danh sách cụ thể những ai được thưởng trong lần này sẽ có trong báo cáo quản trị 2016. Trước đó vài năm, bà Mai Kiều Liên, khi đó là chủ tịch kiêm TGĐ VNM cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng từ phân chênh mua 350 ngàn cổ phiếu VNM với giá bằng 1/10 so với thị giá.
Giới đầu tư cũng nhìn thấy bóng dáng các triệu phú USD sau những đợt phát hành cổ phiếu ESOP, cổ phiếu thưởng, cổ tức… vào các dịp cuối năm tại các DN như: CotecCons (CTD), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Gemadept, HSC, HPG…
Những đại gia trở nên giàu có không chỉ nhờ vào vị thế cổ đông mà còn nhờ vào các khoản lương thưởng khổng lồ từ cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP như: Nguyễn Duy Hưng, Phạm Hồng Dương, Đặng Huỳnh Ức My, Nguyễn Bá Dương…
Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển thuộc top nhanh nhất thế giới, cơ hội làm giàu và trở thành các triệu phú USD lớn hơn bao giờ hết. Không ít người đã lựa chọn con đường khởi nghiệp để trở thành ông chủ của các DN giàu có. Cũng có rất nhiều người trở thành lãnh đạo bậc trung và cao tại các DN lớn và trở thành những triệu phú USD nhờ vào khả năng quản lý của mình.
Câu chuyện trở thành triệu phú USD, thậm chí tỷ phú USD sau một thời gian ngắn hay kiếm vài chục cho tới cả trăm tỷ vào mỗi dịp cuối năm… không còn phải quá hiếm. Đây cũng là xu hướng tất yếu mà đã trở thành phổ biến trên thế giới. Hiệu quả kinh doanh cao, tốc độ phát triển nhanh của những DN như Thế giới di động, Masan, Hoa Sen, Hòa Phát… hay sự hồi phục của rất nhiều NHTMCP… là cơ sở để các DN này có những quyết định thưởng trăm tỷ mà rất khó có thể tin được ở thời điểm cách đây 10 năm.
(Theo VietNamNet) M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét